Giao thông

Cho dân thuê đất quốc phòng, Sân bay Pleiku không thể GPMB

25/12/2014, 08:00

Đến tháng 9/2015, dự án nâng cấp Sân bay Pleiku phải hoàn thành nhưng hiện nay một số hộ dân vẫn cản trở thi công với lý do trước đó họ đã trả tiền thuê đất tại khu vực dự án ...

Người dân mất trắng hàng trăm triệu đồng đầu tư vào cây cà phê do hợp đồng không đúng quy định của Sư đoàn 372
Người dân mất trắng hàng trăm triệu đồng đầu tư vào cây cà phê do hợp đồng không đúng quy định của Sư đoàn 372

Cản trở thi công đòi bồi thường vì nhận khoán đất quốc phòng

Sân bay Pleiku được xác định có vai trò rất quan trọng trong chiến lược quốc phòng của khu vực Tây Nguyên. Vì vậy, việc nâng cấp sân bay này trở thành sân bay lưỡng dụng, phục vụ mục đích quốc phòng và thương mại là rất cần thiết. 

Tuy nhiên, từ năm 2009, đơn vị quân đội là Sư đoàn 372 (Binh chủng Phòng không không quân (được giao sử dụng đất tại khu vực sân bay) đã giúp người dân và gia đình quân nhân (sỹ quan) ký hợp đồng giao khoán trồng cà phê trong khu vực sân bay với diện tích 20 ha. Cụ thể, hợp đồng được tính trong thời gian từ 2009 đến năm 2018. Trong đó, Tiểu đoàn đảm bảo kỹ thuật Sân bay Pleiku (Tiểu đoàn Sân bay) giao khoán với các hộ dân mức phải đóng 3,5 triệu đồng/ha/năm.  

Ông Nguyễn Trọng Hải, Giám đốc Sân bay Pleiku cho biết, theo kế hoạch, đến tháng 9/2015, dự án nâng cấp và mở rộng Sân bay Pleiku phải hoàn thành. Trước mắt, đến ngày 31/12/2014 sẽ hoàn thành việc đào, di dời 2 triệu m3 đất. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới thực hiện được khoảng 700 nghìn m3 đất, đạt 40% khối lượng công trình. Việc thi công khối lượng đắp 700 nghìn m3 đất tại khu vực thuộc diện tích cây cà phê mà Tiểu đoàn sân bay hợp đồng cho người dân canh tác buộc phải ngưng lại. Ngày 16/12, khi đơn vị thi công đưa phương tiện vào san ủi, các hộ dân đã ngăn cản, nên chủ đầu tư đã cho tạm dừng thi công. 

Việc Tiểu đoàn Sân bay cho phép người dân trồng cây lâu năm (cây cà phê) tại khu vực quân sự được UBND tỉnh Gia Lai xác định là bất hợp lý. Đó là chưa nói đến việc loại cây này có độ che phủ, mật độ khá dày và tạo điều kiện thuận lợi cho các phần tử xấu ẩn nấp.

Đáng nói hơn, cũng vì bản hợp đồng không hợp lệ này mà nhiều người dân đang đứng trước nguy cơ trắng tay. Bởi từ khi ký hợp đồng nhận đất đến nay, cây cà phê của các hộ dân chỉ mới trồng được 4 - 5 năm, khi sắp đến kỳ thu hoạch thì dự án nâng cấp Sân bay Pleiku được triển khai. 

Được biết, điều khoản bất khả kháng giữa hợp đồng của Tiểu đoàn Sân bay với người dân nêu cụ thể: Địch họa, sư đoàn, quân chủng có nhu cầu về đất cho nhiệm vụ quốc phòng, người nhận khoán sẽ dừng việc canh tác và không được đòi bồi thường. Trong khi đó, Sân bay Pleiku đang được nâng cấp trở thành lưỡng dụng vừa mục đích quốc phòng, vừa mục đích thương mại. Do đó, người dân sẽ phải chịu thiệt khi đầu tư hàng trăm triệu đồng trồng cà phê ở đây.

Ông Ngô Văn Vọng, tổ 13, phường Thống Nhất cho biết: “Năm 2008, gia đình tôi ký hợp đồng nhận khoán 0,7 ha, sau đó nhận chuyển nhượng thêm khoảng 0,8 ha và đã đầu tư mấy trăm triệu đồng làm đất, trồng cây. Nhưng nay, chúng tôi chưa nhận được thông báo thu hồi cũng như đền bù, đơn vị thi công đã đến san ủi mất 100 cây cà phê. Sự việc bất ngờ khiến chúng tôi rất hoang mang vì bao công sức, tiền của đầu tư có nguy cơ mất trắng”.

Ai làm sai phải chịu trách nhiệm 

Sáng 22/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Hoàng Công Lự cùng với lãnh đạo các ban ngành đã có cuộc họp liên quan đến việc hàng chục hộ dân thuê đất trồng cà phê gần khu vực Sân bay Pleiku cản trở không cho GPMB. 

Về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Văn Thanh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Sân bay Pleiku nói: “Trước đây các chuyến bay rất ít, đời sống của nhiều hộ dân gặp khó khăn nên đơn vị đã đồng ý cho ký kết hợp đồng tăng gia sản xuất, tạo điều kiện cho các hộ phát triển kinh tế. Nay phải thu hồi lại diện tích này, chúng tôi chỉ hỗ trợ chứ không bồi thường”.

Trong khi đó, Sư đoàn 372, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân lại có văn bản đề nghị UBND tỉnh Gia Lai, Cục Hàng không VN, Tổng công ty Cảng hàng không VN bố trí kinh phí đền bù, hỗ trợ diện tích cây cà phê cho các hộ đã trồng trong phạm vi đất GPMB. Tuy nhiên, phía tỉnh Gia Lai không đồng ý. “Đây là hợp đồng giữa Tiểu đoàn Sân bay - Sư đoàn 372 với các hộ dân nên trách nhiệm thuộc về Sư đoàn. Tỉnh bồi thường, hỗ trợ là không đúng”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Gia Lai Lưu Văn Thanh nói. 

Ông Hoàng Công Lự cũng cho biết, quan điểm của tỉnh là không đền bù, hỗ trợ trong trường hợp này. “Đất tỉnh giao cho Sư đoàn là nhằm mục đích quốc phòng nhưng đơn vị quản lý lỏng lẻo, sử dụng không đúng mục đích. Căn cứ vào hợp đồng, Tiểu đoàn Sân bay, Sư đoàn 372 phải giải quyết cho dân, nếu tiến độ thi công sân bay chậm trễ, Sư đoàn phải chịu trách nhiệm”, ông Lự nói. Cùng đó, ông Lự cũng yêu cầu đơn vị phải bàn giao mặt bằng cho nhà thầu ngay trong tháng này.

“Đây là lần cuối cùng tỉnh nói lại vấn đề này, nếu không giải quyết dứt điểm, sớm bàn giao mặt bằng, tỉnh sẽ có văn bản gửi Bộ Quốc phòng yêu cầu xử lý vụ việc”, ông Lự nhấn mạnh.

Vĩnh Yên

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.