Hạ tầng

Chính thức quyết định “số phận” Trạm kiểm tra tải trọng xe Dầu Giây

01/06/2019, 07:15

Cùng với việc giải thể Trạm kiểm tra tải trọng xe Dầu Giây, việc kiểm tra tải trọng xe trên địa bàn Đồng Nai vẫn được tiếp tục.

img
Vị trí đặt Trạm kiểm tra tải trọng xe Dầu Giây tại Km 1.846 + 700 trên QL1 không còn phù hợp - ảnh Bích Ngọc.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa giao Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định giải thể Trạm Kiểm tra tải trọng xe Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai (thuộc Cục Quản lý đường bộ IV - Tổng cục Đường bộ Việt Nam) theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm tiếp tục duy trì hoạt động kiểm tra tải trọng xe trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Phó Thủ tướng cho biết, về Quy hoạch tổng thể trạm kiểm tra tải trọng xe và Quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GTVT được thực hiện theo quy định của pháp luật về Quy hoạch và các quy định có liên quan.

Trạm Kiểm tra tải trọng xe Dầu Giây được thành lập tháng 9/1993 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đến tháng 6/2003, trạm cân này tạm dừng hoạt động sau khi xảy ra các vụ tiêu cực của lực lượng liên ngành làm việc tại trạm. Tháng 3/2009, Trạm Kiểm tra tải trọng xe Dầu Giây được khôi phục. Năm 2014, trạm được nâng cấp bổ sung một số thiết bị.

Tháng 10/2018, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng ban hành quyết định giải thể Trạm Kiểm tra tải trọng xe Dầu Giây và cho phép Bộ xử lý các vấn đề liên quan của đơn vị sự nghiệp công lập hiện thuộc Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam).

Trong Công văn số 11073, Bộ GTVT đưa ra 4 lý do chính khiến trạm Dầu Giây giảm vai trò, trong đó, đáng kể nhất là vị trí đặt Trạm tại Km 1.846 + 700 trên QL1 không còn phù hợp.

Theo Bộ GTVT, do tốc độ phát triển, đô thị hóa, tại thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) đã hình thành nhiều đường ngang kết nối QL1 với hệ thống đường đô thị, đường khu công nghiệp. Điều này đã phá vỡ vị thế “hom giỏ” ban đầu của trạm Dầu Giây, khiến các xe chở hàng quá tải mặc sức né trạm kiểm soát tải trọng trong sự bất lực của ngành chức năng.

Bên cạnh đó, thiết bị kiểm tra của trạm Dầu Giây được lắp đặt từ lâu, thường xuyên trục trặc, hư hỏng, đặc biệt là chỉ đo được các xe lưu thông tốc độ cao (lớn hơn hoặc bằng 20 km/h), nhưng không kiểm soát được các xe quá tải cố tình đi với tốc độ thấp.

“Trong bối cảnh trạm Dầu Giây mất dần tác dụng, việc hàng năm ngân sách Nhà nước phải bỏ ra khoảng 5 tỷ đồng để duy trì hoạt động và bảo trì trạm tại vị trí hiện hữu là điều không cần thiết”, văn bản của Bộ GTVT cho biết.

Do việc kiểm soát tải trọng phương tiện tại Đồng Nai - cửa ngõ nối TP HCM và các tỉnh miền Tây với các tỉnh khu vực phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên vẫn rất cần thiết, nên Bộ GTVT kiến nghị ghép địa bàn kiểm tra tải trọng xe (do trạm Dầu Giây quản lý) vào trạm thu phí BOT Đồng Thuận tại Km 1.841 trên QL1, thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai và cách vị trí trạm Dầu Giây hiện hữu khoảng 5 km về phía Bắc. Khi đó, nhiệm vụ kiểm tra tải trọng xe toàn bộ khu vực Dầu Giây sẽ do trạm BOT Đồng Thuận thực hiện.

img

Chiếc Boeing 787 của Vietnam Airlines phải quay đầu khi cất cánh 30 phút

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.