Giáo dục

Cho trẻ đến trường, đừng ngần ngại nữa

01/04/2022, 06:00

Hà Nội là một trong những địa phương chậm trễ đưa trẻ quay trở lại trường học. Nếu chờ tiêm vaccine Covid-19 thì bao giờ trẻ mới được đi học?.

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, cần cho trẻ đến trường càng sớm càng tốt bởi việc đợi trẻ được tiêm vaccine phòng Covid-19 mới đến trường chưa phù hợp với thực tế.

img

Các chuyên gia y tế cho rằng, Hà Nội nên cho trẻ đến trường càng sớm càng tốt bởi các cháu đã phải ở nhà quá lâu

Hà Nội vẫn thận trọng

Chị Nguyễn Phương Hiền (Hà Đông, Hà Nội) có 2 cậu con trai 4 tuổi và 6 tuổi. Dù chủ động được thời gian về công việc nhưng chị Hiền cho biết, việc vừa đảm đương việc cơ quan, vừa quản lý hai con trai, nhất là kèm cậu con trai học lớp 1 là quá sức.

Suốt 6 tháng nay, chị Hiền gửi cậu con thứ 2 vào nhóm trẻ do 1 cô giáo mầm non “thất nghiệp” vì dịch Covid-19 trông ngay trong chung cư.

“Ba tháng đầu, tôi tự trông con vừa ngóng trường mở cửa để cho con đi học nhưng mãi không thấy, tôi đành tìm lớp gửi đứa nhỏ. Ban đầu cũng lo con đi học lây nhiễm nhưng mới đây hai đứa lại lây từ bố chúng”, chị Hiền nói.

Tương tự, gia đình chị Trần Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, mấy tháng qua, hai con chị (lớn học lớp 6, bé lớp 2) tự học, tự trông nhau khi bố mẹ đi làm.

“Suốt ngày cắm mặt vào máy tính học online, hết chính khóa lại học thêm, mắt lên độ cận hết rồi. Các con cũng mong đến trường gặp bạn bè chứ học mãi thế này tự kỷ mất thôi. Các hoạt động bình thường rồi, nhà nhà cho con đi chơi, đi du lịch mà sao trẻ vẫn phải học online?”, chị Hằng chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng còn không ít phụ huynh giữ quan điểm “sức khỏe là quan trọng nhất”, “đến trường lây Covid-19 thì khổ”, nhất là khi chỉ còn 2 tháng nữa đã kết thúc năm học.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hiện vẫn chưa xác định thời gian trẻ dưới 12 tuổi, đặc biệt là trẻ mầm non quay lại trường. Đối với học sinh lớp 7-12, các trường được giao quyền tự chủ, căn cứ thực tế để linh hoạt quyết định hình thức học.

Trong cuộc họp về công tác phòng chống Covid-19 mới đây, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng khẳng định, để mở cửa trường học, giảm số ca bệnh nặng, trẻ em dưới 12 tuổi cần được tiêm vaccine.

“Phải tiêm được vaccine mới yên tâm đưa trẻ đến trường, nếu có nhiễm Covid-19 thì cũng nhẹ và giảm thiểu rủi ro”, ông Dũng nói.

Trước thông tin này, nhiều bậc phụ huynh băn khoăn: “Tháng 4 trẻ tiêm mũi 1, tháng 5 tiêm mũi 2. Tiêm xong thì đi bế giảng, sau đó thì nghỉ hè. Hết 3 tháng hè thì vaccine gần hết tác dụng, không biết có phải tiêm tiếp không? Còn trẻ dưới 5 tuổi, chưa biết bao giờ được đi học vì chưa có lịch tiêm vaccine”.

“Còn 1 tháng cũng nên cho trẻ tới trường”

Theo PGS. TS. Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, quan điểm cho trẻ tiêm vaccine mới trở lại trường chưa phù hợp.

“Bởi, sẽ có những học sinh, gia đình không đồng ý tiêm thì không cho trẻ tới trường sao? Không có luật nào quy định vậy và việc này cũng không có căn cứ khoa học”, ông Nga nói.

Ông Nga cũng cho hay, tại Hà Nội, hiện rất nhiều trẻ đã nhiễm Covid-19. Hơn nữa trẻ nhiễm Covid-19 đều trải qua các triệu chứng khá nhẹ nhàng, thời gian phục hồi nhanh.

Trong khi đó, có khảo sát cho kết quả chỉ khoảng 45% cha mẹ đồng ý cho trẻ tiêm vaccine phòng Covid-19...

“Cho trẻ đến trường càng sớm càng tốt. Dù còn 1 tháng là kết thúc năm học cũng cần cho trẻ tới trường, nhất là với trẻ lớp 1. Gần hết năm học mà các cháu chưa biết trường lớp, bạn bè, rất tội nghiệp”, ông Nga nói.

Đồng quan điểm, PGS. TS. Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng: “Không nên chờ đợi tiêm vaccine rồi mới cho trẻ đến trường. Cho trẻ đi học trở lại là vô cùng cần thiết, đặc biệt là ở lứa tuổi mầm non”.

Theo ông Phu, trẻ em không được đến trường trong một thời gian dài, không được tương tác với bạn bè, thầy cô sẽ gây ra các khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần, ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài, thậm chí, khiến trẻ mắc bệnh trầm cảm...

Trong khi phần lớn trẻ em nhiễm Covid-19 thường có triệu chứng nhẹ. So sánh giữa lợi ích và rủi ro thì cần cho trẻ đi học.

Ngoài ra, ông Phu cho rằng, vừa qua trẻ em ở nhà vẫn bị lây nhiễm rất nhiều từ người lớn. Nếu các trường thực hiện các biện pháp phòng dịch tốt, nguy cơ lây nhiễm chưa chắc cao hơn ở nhà.

“Chúng ta đã chuyển từ chiến lược Zero Covid sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19. Khi cho trẻ đến trường mà không may bị nhiễm thì thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đối với trẻ đó, lớp học đó”, ông Phu nói và khuyến cáo, khi đi học, các trường vẫn phải triển khai các biện pháp phòng bệnh; đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng cho mọi đối tượng.

Tại Hà Nội, tính đến cuối tháng 3, hơn 99% trong số 660.000 trẻ 12-17 tuổi (học sinh lớp 7-12) đã tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19. Các em thuộc nhóm được trở lại trường học trực tiếp từ 8/2.

Trong khi đó, khoảng 950.000 học sinh lớp 1 - 6 cùng 600.000 trẻ mầm non (nhóm chưa tiêm vaccine) vẫn tiếp tục học trực tuyến hoặc nghỉ ở nhà.

Hà Nội là địa phương cho học sinh ở nhà với quy mô rộng và thời gian lâu nhất cả nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.