Xã hội

Cho nộp tiền thoát án tử sẽ dung túng tham nhũng

17/06/2015, 06:25

Quy định không thi hành án tử hình đối với tội phạm tham nhũng sẽ tạo kẽ hở cho loại tội phạm này...

31

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong dự thảo Bộ luật hình sự là phù hợp

Ngày 16/6, Quốc hội dành thời gian thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Các ý kiến thảo luận chủ yếu xoay quanh quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, quy định bỏ án tử hình với một số tội danh hay tội phạm tham nhũng có cơ hội thoát án tử nếu khắc phục được hậu quả…

Chỉ có lợi tội phạm nhiều tiền, lắm của

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về các tội có mục đích kinh tế, sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Tuy nhiên, đa số ý kiến các ĐBQH không đồng tình với quy định này.

ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) cho rằng, quy định như vậy là không công bằng với các tội tử hình khác. “Như thế là tạo kẽ hở cho tội tham nhũng, có thể lợi dụng dùng tiền để đổi mạng, làm như vậy chẳng khác nào khuyến khích, dung túng, bao che cho tham nhũng”, ông Niễn nói và cho rằng, tham nhũng là tội có mục đích kinh tế, là quốc nạn, làm lũng đoạn đất nước, đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Chúng ta đã kiên quyết phòng, chống tham nhũng nhưng đến nay kết quả không đạt được như mong muốn mà tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, dư luận xã hội hết sức bất bình. “Đáng ra chúng ta cần phải có hình phạt nghiêm khắc hơn thì chúng ta lại làm ngược lại. Áp dụng điều luật này khác gì bỏ án tử hình đối với tội tham nhũng, điều này sẽ gây nhiều hệ lụy”, ông Niễn khuyến cáo.

ĐB Giàng Thị Bình (Lào Cai) cũng đánh giá, nếu quy định điều này như trong dự thảo luật là rất chung chung, chưa rõ thế nào là “khắc phục cơ bản hậu quả do mình gây ra”, chưa rõ nhóm tội nào có mục đích kinh tế. Trên thực tế các tội phạm thuộc nhóm tội về tham nhũng, tội xâm phạm quyền sở hữu, tội về ma túy đều có mục đích kinh tế. Nếu không làm rõ và quy định thật chặt chẽ sẽ dẫn đến tình trạng lạm dụng, tùy tiện trong áp dụng pháp luật.

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cũng đề nghị cần cân nhắc hết sức thận trọng để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tạo sự công bằng trong xã hội. “Quy định như dự thảo luật là có lợi cho người lắm tiền, nhiều của. Nếu không bị phát giác thì họ sẽ ung dung, tự tại sống sang trọng cả đời. Khi bị phát hiện nhưng có tiền nộp cũng mua được mạng sống. Điều đó làm cho pháp luật mất công bằng, méo mó. Ngân sách Nhà nước rất cần tiền nhưng không phải bất chấp mọi nguy hại”, ĐB nêu quan điểm.

Lo ngại cá nhân “nương náu” vào pháp nhân để trốn tội

Đó là nhận định mà ĐB Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đưa ra trong trường hợp không xử lý nghiêm trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Ông Quyền cho biết vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân đã được trình Quốc hội nhiều lần và đều bị bác vì chưa đủ cơ sở lý luận và thực tiễn. Theo ông Quyền, về bản chất, hình phạt hình sự đối với pháp nhân không khác gì xử lý vi phạm hành chính đối với pháp nhân, cũng chỉ là tước giấy phép, phạt tiền, đình chỉ hoạt động hoặc giải thể. “Nếu chúng ta chỉ xử lý hình sự với pháp nhân ở kinh tế thì dẫn đến một tình trạng rất phức tạp, cùng một hành vi vi phạm với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội như nhau mà pháp nhân vi phạm về kinh tế bị xử lý trách nhiệm hình sự, còn pháp nhân khác lại bị xử lý hành chính là không công bằng”, ông Quyền nêu quan điểm và lưu ý thêm, việc truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân, mặc dù đã có quy định không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân trong pháp nhân đó nhưng vẫn là kẽ hở rất lớn để các cá nhân phạm tội có thể“ nương náu” vào trách nhiệm hình sự của pháp nhân để trốn tội. Vì trách nhiệm hình sự của pháp nhân là rất nhẹ, đây là nguy cơ lớn để bỏ lọt tội phạm, nhất là tội phạm về tham nhũng.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong dự thảo Bộ luật Hình sự là phù hợp. “Khi các biện pháp xử lý hành chính dân sự không đủ mức độ răn đe, ngăn chặn các hành vi này của các pháp nhân, dự thảo luật đã có những quy định về xác định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn để thuận tiện trong áp dụng”, ông Tám đề xuất.

Không đồng ý bỏ án tửvới người trên 70 tuổi

Đồng tình với chủ trương giảm án tử hình nhằm thể hiện tính nhân đạo trong chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên, đa số các ĐBQH đều cho rằng, việc xem xét bỏ án tử hình đối với tội danh nào và những đối tượng nào được áp dụng “miễn” án tử hình cần phải được xem xét kỹ.

ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) cho biết, riêng với quy định không yêu cầu thi hành án tử hình với người từ 70 tuổi trở lên không đảm bảo nguyên tắc Hiến định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. “Ví dụ, bị cáo Huỳnh Văn Siêng (72 tuổi, trú Bến Tre) phạm hai tội hiếp dâm trẻ em và giao cấu với trẻ em mà nạn nhân là hai bé gái sinh năm 2000. Bị cáo Lê Đức Mỹ (82 tuổi, trú tại Tây Ninh) phạm tội hiếp dâm trẻ em mà nạn nhân là bé gái 7 tuổi, 5 tháng; Bị cáo Nguyễn Văn Tài (85 tuổi, trú tại Nam Định) phạm tội giết người, nạn nhân bị giết hại với 43 nhát dao chính là vợ của bị cáo…”, bà Dung lấy dẫn chứng và cho rằng, người 70 tuổi trở lên vẫn đủ sức khỏe, đủ năng lực để thực hiện hành vi phạm tội nên không thể được miễn trừ án tử hình.

Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Triệu Là Pham (Hà Giang) cũng cho rằng: “Đối tượng này vẫn còn đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, hậu quả sẽ không lường trước được nếu tính nghiêm minh của pháp luật không được thực thi một cách nghiêm minh”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.