Hạ tầng

Chính thức thi công gói thầu XL-CY-06 thuộc Dự án cải tạo nâng cấp cầu yếu

18/05/2020, 11:52

Sáng 18/5, tại Quảng Trị, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã phát lệnh thi công gói thầu XL-CY-06 thuộc dự án Cải tạo nâng cấp, cầu yếu...

img
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phát biểu và phát lệnh ra quân triển khai thi công gói thầu XL-CY-06

Quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...

Gói thầu XL-CY-06 là gói thầu xây lắp thứ 2 thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM (dự án cầu yếu) nằm trong các Dự án đường sắt quan trọng, cấp bách sử dụng nguồn vốn dự phòng trung hạn theo Nghị quyết số 556/NQ-UBTVQH14 ngày 31/7/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Bộ GTVT, Ban QLDA Đường sắt tổ chức ra quân xây dựng trong vòng hơn 1 tuần qua.

Lễ ra quân thi công gói thầu CL-CY-06 được Bộ GTVT, Ban QLDA Đường sắt, Liên danh nhà thầu Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình 3 - Công ty CP Đường sắt Thanh Hóa tổ chức tại cầu Rồng Lớn (Km 641+700 đường sắt Bắc Nam), thuộc địa phận xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Việc khởi công thực hiện các dự án đường sắt quan trọng, cấp bách trong giai đoạn này ngoài mục tiêu nâng cao năng lực khai thác, đảm bảo an toàn chạy tàu trên tuyến đường sắt Bắc Nam, còn là sự thể hiện quyết tâm của Bộ GTVT, Ban QLDA Đường sắt trong việc thực hiện “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 thành công, vừa đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội.

img
Ông Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phát biểu tại buổi lễ

Đây là dự án có mục tiêu từng bước thay thế các cầu yếu, đồng nhất tải trọng khai thác 4,2T/m trên toàn tuyến nhằm đảm bảo ATGT, nâng cao sản lượng và năng lực vận tải đường sắt; góp phần cải tạo hệ thống hạ tầng của ngành Đường sắt, nâng cao tốc độ chạy tàu trên tuyến và đảm bảo an toàn chạy tàu nói chung. Đồng thời, các dự án này còn tập trung xây dựng một số trụ chống va xô nhằm hạn chế thấp nhất những tổn thất về người và tài sản do va chạm của các phương tiện vận tải đường thủy nội địa đối với các công trình đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP.HCM.

Đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn chạy tàu...

Phát biểu và phát lệnh ra quân triển khai thi công Gói thầu XL-CY-06, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, tuyến đường sắt Bắc Nam được xây dựng và khai thác trên 100 năm, khẩu đường đơn, tiêu chuẩn lạc hậu, hạ tầng tuyến chưa đồng bộ, hạn chế tốc độ chạy tàu và chưa kết nối tốt với các phương thức vận tải khác.

Trong quy hoạch phát triển đường sắt Quốc gia, bên cạnh việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt mới tiêu chuẩn 1435, tuyến đường sắt hiện hữu trên tuyến đường sắt Bắc Nam sẽ được cải tạo, nâng cấp phục vụ cho vận tải hàng hóa, vận chuyển hành hành khách ở cự ly ngắn.

img
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị và các đại biểu ấn nút phát lệnh ra quân thi công Gói thầu XL-CY-06...

“Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành, ngành GTVT đã được bố trí nguồn vốn 15 nghìn tỷ cho các dự án cấp bách, trong đó có 7 nghìn tỷ cho 4 dự án thuộc tuyến đường sắt Bắc Nam. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thực hiện chủ trương của Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, Bộ GTVT đã tập trung đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ bản, giải ngân vốn đầu tư công cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông”, Thứ trưởng cho hay.

Đồng thời, Bộ GTVT đã và đang triển khai hàng loạt các giải pháp, yêu cầu Ban QLDA lập kế hoạch kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng, từng quý, năm với mốc tiến độ từng dự án. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình quản lý đầu tư, đặc biệt là công tác đảm bảo tiến độ, chất lượng và giải ngân.

Yêu cầu các cơ quan của Bộ thường xuyên rà soát, tổ chức kiểm tra, đôn đốc tiến độ, tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc, chủ động đề xuất điều hòa điều chỉnh kế hoạch chi tiết các dự án. Kiên quyết điều chỉnh giảm kế hoạch các dự án thực hiện chậm cho các dự án có tiến độ triển khai nhanh. Yêu cầu các Ban QLDA phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh các dự án GPMB…

img
Chính thức triển khai thi công gói thầu XL-CY-06

“Với 4 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc Nam, trong đó có giao chủ đầu tư là Ban QLDA đường sắt, Ban QLDA 85. Để đáp ứng tiến độ hoàn thành tiến độ dự án vào năm 2021 thuộc kế hoạch vốn đã bố trí, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, tư vấn thiết kế khẩn trương hoàn thành công tác thiết kế dự án và lựa chọn nhà thầu tất cả các gói thầu còn lại nhằm đảm bảo khởi công đồng loạt chậm nhất là trong tháng 8/2020”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng yêu cầu chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công khẩn trương huy động đầy đủ nhân lực, vật lực để triển khai thi công, đồng thời trong quá trình thi công phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để đảm bảo tuyệt đối an toàn chạy tàu. Chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật quy định, chỉ đạo của Bộ GTVT, của địa phương trong việc triển khai thi công công trình trong điều kiện, thỏa thuận đã ký kết; chú trọng công tác quản lý chất lượng, tiến độ, ATGT, an toàn lao động và vệ sinh môi trường. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, các đơn vị quản lý đường sắt, các Cục, Vụ của Bộ hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, nhà thầu trong quá trình thi công.

img
Cầu Rồng Lớn (Km 641+700 đường sắt Bắc Nam), thuộc địa phận xã Hải Lâm, Hải Lăng, Quảng Trị

Thứ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian qua, Bộ GTVT đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các địa phương trong công tác GPMB, hướng dẫn, xác định đơn giá nhân công, ca máy để kịp thời lập thỏa thuận những chi phí theo Nghị định 68 của Chính phủ. Để dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra, Bộ GTVT đề nghị các địa phương tiếp tục hỗ trợ và giúp đỡ Bộ GTVT, các chủ đầu tư, các nhà thầu thi công trong quá trình thực hiện dự án.

Đối với gói thầu XL-CY-06 cải tạo 15 cầu thuộc dự án cải tạo 129 cầu yếu, là gói thầu thứ 2 khởi động trong hơn 30 gói thầu xây lắp của 4 dự án, Thứ trưởng yêu cầu các nhà thầu phải nỗ lực cao nhất, huy động nhân lực, vật lực, máy móc thiết bị tổ chức thi công khoa học, đảm bảo chất lượng, tiến độ và vượt tiến độ. Trong quá trình thi công, yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát phối hợp chặt chẽ với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đơn vị quản lý đường sắt trong khu vực đảm bảo điều kiện an toàn thi công, an toàn chạy tàu và bảo vệ môi trường.

Để triển khai đồng loạt các gói thầu và hoàn thành năm 2021, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị tiếp tục khẩn trương triển khai thực hiện trong thời gian tới. Để có thể tiếp tục triển khai thuận lợi các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, Bộ GTVT rất mong được sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố tích cực giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện trong công tác GPMB, tái định cư và chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ chủ đầu tư, Ban QLDA, nhà thầu trong quá trình thi công…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.