Xã hội

Chợ Sắt, Hải Phòng: Niềm tự hào thành…”phế tích”

19/06/2016, 07:25

Có một thời chợ Sắt là một trong những đầu mối thương mại lớn nhất miền Bắc và khi đó bất cứ ai chỉ...

3

 Chợ Sắt Hải Phòng nhìn từ ngoài vào

Nhưng giờ đây, chợ Sắt hiển hiện ngay trung tâm TP Hải Phòng với vẻ tiêu điều, nhếch nhác như một nốt ruồi xấu xí trên gương mặt thành phố hoa phượng đỏ, còn hoạt động của những tiểu thương trong chợ chỉ thoi thóp qua ngày.

Từ một thời “nổi như cồn”…

Ngồi bần thần ngao ngán bên hàng nước chè trong chợ Sắt, bà Thảo, người có 30 năm gắn bó với chợ Sắt cứ nhắc đi nhắc lại cái thời hoàng kim vài chục năm trước. Hồi đó bà được sở hữu 1m2 trong chợ bán đồ linh kiện điện tử nhưng nuôi sống cả nhà sung túc trong điều kiện cả nước còn nghèo khó. Giờ đây, bà vẫn bán hàng trong chợ Sắt nhưng là bán nước chè và thu nhập chỉ vài chục nghìn đồng/ngày.

Chợ Sắt Hải Phòng vốn nổi tiếng đến mức có thời người ta có câu nói “chưa vào chợ Sắt, coi như chưa đến Hải Phòng” hay “Cần mua bất cứ thứ gì từ những cỗ máy tàu thủy, ô tô tới cái đĩa ca nhạc mới nhất trên thế giới, nếu chợ Sắt không có thì chẳng ở đâu có”.

Chợ Sắt Hải Phòng tọa lạc ở vị trí đắc địa ngay sát sông Tam Bạc, đường Quang Trung (Q. Hồng Bàng). Chợ này được người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19. Dưới thời Pháp thuộc, chợ mang tên chợ Lớn (Grande Marché). Chợ được xây bằng vật liệu chủ yếu là sắt thép nên có tên gọi là chợ Sắt. Nhờ địa thế thuận lợi bên tuyến đường thủy từ Hải Phòng đi các tỉnh nên dưới thời Pháp thuộc, chợ Sắt từng là một chợ rất sầm uất, là đầu mối buôn bán chính từ Nam Định lên hoặc Quảng Yên (Quảng Ninh) xuống. Ngay từ thời Pháp thuộc ngôi chợ đã nổi tiếng cùng với các chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Bến Thành (Sài Gòn), chợ Đông Ba (Huế).

Tiếng tăm chợ Sắt Hải Phòng tiếp tục được duy trì thậm chí vang xa hơn sau giải phóng, suốt thời bao cấp đến giai đoạn đầu đất nước mở cửa. Hải Phòng với vị trí là thành phố có cảng biển lớn nhất miền Bắc nên thời bao cấp gần như toàn bộ hàng hóa từ các nước Đông Âu về đều tới Hải Phòng và điểm tập trung đều là chợ Sắt. Thời bao cấp, thứ gì “mậu dịch” không có, ra chợ Sắt khắc có. Hàng nhập lậu từ nước ngoài theo chân thủy thủ viễn dương, hàng “móc” từ kho Nhà nước, hàng “đánh” từ những đoàn xe vận tải, sà lan, tàu đẩy... trên đường hành trình - tất cả đổ về chợ Sắt.

Chợ Sắt bán hàng cho cả miền Bắc, là niềm tự hào của người Hải Phòng. Cứ có khách phương xa đến, người từ Hà Nội xuống, Huế ra, người Hải Phòng đều dẫn tới chợ Sắt để “khoe”, để thích thú nhìn vị khách “mắt chữ A, mồm chữ O” ngạc nhiên trước cơ man nào hàng hóa hiện đại được bày bán ê hề khắp chợ.

Chợ Sắt làm giàu cho người Hải Phòng, khi đó chỉ cần nghe một người giới thiệu mình bán hàng ở chợ Sắt là người đối diện phải nhìn với ánh mắt ngưỡng mộ. Chính vì thế, một thời người Hải Phòng có câu hát vui, trong đó ví von việc có “bà bô” chợ Sắt!” là nhất. Ở cái thời mà thủy thủ tàu viễn dương VOSCO là nghề đỉnh điểm của sự giàu có mà còn thua người bán hàng chợ Sắt thì đủ hiểu có một suất bán hàng chợ Sắt giá trị thế nào.

Bà Phạm Thị Khuya (74 tuổi), có 34 năm gắn bó với chợ cho biết: “Thời đó, tôi làm quản lý của Hợp tác xã mua bán nội thành đóng trong chợ, chuyên phục vụ đồ ăn uống cho cả cái chợ này. Gian hàng ăn chiếm 200 m2, chúng tôi có 20 người phục vụ, ngày nào cũng làm đến lả người nhưng tiền thu về thì nhiều lắm. Ngày đó, tiểu thương nào có gian hàng trong khu chợ này đều rất nổi tiếng. Cả khu chợ Sắt khi đó có đến 1.000 hộ kinh doanh đủ loại mặt hàng, đa số hàng hóa trong chợ là hàng điện tử đủ loại do thủy thủ tàu viễn dương đi khắp nơi trên thế giới mang về. Hàng điện tử là độc quyền, kể cả Hà Nội cũng phải lấy hàng ở đây, không còn nguồn nào khác”.

