Bạn cần biết

Choáng "thần dược" OTPP trong Trà Ô long của Pepsi

26/02/2016, 10:08

Cục ATTP đã yêu cầu Pepsi giải trình về sự có mặt của hoạt chất OTPP trong Trà Ô long TEA+ Plus.

bo-y-te-yeu-cau-giai-trinh-ve-chat-la-trong-tra-o-
Suntory Pepsico Việt Nam quảng cáo chất OTPP trong trà Ô long TEA + Plus

Cục An toàn thực phẩm yêu cầu giải trình về trà Ô long

Vừa qua, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế đã có buổi làm việc với công ty Suntory PepsiCo Việt Nam và yêu cầu giải trình về hoạt chất OTPP được quảng cáo trong trà Ô long TEA + Plus.

Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế cho biết trên báo chí, ngày 22/2/2016, Cục đã có buổi làm việc với công ty Suntory PepsiCo Việt Nam. Một trong những nội dung mà Cục ATTP yêu cầu công ty này giải trình, là sự có mặt của một hoạt chất mang tên OTPP trong sản phẩm.

Trước yêu cầu của Cục ATTP, Suntory Pepsico Việt Nam đã có những giải trình trực tiếp nhưng đại diện cục ATTP sau đó đã yêu cầu công ty này giải trình bằng văn bản đẻ tiếp tục làm rõ.

Thần dược OTPP chỉ là "hư cấu"?

Trước đó, thông tin hoạt chất thần dược trong trà Ô Long TEA+ Plus mà hãng này quảng cáo là OTPP lại chưa từng có công thức hóa học (?!) đang khiến dư luận xôn xao, choáng váng.

Trên nhãn mác Trà Ô long TEA+ Plus có ghi dòng OTPP. Suntory Nhật Bản tự hào được giới thiệu 02 bằng sáng chế độc quyền của Tập đoàn về OTPP, đã được Văn phòng Sáng chế Nhật Bản cấp bao gồm bản quyền số 4903436 cho quy trình sản xuất và 4668553 cho OTPP. OTPP, là tên viết tắt của Ô long Tea Polymerized Polyphenols, là hợp chất tìm thấy trong Trà Ô long. Bằng công nghệ độc quyền của Suntory Nhật Bản, hàm lượng này được chiết xuất tối đa để đưa vào thành phẩm. Các nghiên cứu của Suntory và các nghiên cứu đã được công bố chứng minh OTPP và công dụng của nó là hạn chế hấp thu chất béo.

Tuy nhiên, theo Từ điển Bách khoa toàn thư, Điều kiện để cấp bằng sáng chế là phải giải pháp hữu ích là sản phẩm, quy trình công nghệ, do con người tạo ra chứ không phải là những gì (đã tồn tại trong thiên nhiên) được con người phát hiện ra.

Như vậy, đối với hoạt chất OTPP, Pepsi chỉ có thể được cấp bằng sáng chế về công nghệ chiết xuất OTPP (tên gọi do hãng này đặt), chứ không phải sáng chế ra hoạt chất OTPP.

Khi tung ra sản phẩm “Trà Ô long TEA+ Plus”, Công ty PepsiCo Việt Nam đã cho rằng OTPP - thành phần tự nhiên chiết xuất từ trà Ô Long - có tác dụng giúp hạn chế hấp thu chất béo, đem lại cảm giác nhẹ nhàng. Tuy nhiên, theo khẳng định của các nhà khoa học trong nghiên cứu sinh hóa phẩm thì trong trà không hề có chứa chất nào tên OTPP.

Trả lời báo An ninh tiền tệ, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết:

“Các nhà khoa học nói chung và cá nhân tôi đã phát hoảng khi nghe quảng cáo sản phẩm trà Ô Long TEA+ Plus. Nhiều năm làm khoa học, nghiên cứu, tôi chưa bao giờ nghe một loại trà nào mà có chứa công thức hóa học mang hoạt chất OTPP..."

Theo lý giải của PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, cụm từ “OTPP” là kiểu ghép đơn giản từ những “thành phần” sau: O, tức là “Ô long”, tên của một loại trà được lên men bán phần từ trà xanh, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết. Còn chữ T là chữ đầu tiên của từ tiếng Anh- Tea. Hai từ PP còn lại viết tắt từ hoạt chất hóa học Polymerized Polyphenols. Tuy nhiên, trong bất kỳ loại trà nào thì cũng đều có chứa chất Polyphenols, đây là chất chống oxy hóa?!

Nếu như quảng cáo trà có chứa OTPP thì chỉ là bịa, vì trong thành phần hóa học không hề có chất này, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh nhận định.

PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo, Phó viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cũng khẳng định không hề tồn tại chất nào là OTPP có tác dụng cho sức khỏe con người.

Câu trả lời của các nhà khoa học đã khiến dư luận thêm hoài nghi về sự tồn tại của chất lạ mà các chuyên gia chưa hề biết đến mang tên OTPP trong sản phẩm trà Ô Long TEA+ Plus.

Trước đó, cộng đồng mạng cũng đã có nhiều hoạt động thể hiện sự tẩy chay đối với trà Ô Long TEA+ Plus, giải cứu nông dân trồng trà Ô long Đà lạt vì sản phẩm này quảng cáo sản xuất trên dây chuyền hiện đại của Nhật Bản, chất lượng Nhật Bản nhưng nguyên liệu thực chất là bột nhập từ Trung Quốc, trong khi nông dân trồng trà của Việt Nam lao đao vì Trà Ô Long không bán được.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.