Xã hội

Choáng ngợp làng 100 tỷ phú ở quê lúa Thái Bình

02/03/2019, 06:31

​​​​​​​Một ngôi làng nằm giữa vùng quê lúa Thái Bình nhưng có tới hơn 100 tỷ phú, trong đó có những người giàu nức tiếng...

img
Làng Mẹo có nhiều biệt thự nguy nga, lộng lẫy


Ngôi làng ứng với “ngôi sao giàu có”

Ngày đầu xuân Kỷ Hợi, trong một quán cà phê ở thị trấn Hưng Hà, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, anh Trần Văn Thanh sau khi đỗ chiếc xe Lexus liền vào quán trò chuyện với đối tác. Trong câu chuyện của họ bàn tới những hợp đồng trị giá hàng tỷ đồng mà cứ ngỡ họ đang mua bán... vài tạ thóc. Có trong tay số vốn gần 200 tỷ đồng nhưng anh Thanh rất giản dị, không “ăn to, nói lớn” như các đại gia nơi khác mà chúng tôi từng gặp. Cũng đúng thôi bởi so với những hàng xóm của anh ở làng Mẹo thì kinh tế của anh chỉ... ở mức trung bình.

Làng Mẹo là tên gọi khác của làng Phương La 2, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Giữa một vùng quê thuần nông, làng Mẹo nổi bật với những biệt thự nguy nga, lộng lẫy như cung điện, những lăng mộ hoành tráng. Vào làng Mẹo cứ ngỡ lạc vào một khu công nghiệp hiện đại, giàu có. Chiều đến, khung cảnh làng Mẹo tấp nập, xe tải, container nối đuôi nhau ra vào làng, công nhân tan ca đông như trẩy hội, người dân hối hả chở những lô hàng dệt về nhà, tới nhà máy giao dịch. Điều lạ lùng là sự giàu có chỉ ở trong phạm vi 2km quanh làng Mẹo, những làng khác ở xã Thái Phương vẫn nguyên nét đơn sơ, thuần nông như bao làng quê khác ở quê lúa Thái Bình.

Ông Trần Văn Toán, Trưởng thôn Phương La 2 (làng Mẹo) chia sẻ: Làng Mẹo ra đời từ hơn 800 năm trước. Tên gốc của làng là Ứng Mão - có nghĩa là ngôi sao Mão, ngôi sao tượng trưng cho sự giàu có. Các làng bên ngày ấy thường cười cợt vì cái nghèo khó của làng nên gọi chệch thành làng Mèo. Để tránh tên gọi Mèo khó nghe, người dân trong làng bèn gọi là làng Mẹo; lại còn có thêm nghĩa là lắm mưu, nhiều mẹo.

Theo sử sách của làng thì nơi đây có tới 6 vị tướng và các vị này đều có nghề dệt truyền lại cho các thế hệ sau. Người làng Mẹo vốn “giỏi từ trong trứng nước”, biết làm nghề dệt từ bé. Những đứa bé theo bố mẹ đi bán hàng, cung cấp sản phẩm dệt khắp nơi rồi từ đó tự học hỏi kinh doanh, thấy phù hợp với nghề nào sẽ theo nghề nấy. Làng Mẹo có hơn 3.500 nhân khẩu nhưng chỉ có 103ha đất nông nghiệp. Tính ra bình quân mỗi đầu người có chưa đến 250m2 đất để canh tác. Nếu với diện tích này thì người dân đói “nhăn răng” chứ đừng nói gì đến chuyện giàu có. Vậy mà dân làng Mẹo vẫn cứ giàu!

Một số nhà nghiên cứu đã về làng Mẹo để tìm hiểu tại sao người dân nơi đây lại thành công nhưng đều chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Tương truyền từ khi lập làng, các cụ tổ có truyền lại những bí quyết kinh doanh và chỉ được truyền miệng trong gia đình nên dân ngoại tộc không thể học được. Theo truyền thuyết, đó là một bài kệ về phương thức kinh doanh, làm giàu. Bài kệ này dài tới 1.200 câu. Ai học thuộc được thì sẽ thành đạt trong cuộc sống, tuyệt đối không được ghi chép lại. Bài kệ đó có thật hay không, chưa ai trả lời được nhưng có một thực tế là làng này sản sinh ra hàng trăm tỷ phú khắp trong Nam, ngoài Bắc.

img
Lăng mộ hoành tráng của gia đình đại gia Trần Văn Sen tại làng Mẹo

Những tỷ phú làng Mẹo

Theo tiết lộ của một cán bộ Phòng Công thương, UBND huyện Hưng Hà, doanh thu của các doanh nghiệp ở làng Mẹo khoảng 700 tỷ đồng/năm. Tại làng Mẹo đã thành lập 1 cụm công nghiệp với hơn 100 công ty, ngoài ra còn tới vài trăm doanh nghiệp vệ tinh phục vụ cho các doanh nghiệp tại làng.

