Du lịch

Chơi đâu, xem gì những ngày này ở phố núi Pleiku?

03/12/2019, 22:12

Hơn 500 nghệ nhân cồng chiêng biểu diễn các điệu múa xoang, đánh cồng chiêng rộn ràng chào mừng đô thị Pleiku 90 năm thành lập.

img
Biểu diễn cồng chiêng chào mừng ngày thành lập đô thị Pleiku.

Cách đây 90 năm, ngày 3/12/1929, Khâm sứ Trung kỳ đã ban hành Nghị định thành lập thị xã Pleiku. Từ thời điểm này, Pleiku được “khai sinh” với danh xưng đô thị. 90 năm kể từ ngày thành lập đến nay, Pleiku luôn là trung tâm chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh Gia Lai. Một đô thị nằm trên địa hình đặc biệt bậc nhất ở Việt Nam và thế giới - toạ lạc trên nhiều miệng núi lửa đã tắt cả triệu năm.

Cho đến nay, dù đổi thay theo hướng hiện đại, các toà nhà cao tầng, khu dân cư san sát nhưng du khách đến phố núi Pleiku vẫn nhận thấy những nét nguyên sơ của địa hình núi lửa như: Núi lửa Chư Hrông, hồ Biển Hồ (hồ T'nưng). Đến Pleiku mùa khô sẽ được ngắm những hàng thông mơ màng buổi sớm mai, sẽ thấy dã quỳ rực rỡ ở trên một cung đường. Và thế, Pleiku trưởng thành, vững vàng nhưng vẫn rất nên thơ, dịu dàng.

img
Triển lãm ảnh Pleiku xưa và nay có nhiều khoảnh khắc được lưu lại trong suốt 90 năm qua kể từ ngày thành lập đô thị. Trong ảnh là Cố đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và làm việc tại Pleiku.

Tối nay (3/12), tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku, Gia Lai) diễn ra Lễ kỷ niệm 90 năm thành lập đô thị Pleiku (3/12/1929 - 3/12/2019) và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP. Pleiku hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới cùng chương trình nghệ thuật đặc sắc.

Cũng trong ngày, hàng loạt chương trình hoạt động văn hóa, văn nghệ đồng loạt triển khai như: Chương trình lễ hội đường phố "Vũ điệu cồng chiêng" với khoảng 500 nghệ nhân đến từ các buôn làng; diễu hành xe hoa; Hội chợ Nông sản với chủ đề "Mỗi xã, phường một sản phẩm"; Triển lãm ảnh Pleiku xưa và nay; giới thiệu hoa lan; chương trình văn nghệ quần chúng; văn hóa ẩm thực; … Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện "Tuần lễ Văn hóa - Du lịch" diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 3 đến 7/12) nhằm kỷ niệm 90 năm thành lập đô thị Pleiku.

Dưới đây là hình ảnh hoạt động trong ngày mà PV Báo Giao thông ghi lại.

img
Những khuôn hình mặt quỷ cùng với trang phụ kỳ dị là một phần của nghi lễ Pram. Đây là nghi lễ hóa trang quan trọng trong tín ngưỡng phong tục của người đồng bào bản xứ Tây Nguyên.

img
Người đảm nhiệm hóa trang phải đeo mặt nạ, tạo hình tóc bằng rễ cây, mặc những bộ trang phục kết bằng lá, thân cây kì dị. Pram mang nhiều ý nghĩa khác nhau nhưng trong một số nghi lễ, pram mang tính chất hài hước, làm “trò hề” để đám đông vui cười trong lễ hội. Pram còn mang ý nghĩa nhằm xua đuổi tà ma, ác quỷ...

img
Nghệ nhân trong trang phục đồng bào dân tộc đi cà kheo trên đường phố Pleiku.

img
Thiếu nữ biểu diễn cồng chiêng đeo gùi hoa dã quỳ.

img
Một nụ cười tươi của nghệ nhân.

img
Trong kho tàng văn hóa phong phú của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, giá trị của âm nhạc cồng chiêng đã được công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể" của UNESCO.

img
Nghệ nhân vui tươi khi tham gia trình diễn cồng chiêng trên đường phố.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.