Chính trị

Thông qua Luật Địa chất và khoáng sản, gỡ vướng vật liệu san lấp

Sáng 29/11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội thông qua Luật Địa chất và khoáng sản, trong đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn khai thác khoáng sản cung cấp vật liệu san lấp.

Phân loại vật liệu san lấp, đắp nền móng

Theo đó, Luật Địa chất và khoáng sản đã phân rõ nhóm khoáng sản theo công dụng và mục đích quản lý, khoáng sản.

Cụ thể, khoáng sản nhóm I bao gồm: Khoáng sản kim loại; khoáng sản năng lượng; đá quý, đá bán quý; khoáng chất công nghiệp.

Thông qua Luật Địa chất và khoáng sản, gỡ vướng vật liệu san lấp- Ảnh 1.

Quốc hội thông qua Luật Địa chất và khoáng sản với số phiếu tán thành cao.

Khoáng sản nhóm II là khoáng sản làm vật liệu trong ngành công nghiệp xây dựng phục vụ sản xuất xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, đá ốp lát, mỹ nghệ, vôi công nghiệp, vật liệu chịu lửa.

Khoáng sản nhóm III bao gồm khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, bùn khoáng, nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên.

Khoáng sản nhóm IV bao gồm khoáng sản chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp, đắp nền móng công trình, xây dựng công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai, gồm: Đất sét, đất đồi, đất có tên gọi khác; đất lẫn đá, cát, cuội hoặc sỏi; cát (trừ cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển).

Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm quy định chi tiết danh mục khoáng sản theo nhóm, quy định việc phân nhóm đối với khoáng sản có nhiều mục đích sử dụng.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn khai thác khoáng sản cung cấp vật liệu san lấp phục vụ các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Luật đã chỉnh lý quy định chung đối với khai thác khoáng sản nhóm IV.

Thông qua Luật Địa chất và khoáng sản, gỡ vướng vật liệu san lấp- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy.

Theo đó, việc khai thác khoáng sản nhóm IV để phục vụ cho các dự án, công trình, hạng mục công trình, thực hiện các biện pháp huy động khẩn cấp, không phải thực hiện thủ tục trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, thẩm định và phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, đăng ký môi trường.

Song phải lập phương án khai thác khoáng sản nhóm IV, trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xem xét, cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định của luật này.

Ngoài ra, Luật giao Chính phủ quy định chi tiết những nội dung có tính chất kỹ thuật, quy trình, hồ sơ, trình tự, thủ tục để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt trong công tác chỉ đạo điều hành.

Rà soát, bỏ các nội dung trùng lặp, thuộc thẩm quyền phân công của Chính phủ, đồng thời quy định chung tại một điều (Điều 107) về trách nhiệm quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh.

Vì sao thời hạn giấy phép khai thác không quá 30 năm và được gia hạn tối đa 20 năm?

Về thời hạn giấy phép khai thác khoáng sản, luật quy định thời hạn khai thác bao gồm thời gian xây dựng cơ bản, thời gian khai thác được xác định theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản nhưng không quá 30 năm.

Luật cho phép gia hạn nhiều lần theo đề nghị của tổ chức, cá nhân có giấy phép khai thác khoáng sản, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 68 và khoản 3 Điều 87 của luật này.

Thông qua Luật Địa chất và khoáng sản, gỡ vướng vật liệu san lấp- Ảnh 3.

Luật Địa chất và khoáng sản đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn khai thác khoáng sản.

Trường hợp thời hạn khai thác khoáng sản, bao gồm cả thời gian gia hạn, đã hết mà khu vực được phép khai thác còn trữ lượng, việc cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản được thực hiện theo đề nghị của tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

Trước đó khi thảo luận, có ý kiến đề nghị điều chỉnh quy định thời gian cấp phép là không quá 50 năm và thời gian gia hạn không quá 15 năm.

Giải thích làm rõ việc quy định như trên, ông Lê Quang Huy cho biết: "Khoáng sản là tài sản công, việc thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản phải có cách tiếp cận khác so với dự án đầu tư thông thường khác".

Việc quy định thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản, bảo đảm thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản nhưng cần tính toán giảm thiểu các tác động không tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, giấy phép khai thác khoáng sản đều có thời hạn tối đa là 30 năm và được gia hạn một số năm.

Quy định này cũng phù hợp với điều kiện thực tế là vòng đời của công nghệ khai thác khoáng sản sau 30 năm thường đã lạc hậu và cũng cần đầu tư đổi mới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.