4

Toàn bộ tầng 2 chợ Sắt rộng hàng nghìn m2 giờ hoang phế

… Đến “lâu đài hoang” giữa lòng thành phố

Chợ Sắt ngày nay nhìn nhếch nhác, ảm đạm như một “lâu đài hoang” giữa trung tâm TP Hải Phòng. Mấy năm gần đây, thành phố này bắt đầu tỉnh giấc sau “giấc ngủ đông” dài vài thập kỷ. Hàng loạt những dự án trọng điểm Quốc gia như Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; Sân bay quốc tế Cát Bi, khu công nghiệp Nomura rồi đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng triển khai rầm rộ nhưng khu vực trung tâm thành phố thì vẫn thế. Có người con Hải Phòng đi xa về nói vui: “Nhìn khu vực trung tâm TP Hải Phòng không khác gì mấy so với những năm 80 của thế kỷ trước. Còn chợ Sắt Hải Phòng thì mất rồi”.

Chợ Sắt Hải Phòng nổi danh một thời giờ chỉ là một “lâu đài hoang” đồ sộ hình bán nguyệt cũ kỹ loang lổ và bụi bặm. Chỉ một vài hộ kinh doanh đồ điện tử ngoài mặt tiền chợ còn khá đông khách ghé qua. Phía trong chợ, những quầy hàng bán buôn, bán lẻ chỉ lác đác vài khách ngó nghiêng. Cầu thang lên tầng 2 của chợ với chiếc băng chuyền máy (có lẽ là hiện đại nhất thời nó xuất hiện tại đây) thì nay nằm im phủ bụi, han gỉ. Toàn bộ tầng 2 chợ Sắt rộng mênh mông không một bóng người. Có lẽ ngoài một vài người làm nghề đóng loa thùng thuê địa điểm ở đây thỉnh thoảng qua lại còn chỉ có… chuột là thường xuyên hiện diện trên mặt sàn tầng 2 tòa nhà rộng hàng nghìn m2 này.

Tiểu thương chợ Sắt giờ đây chỉ ngồi ngao ngán mơ “bao giờ cho đến… ngày xưa”. Người Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương… có còn muốn đến chợ Sắt cất hàng bán buôn hay không? Câu trả lời là: “Không!”. Chợ Sắt đã hóa thành một cái… hộp bêtông vô dụng.

Điểm xuất phát sự đi xuống của chợ Sắt bắt đầu từ vụ cháy chợ kinh hoàng và sự đầu tư của một DN nước ngoài. Sau sự cố cháy năm 1985 cùng tác động của với cơ chế mới thời mở cửa, ý tưởng đầu tư xây dựng mới chợ Sắt đã nhanh chóng hấp dẫn các nhà đầu tư từ Trung Quốc. Năm 1992, một dự án trị giá 15 triệu USD do Công ty Liên danh hữu hạn Hải Thành làm chủ đầu tư được Nhà nước cấp giấy phép hoạt động. Chợ cũ được phá đi và liên doanh xây lại với 2.000 gian hàng có tổng diện tích sử dụng gần 40 nghìn m2 trên diện tích khuôn viên 13 nghìn m2.

Sau hai năm xây dựng, giai đoạn một với nguyên đơn thứ nhất gồm một nửa toà nhà 6 tầng trên diện tích 5.000m2 đã được đưa vào sử dụng. Đây là sự kiện từng là mối quan tâm hàng đầu của giới tiểu thương rất có thế lực về tài chính tại Hải Phòng. Thời điểm ấy, để có một gian hàng trong chợ Sắt mới, hộ kinh doanh phải bỏ ra ít nhất 50 - 60 triệu đồng để thuê quầy. Không ít người đã phải vất vả đôn đáo ngược xuôi, cầm cố tài sản. Thế nhưng chợ Sắt mới đi vào hoạt động một thời gian, khách cứ thưa vắng dần để rồi tiêu điều, xơ xác như ngày nay.

Một người kinh doanh tại chợ Sắt lý giải: “Từ năm 1995, Nhà nước bắt đầu cho phép các cá nhân được đăng ký kinh doanh, tự do buôn bán do nền kinh tế đã có những sự phát triển vượt bậc. Sự độc quyền của chợ Sắt biến mất, người dân có thể tự mở cửa hàng tại bất kỳ đâu và mua được thứ mình cần ở bất kỳ nơi nào. Những năm đó, tiểu thương ồ ạt rút đơn mua chỗ để ra những chỗ khác rẻ tiền hơn, thuận lợi hơn, chỉ còn lại khoảng 1.000 hộ đăng ký mua chỗ trong chợ. Hoạt động được ba năm sầm uất thì các quầy trên tầng hai ế hẳn. Những con phố quanh chợ như: Tam Bạc, Quang Trung thành chợ hết. Sau đó, chợ Đổ mọc lên ngay sát chợ Sắt khiến tầng 2 của chợ Sắt chính thức bị xóa sổ”.

Tới nay, sau hơn 1 thế kỷ tồn tại chợ Sắt, biểu tượng thương mại một thời của Hải Phòng giờ đã “chết lâm sàng”. Cả một khu đất rộng mênh mông tại vị trí đắc địa giờ đây nhếch nhác khiến những người yêu thành phố này luôn than phiền: Lãnh đạo Hải Phòng chắc đã bỏ quên nơi đây. Khôi phục lại “niềm tự hào” này hay xóa sổ nó? Cách nào cũng tốt, miễn là đừng để chợ Sắt tồn tại như một “phế tích”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.