Ông Trần Văn Toán, Trưởng thôn Phương La 2 xác nhận, địa phương có hơn 100 tỷ phú sở hữu những doanh nghiệp trị giá ít thì vài tỷ, nhiều thì cả nghìn tỷ đồng. Mỗi năm, làng lại có vài người ghi tên mình vào danh sách tỷ phú mới. Các tỷ phú này thường xuất thân từ nghề dệt sau đó kinh doanh, buôn bán sang các lĩnh vực khác. Nhờ nghề dệt mà họ trở nên giàu có lại nhạy bén trong kinh doanh, họ đổ tiền kinh doanh tiếp như bia rượu, xây dựng, thủy điện, vận tải… nên họ lại càng giàu thêm.

Theo tính toán sơ bộ của UBND xã Thái Phương thì trên địa bàn làng Mẹo có hơn 50 doanh nghiệp có vốn từ 5 tỷ đồng trở lên với doanh thu khoảng 400 tỷ đồng/năm. Để phục vụ nhu cầu giao dịch của các đại gia làng Mẹo, ngay trong làng có một chi nhánh ngân hàng. Ngoài ra, tại đây cũng có 1 siêu thị rộng ngang siêu thị Big C ở các địa phương để phục vụ nhu cầu mua sắm của người làng cũng như đối tác, công nhân…

Tới làng Mẹo ngỡ như lọt vào một khu phố ở trung tâm các thành phố lớn bởi những ngôi nhà lộng lẫy, xa hoa. Tuy vậy, các đại gia hiện sống ở làng Mẹo so với những người xuất thân từ làng Mẹo đi lập nghiệp nơi khác thì chưa là gì. Đại gia Trần Văn Sen (ông chủ của Tập đoàn Hương Sen và hãng bia Đại Việt) là người làng Mẹo. Xuất thân từ nghề dệt, tới nay Tập đoàn Hương Sen của ông Trần Văn Sen là một trong những doanh nghiệp hàng đầu cả nước trong sản xuất, kinh doanh đồ uống. Tập đoàn Hương Sen còn dẫn đầu toàn tỉnh Thái Bình về thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước với số nộp bình quân 500 - 700 tỷ đồng/năm, bình quân mỗi ngày đóng góp khoảng 2 tỷ đồng.

Một đại gia khác của làng Mẹo cũng nổi tiếng không kém là đại gia Vũ Quang Hội - ông chủ của Tập đoàn Bitexco. Ông Hội và Tập đoàn Bitexco được biết đến là chủ đầu tư các dự án Tòa nhà văn phòng Bitexco, Bitexco Financial, các khu dân cư The Manor I và II ở TP Hồ Chí Minh; khu dân cư The Manor, Tòa nhà The Garden, khách sạn J.W. Marriott, khu đô thị The Manora Park City ở Hà Nội cùng nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực giải khát, thủy điện…

Là những đại gia “tiền nhiều không đếm xuể” nên thú chơi, cách chơi của người làng Mẹo cũng khiến không ít người phải nể phục. Xây lâu đài, mua xe sang cũng chán, nhiều đại gia chơi cây cảnh, xây nhà thờ, lăng mộ. Tới nay, lăng mộ hoành tráng nhất làng Mẹo thuộc về gia đình đại gia Trần Văn Sen.

Lăng mộ ngự trên mảnh đất rộng gần 50.000m2 trị giá nhiều tỷ đồng. Để xây được lăng mộ này, đại gia Trần Văn Sen đã mua nửa cánh đồng với giá đất đắt không kém gì đất Hà Nội, sau đó thuê chuyên gia nước ngoài về thiết kế, xây dựng. Đại gia này còn không ngần ngại bỏ tiền xây hẳn 1 ngôi trường để tặng địa phương.

Làng Mẹo giàu có, nhiều đại gia nằm lọt thỏm giữa một vùng quê thuần nông là một điều khó lý giải. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là người làng Mẹo từ khi mới sinh ra đã được giáo dục về kinh doanh, buôn bán, được truyền dạy phải “nghĩ lớn, làm lớn”, biết đứng dậy sau thất bại để thành công. Phải chăng đây chính là bí quyết để người làng Mẹo dù làm ăn ở làng hay đi các nơi đều thành công?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.