Hạ tầng

Chờ cơ chế đấu thầu trọn gói bảo trì đường thủy

30/01/2018, 08:22

Nhiều ý kiến cho rằng, cần đấu thầu trọn gói mới khắc phục được những bất cập trong dịch vụ bảo trì đường thủy

7

Doanh nghiệp mong sớm có cơ chế đấu thầu bảo trì vài năm một lần và theo hình thức khoán gọn

Năm 2018 là năm thứ 3 Cục Đường thủy nội địa VN tổ chức thí điểm đấu thầu dịch vụ bảo trì thường xuyên đường thủy, nhưng do chưa giải quyết được vướng mắc từ hai năm trước nên vẫn đan xen hình thức đặt hàng và đấu thầu. Nhiều ý kiến cho rằng, cần đấu thầu trọn gói mới khắc phục được những bất cập hiện nay.

Doanh nghiệp mệt mỏi, tốn kém chi phí

Từ năm 2016, sau khi tất cả 15 đơn vị quản lý đường thủy (trước đây trực thuộc Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam hoàn thành việc chuyển sang doanh nghiệp cổ phần, dịch vụ bảo trì thường xuyên đường thủy quốc gia bắt đầu được tổ chức đấu thầu thí điểm. Theo Quyết định số 47 ngày 5/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ, được áp dụng đấu thầu hạn chế một số tuyến chính và đấu thầu theo quy định chung các tuyến khác trong thời gian 3 năm, từ năm 2016 - 2018.

Dù “sân chơi” chủ yếu vẫn là 15 đơn vị bảo trì truyền thống nói trên, nhưng yêu cầu để được tham gia đấu thầu được đặt ra cao hơn so với trước đó, như phải chứng minh năng lực cơ sở vật chất, tài chính, có bảo lãnh ngân hàng, có các trang thiết bị hiện đại nhưng trong những năm đầu tiên thí điểm vẫn còn nhiều khó khăn. Thời gian thầu chỉ vỏn vẹn 8 tháng cuối của năm 2016, còn 4 tháng đầu năm thực hiện theo phương thức đặt hàng. Sang năm 2017, cũng không thể triển khai trọn vẹn phương thức đấu thầu cả năm, mà vẫn phải kết hợp vừa đấu thầu vừa đặt hàng.

"Hầu hết doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn điều lệ chỉ 6-15 tỷ đồng, sau vài năm cổ phần hóa vẫn chưa mở rộng được sang lĩnh vực khác nên doanh thu hàng năm từ bảo trì đường thủy của các doanh nghiệp hiện chiếm 80 - 90% tổng doanh thu. Vì vậy, thời gian đấu thầu dài cũng giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư phương tiện, thiết bị phục vụ bảo trì, cũng như có giải pháp quản lý bảo trì phù hợp nhất để nâng năng suất lao động”.

Ông Dương Hải Thanh
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý bảo trì ĐTNĐ số 4

Theo đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam, nguyên nhân do dự toán nguồn vốn cho công tác quản lý bảo trì đường thủy đến cuối tháng 11 hoặc tháng 12 của năm trước mới được giao, nên không đủ thời gian để thực hiện các thủ tục (kế hoạch đấu thầu, số lượng thầu, giá, phương thức, thời gian hợp đồng).

Về phía doanh nghiệp, lãnh đạo các công ty bảo trì đều cho biết, điều này khiến doanh nghiệp mệt mỏi, tốn kém thêm chi phí bởi trong 1 năm phải vừa làm các thủ tục hồ sơ để nhận đặt hàng bảo trì, vừa căng thẳng để làm hồ sơ nghiệm thu, thanh toán. “Việc thanh toán kinh phí cho doanh nghiệp rất chậm, đến tháng 12/2017, chúng tôi mới nhận được hết kinh phí bảo trì. Thanh toán chậm khiến công ty phải nợ lương người lao động trong thời gian dài”, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo trì cho biết.

Những vướng mắc trên đã được nhận diện ngay năm đầu tiên thí điểm đấu thầu bảo trì đường thủy, song bước sang năm thứ 3 vẫn không thể giải quyết. Cụ thể, theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, 2 tháng đầu năm 2018 dịch vụ bảo trì đường thủy thường xuyên vẫn được áp dụng theo phương thức đặt hàng và đấu thầu trong 10 tháng còn lại của năm 2018. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục xoay xở với cả hai lần, hai loại thủ tục cho cùng một công việc, cả với phương thức đặt hàng và đấu thầu bảo trì trong thời gian ngắn.

Năm 2019, thay đổi hoàn toàn cách đấu thầu?

Mới đây, Bộ GTVT ban hành Thông tư 52 (quy định về đấu thầu, đặt hàng phương thức bảo trì đường thủy nội địa quốc gia thuộc nguồn vốn ngân sách, có hiệu lực từ 1/3/2018) bãi bỏ Thông tư 26 ngày 8/7/2014. Trong đó nêu, đến hết năm 2018 vẫn tiếp tục thực hiện thí điểm đấu thầu và đặt hàng bảo trì các tuyến đường thủy quốc gia theo Quyết định số 47 của Thủ tướng.

Theo ông Vũ Mạnh Hùng, Q. Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư của Cục ĐTNĐ Việt Nam, điểm mới chủ yếu của Thông tư 52 là xác định rõ các hạng mục công việc được áp dụng phương thức đặt hàng (như khắc phục khẩn cấp kết cấu hạ tầng) và trong trường hợp chưa được giao vốn để đấu thầu. Quy định trên nhằm tạo hành lang pháp lý trong trường hợp vốn ngân sách dành cho bảo trì được giao chậm, khiến Cục ĐTNĐ Việt Nam vừa phải áp dụng phương thức đặt hàng lẫn đấu thầu như 3 năm đầu tiên thí điểm đấu thầu.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp bảo trì đường thủy, để không phải áp dụng song song cả phương thức đấu thầu và đặt hàng bảo trì trong 1 năm, đường thủy cần sớm có cơ chế đấu thầu trong thời gian vài năm/lần như lĩnh vực đường bộ. Điều này giúp cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý đều thuận lợi, giảm được chi phí, công sức làm thủ tục, hồ sơ mà vẫn đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, thậm chí giảm được “xin - cho” trong công tác quản lý. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mong được đấu thầu trọn gói toàn bộ các công việc thuộc hạng mục bảo trì trên tuyến đường thủy và đầu ra của sản phẩm là đảm bảo tuyến luồng thông thoáng, phao tiêu, báo hiệu đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.

“Chúng tôi mong Bộ GTVT, Cục Đường thủy nội địa VN ban hành chính sách đấu thầu mục tiêu, có thời hạn 5 năm/lần đối với dịch vụ duy tu bảo trì kết cấu hạ tầng đường thủy. Cơ chế này giúp tạo điều kiện cho các công ty chủ động trong công việc, có thời gian đầu tư nâng cao năng lực thiết bị phục vụ bảo trì đường thủy”, ông Dương Hải Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý bảo trì ĐTNĐ số 4 kiến nghị.

Theo ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam, năm 2018, đơn vị này tiếp tục hoàn thiện quy định về bảo trì theo hướng áp dụng khoa học, công nghệ, vật liệu mới để nâng cao năng suất và hạ giá thành bảo trì đường thủy; Đồng thời, kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ về cơ chế thí điểm đấu thầu bảo trì đường thủy thường xuyên theo hình thức khoán gọn, với thời gian thực hiện 3 năm/lần.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.