Giao thông

Chờ Vinalines “lột xác” sau cổ phần hóa

29/01/2018, 08:21

Năm 2017, Vinalines có doanh thu hợp nhất gần 16.000 tỷ đồng (đạt 114,8 % so với kế hoạch)...

19

“Ông lớn” Vinalines đang có một “hải trình” cổ phần hóa đầy cơ hội nhưng cũng không ít thách thức - Ảnh: Tạ Tôn

Dù vẫn còn nhiều thách thức chờ đợi, xong việc tiến hành tái cơ cấu, cổ phần hóa (CPH) trong bối cảnh các mảng kinh doanh đang có lãi liên tục, cộng với nhiều tiềm năng, lợi thế sẵn có, các cơ quan chức năng và chuyên gia vẫn chờ đợi sự “lột xác” thực sự của Vinalines.

Tiến hành IPO trước ngày 30/6

Tại tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Bộ GTVT đã phê duyệt giá trị thực tế doanh nghiệp để CPH Công ty mẹ - Vinalines ở thời điểm 31/12/2016 là trên 18.000 tỉ đồng, trong đó, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) là 11.946 tỷ đồng.

Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Chiến lược phát triển và truyền thông của Vinalines cho biết, trong phương án này, Bộ GTVT đề xuất lựa chọn hình thức CPH kết hợp vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ cho Vinalines.

“Vinalines sẽ có số vốn điều lệ dự kiến sau CPH là 13.916 tỷ đồng (tương đương 1,391 tỷ cổ phần). Trong đó, Nhà nước sẽ nắm giữ 65% vốn điều lệ tại Công ty mẹ - Tổng công ty, còn Vinalines sẽ được nắm giữ từ 65% vốn điều lệ tại các CTCP Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn và Cảng Đà Nẵng. Các công ty cảng còn lại như: CTCP Cảng Khuyến Lương, CTCP Cảng Nghệ Tĩnh, CTCP Cảng Cần Thơ sẽ được Vinalines duy trì tỷ lệ nắm giữ ở mức từ 49% - 51%”, ông Hải cho biết thêm.

Cũng theo ông Hải, ngoài 0,13% vốn điều lệ bán ưu đãi cho CB,CNV, Vinalines sẽ dành 30% vốn điều lệ để bán cho nhà đầu tư chiến lược và 4,84% vốn điều lệ sẽ thực hiện bán đấu giá công khai ra công chúng tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hà Nội với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần.

Trước đó, thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh của đơn vị, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền TGĐ Vinalines cho hay, năm 2017, Vinalines có doanh thu hợp nhất gần 16.000 tỷ đồng (đạt 114,8 % so với kế hoạch); lợi nhuận đạt 515 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2016.

“Đây là kết quả từ sự nỗ lực giảm lỗ tối đa của khối vận tải biển - lĩnh vực vốn được xem là “mảng tối” của Vinalines, trong đó, tổng sản lượng cho đội tàu quốc gia chuyên chở năm 2017 đạt 130,9 triệu tấn; mức lỗ giảm gần 53,2% so với năm 2016 và gần 50% so với kế hoạch, Công ty Vosco đã đảo chiều từ lỗ sang lãi”, ông Tĩnh cho hay.

Về kết quả xử lý nợ giai đoạn 2014-2017, công ty mẹ giảm được 10.647 tỷ đồng, dư nợ chỉ còn hơn 2.000 tỷ đồng, bằng 23% so với trước khi tái cơ cấu. Các doanh nghiệp thành viên ước giảm được 2.345,5 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2017, Vinalines đã thực hiện thoái 39 DN (thoái vốn toàn bộ, thu gọn đầu mối được 31 DN và đã thoái toàn bộ vốn đầu tư tại hầu hết các DN ngoài ngành) thu về khoảng 2.428 tỷ đồng, lãi khoảng 360 tỷ đồng.

“Với nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 là CPH DN, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trước ngày 30/6, mô hình mới thực hiện trong 3 lĩnh vực chính: Vận tải biển - cảng biển - dịch vụ hàng hải, Vinalines đã và đang từng bước phục hồi, đẩy lùi những khó khăn của một DN bên bờ vực phá sản, bảo toàn và phát triển vốn đủ điều kiện để tiến hành IPO”, ông Tĩnh nói.

