Thế giới

Chính trị rối ren, kinh tế Anh bên bờ vực suy thoái

09/09/2019, 06:43

Nhiều báo cáo nhấn mạnh cái giá về kinh tế mà Anh phải hứng chịu khi không thể vạch ra được con đường rõ ràng để rời khỏi Liên minh Châu Âu.

img
Thủ tướng Anh Boris Johnson liên tục thất bại với những đề xuất mạo hiểm để Brexit

Trong khi tình hình chính trị đang mắc kẹt giữa những tranh luận không có hồi kết về việc làm thế nào để đưa Anh ra khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit) êm xuôi, nền kinh tế nước này âm thầm hứng chịu một trong những tuần lễ tồi tệ nhất trong năm nay.

Đèn cảnh báo kinh tế đã nháy đỏ

Tuần này, tương lai nước Anh tiếp tục mờ mịt sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson - người vừa được bầu với kỳ vọng thay thế người tiền nhiệm Theresa May dẫn dắt nước Anh vượt qua thử thách Brexit thành công - lại bắt đầu hứng chịu hàng loạt chỉ trích, mất sự ủng hộ tại Nghị viện và thất bại trong việc thúc đẩy bầu cử sớm.

Trước thực tế đó, nhiều báo cáo nhấn mạnh cái giá về kinh tế mà Anh phải hứng chịu khi nước này không thể vạch ra được con đường rõ ràng để rời khỏi Liên minh Châu Âu. Đèn cảnh báo suy thoái đã bắt đầu nháy đỏ, nhiều chuyên gia khẳng định.

“Nền kinh tế đang suy thoái, điều này thể hiện rõ qua dữ liệu”, Kit Juckes, chiến lược gia về hối đoái toàn cầu tại Công ty Societe Generale cho biết. “Tình hình đang ngày càng tồi tệ và tất cả mọi lĩnh vực trong nền kinh tế đều mất đà tăng trưởng”, ông Kit Juckes nói thêm.

Một báo cáo đầu tuần vừa rồi đã sớm chỉ ra tương lai suy thoái của nền kinh tế nước Anh. Sau khi chỉ tăng trưởng 0,2% trong quý II năm nay, kinh tế xứ sở sương mù tiếp tục tăng trưởng lẹt đẹt, chỉ 0,1% trong tháng 7. Con số yếu ớt này khiến nhiều nhà kinh tế bắt đầu giảm nhẹ dự báo của họ về tình hình quý III.

Đồng bảng trượt giá

Sự biến động của đồng bảng Anh trong thời gian vừa qua thực sự là dấu hiệu cho thấy các thương gia đang rất quan tâm tới tin tức chính trị của Vương quốc Anh. Đầu tuần vừa rồi, đồng tiền này đã trượt xuống mức dưới 1,2 USD đổi 1 bảng Anh, mức thấp nhất kể từ năm 2017.

Các doanh nghiệp tại Anh cũng bị ảnh hưởng nặng. Đa số các hoạt động sản xuất và xây dựng đều co lại, thậm chí những ngành dịch vụ chiếm ưu thế của Anh cũng đang dần mất đà, khiến nhiều tổ chức nghiên cứu dự đoán Vương quốc Anh đang trên đà suy thoái.

Cùng lúc, thị trường nhà đất Anh lẹt đẹt bế tắc; Doanh số bán lẻ thấp ở mức đáng thất vọng, số liệu ngành công nghiệp bán lẻ tuần vừa qua cho thấy doanh số trong tháng 8 đã giảm so với cùng kỳ năm trước, lần giảm thứ 3 trong vòng 4 tháng. Ngay từ trước khi có những lùm xùm chính trị, niềm tin về sự phát triển tiêu dùng của nước này đã rạn nứt. Nếu người tiêu dùng bắt đầu “thắt lưng buộc bụng”, các vấn đề kinh tế sẽ ngày càng trầm trọng.

Một khảo sát của Ngân hàng Anh cho thấy, dự báo lạm phát trong năm tới sẽ ở mức 3,3%, trong đó hơn một nửa người Anh cho rằng Brexit sẽ khiến giá cả leo thang. Tình hình lạm phát hiện nay mới chỉ ở mức hơn 2%.

Theo nhà kinh tế Azad Zangana, các hộ gia đình không cắt giảm chi tiêu như dự đoán sau cuộc trưng cầu dân ý Liên minh Châu Âu năm 2016. Thay vào đó, họ gửi tiết kiệm ít đi. Nước Anh đang trong tình trạng tỉ lệ tiết kiệm ở gần mức thấp kỷ lục. “Nếu chúng ta không đạt được thỏa thuận và đồng bảng Anh tiếp tục sụt giảm, lạm phát tăng cao, nước Anh chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái”, chuyên gia Zangana nhận định.

Dù vậy, giữa những “đám mây u ám” che kín bầu trời vẫn le lói một vài tia sáng cho nền kinh tế xứ sở sương mù. Trước mắt, Bộ trưởng Bộ Ngân khố Anh Sajid Javid hứa hẹn chấm dứt một thập kỷ nước Anh “thắt lưng buộc bụng” với khoản chi tiêu dự kiến lớn nhất trong vòng 15 năm trở lại đây.

Tiếp đó, Thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney cho biết, những động thái mà Anh đang chuẩn bị cho một Brexit không có thỏa thuận cũng có thể giúp nước này hạn chế tác động tiêu cực của Brexit đến kinh tế dù hậu quả vẫn khá đáng kể.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.