Gặp khó vì chính sách mới

Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, hiện tại, dù phương án đã được trình Thủ tướng, nhưng do một số vướng mắc liên quan đến Nghị định 59/2014 và Nghị định 126/2017 “Về chuyển DN Nhà nước và Công ty TNHH MTV do DN Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành CTCP” nên tất cả phải chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Lý giải về những khó khăn mà Vinalines đang gặp phải, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cho rằng, nếu thực hiện CPH theo Khoản 5, Điều 21, Nghị định số 126/2017 của Chính phủ, Vinalines phải trích lập ngay khoản dự phòng đầu tư tài chính với số tiền là 2.759 tỷ đồng vào chi phí kinh doanh trong năm tài chính đầu tiên, dẫn đến kết quả kinh doanh của TCT sẽ lỗ lớn. Khoản lỗ này sẽ làm giảm phần vốn Nhà nước tại công ty mẹ - Tổng công ty.

Tiêu chí nhà đầu tư chiến lược của Vinalines

Nhà đầu tư chiến lược của Vinalines có thể là các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, kinh doanh khai thác cảng biển, kinh doanh XNK hàng hóa hoặc các lĩnh vực có liên quan đến hoạt động XNK hàng hóa, kinh doanh dịch vụ logistics, quản lý và khai thác cảng biển; hai năm trước liền kề thời điểm đăng ký tham gia cổ đông chiến lược hoạt động sản xuất kinh doanh phải có lãi và không có lỗ lũy kế tại thời điểm gần nhất.

Đối với nhà đầu tư là các doanh nghiệp ngoài ngành hoặc tổ chức tài chính phải đảm bảo có quy mô vốn chủ sở hữu trên 1.000 tỉ đồng; 2 năm trước liền kề thời điểm đăng ký tham gia cổ đông chiến lược, hoạt động sản xuất kinh doanh phải có lãi và không có lỗ lũy kế tại thời điểm gần nhất.

Việc phải trích lập dự phòng do khi lập Báo cáo tài chính tại thời điểm 31/12/2016, Vinalines đã thực hiện hoàn nhập các khoản dự phòng đầu tư tài chính đã trích lập đầy đủ qua các năm (số tiền là 2.710 tỷ đồng). Trong khi đó, giá trị các khoản đầu tư tài chính được xác định lại theo nguyên tắc thị trường tăng thêm 573 tỉ đồng khi xác định giá trị DN (do bù trừ giá trị các khoản đầu tư tài chính tăng với các khoản đầu tư tài chính giảm). Nếu thực hiện theo Nghị định số 59/2011 của Chính phủ, Vinalines sẽ không phải trích lập dự phòng đối với các khoản đầu tư tài chính này.

“Ngoài ra, khi xác định giá trị DN theo Nghị định số 126/2017/NĐ - CP, giá trị tài sản của công ty mẹ - Tổng công ty (chủ yếu là tàu biển) giảm khoảng 862 tỷ đồng so với giá trị sổ sách. Chi phí khấu hao tăng cao, dẫn đến hiệu quả hoạt động kinh doanh thấp, Vinalines khó có thể cạnh tranh được với các hãng tàu khác tại Việt Nam và quốc tế. Vì vậy, TCT đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Vinalines tiếp tục thực hiện CPH theo hướng dẫn tại Nghị định số 59/2011 sẽ đúng theo chuẩn mực của thị trường hơn, có lợi cho cả doanh nghiệp và Nhà nước”, ông Tĩnh cho hay.

Cũng theo quyền TGĐ Vinalines, điểm khó khăn nhất ở thời điểm hiện tại là chưa có đơn vị đầu tư chiến lược nào đăng ký tham gia, mặc dù đơn vị đã tích cực tìm kiếm và đàm phán với Rent A Port (Bỉ), Deep C và một số đối tác khác. “Sở dĩ xây dựng phương án Nhà nước nắm giữ 65% vốn điều lệ là do ngoài nhiệm vụ phát triển kinh tế, hệ thống cảng biển của Vinalines phụ trách còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng. Song, tỉ lệ 30% dường như chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư. Phần lớn các đơn vị có sự quan tâm đến Vinalines đều muốn tham gia với tỉ lệ sở hữu cao hơn (49% - 51%) để có được tiếng nói, quyền chi phối”, ông Tĩnh thông tin.

Chuyên gia kinh tế, TS.Trần Du Lịch cho rằng, với những tập đoàn kinh tế chiến lược, quan trọng như Vinalines, phương án Nhà nước nắm giữ 65% vốn điều lệ là hoàn toàn hợp lý. Tuy vậy, để Vinalines có thể phát triển đúng hướng trong môi trường kinh doanh đầy rẫy sự cạnh tranh, để “ông lớn” ngành hàng hải Việt Nam có được một “hải trình” CPH thành công, đòi hỏi Nhà nước phải thay đổi phương thức quản lý, tìm ra người quản trị có tầm nhìn và giỏi thực sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.