Chất lượng sống

Chơi game trải nghiệm chân thực giao thông VN

20/10/2017, 06:04

Game “Còi to cho vượt” giúp người chơi có những trải nghiệm chân thực, thú vị mà bổ ích về quá trình tham gia...

1

Game “Còi to cho vượt” giúp người chơi có những trải nghiệm chân thực, qua đó góp phần điều chỉnh hành vi, cách thức tham gia giao thông một cách an toàn - Ảnh: Đ.H

Nguyễn Khánh Dương, một trong hai 2 thành viên chính của Phong Dương Comics đã bật mí những chuyện hậu trường làm game này khi trò chuyện với Báo Giao thông.

2-3 tháng “ăn ngủ” trên đường phố

Xuất phát từ ý tưởng nào các bạn xây dựng game này?

Ban đầu tôi và Phong - bạn họa sĩ làm cùng tôi - được mời vào dự án “K0 còi” - giáo dục nhận thức về ATGT cho giới trẻ của Ford Việt Nam, bao gồm một số hoạt động, như: Sáng tác ca khúc, cuộc thi vẽ tranh… Năm nay, bên Ford muốn làm một cái gì đó khác biệt nên tôi và Phong bàn nhau làm game, tái hiện việc lưu thông trên đường phố Việt Nam một cách chân thực nhất để người chơi có thể trải nghiệm. Mong muốn của nhóm là thông qua đó giúp người chơi có một nhận thức nhất định là khi chúng ta tham gia giao thông, nếu không tuân thủ luật pháp, có thể gây nguy hiểm cho chính mình và người khác như thế nào.

Với sự hỗ trợ của một số bạn bè, 3 thành viên chúng tôi mất khoảng 3 tháng để làm game này. Ngay ngày đầu tiên đưa game lên Store trên Apple và Google, nhóm khá bất ngờ bởi lượng người ủng hộ vô cùng lớn. Trong khoảng 48 tiếng, game đã lên được vị trí top 1 trên cả Apple store và Google store cũng như nhận được những phản hồi rất tích cực từ phía người dùng. Đến nay, lượt tải trên cả 2 cửa hàng ứng dụng nói trên khoảng 700.000 lượt.

3
Nguyễn Khánh Dương (trái) và Nguyễn Thành Phong - tác giả game “Còi toi cho vượt”

Theo anh, đâu là lý do giúp game này có sức hút như vậy?

Tôi nghĩ người chơi ấn tượng với cách thể hiện của game, từ nội dung đến phong cách hội họa rất “Việt Nam”, trong khi đa phần các game của Việt Nam hay học tập, sao chép từ game nước ngoài, đặc biệt là của Trung Quốc.

Mặt khác, các studio khi làm ra game phải có một nguồn kinh phí cho việc duy trì nên họ phải tìm cách thu hút để mọi người có thể bỏ tiền vào game. Song với game “Còi to cho vượt”, ngay từ ban đầu chúng tôi đã xác định không nhắm đến mục tiêu doanh thu, nên có một cảm giác khá tự do sáng tạo.

Dù game có một nút gỡ quảng cáo và trong trường hợp đó, người dùng phải trả một khoản tiền, song toàn bộ số tiền đó sẽ được đưa vào quỹ “K0 còi” để hỗ trợ cho các nạn nhân bị TNGT. Theo thống kê mới nhất, quỹ đã nhận được khoảng 30-40 triệu đồng.

Nhóm có những trải nghiệm như thế nào để có thể tái hiện quá trình tham gia giao thông đậm chất Việt Nam?

Chúng tôi phải trực tiếp ra đường quan sát, thu thập tài liệu trong khoảng 2-3 tháng. Không những vậy, chúng tôi cũng phải ghi âm những âm thanh chân thực nhất trên đường phố. Và chắc chắn rằng, một số hình ảnh trong game như cô “Ninja” đi xe Lead hay một anh chở con lợn vừa mổ hoặc mấy bạn học sinh chở 3 đi trên xe đạp điện… không thể sao chép, cóp nhặt được từ nước ngoài.

"Game “Còi to cho vượt” có lối chơi đơn giản nhưng hấp dẫn, tạo cảm giác thích thú cho người chơi khi tái hiện lại một cách hài hước những tình huống xảy ra khi tham gia giao thông tại Việt Nam. Quá trình chơi cũng giúp tôi nhìn thấy hình ảnh của bản thân khi tham gia giao thông. Nhiều khi chỉ vì một phút lơ đễnh, bất cẩn có thể gây nguy hiểm cho những người khác cũng như chính mình."

Nguyễn Hoài Nam 
sinh viên trường ĐH Bách Khoa nhận xét

Quá trình trải nghiệm đó cho chúng tôi thấm thía: Tham gia giao thông ở Việt Nam là một “thách thức” không nhỏ với nhiều người, khi mà xung quanh ta đang có ngày càng nhiều các “hung thần đường phố”. Đó là những chị gái với trang phục bịt kín như ninja cùng khả năng “xi nhan một đằng rẽ một nẻo”, những thanh niên mới lớn sẵn sàng lạng lách vào bất cứ khoảng trống nào trên đường,...

Trong game, chúng tôi cũng không ngại đưa ra những mặt chưa được của giao thông Việt Nam như xe chở cồng kềnh đi qua ngã tư mà không cần tránh ai cả; xe vi phạm “kháng lệnh” dừng xe khiến CSGT phải bám vào cửa kính…

Ý tưởng ban đầu và xuyên suốt của game là “Làm thế nào để tôi sống sót”, “làm thế nào để tôi có thể sinh tồn trên đường phố Việt Nam một cách lâu nhất có thể”.

Những chất liệu chân thực như vậy đã được bạn Phong - một họa sĩ được giới trẻ và giới chuyên môn đánh giá là một trong những họa sĩ truyện tranh tốt nhất hiện nay - thể hiện, góp phần quan trọng giúp game hấp dẫn ngay từ ấn tượng thị giác ban đầu.

2

Một “ngã tư đường phố” rất tiêu biểu với nhiều nhân vật quen thuộc được tái hiện trong game “Còi to cho vượt”

Chỉ mong có nhiều người chơi nhất có thể

Chơi game này có khó không?

Người chơi cần tải game từ cửa hàng ứng dụng của Apple store hoặc CH Play. Game chỉ có một nút duy nhất là nút chơi. Người chơi được phép lựa chọn nhiều nhân vật như “Ninja” đi xe tay ga, anh chở lợn, cậu học sinh, “phượt thủ”… và phải tìm cách lưu thông trên đường phố có các chướng ngại vật: Xe ô tô, xe máy, xe ba gác cồng kềnh đang di chuyển trên đường để đi được càng xa càng tốt. Số điểm tích lũy được sẽ dùng để mở khoá các nhân vật tiếp theo.

Hiện các nhân vật vẫn tiếp tục được cập nhật bổ sung. Nhiều người cũng bảo rằng, những nhân vật này hoàn toàn có thể yêu cầu người chơi bỏ tiền mua và đó cũng là cơ hội kiếm tiền thêm cho quỹ. Nhưng nhóm chúng tôi thực sự muốn đây là một trải nghiệm cho người chơi. Có thể trong thời gian tới, chúng tôi sẽ sản xuất game hay sản phẩm khác, có mục tiêu kinh doanh. Nhưng với game “Còi to cho vượt”, chúng tôi xác định là sản phẩm gửi tặng cho dự án về ATGT nên chỉ mong làm thế nào để có nhiều người chơi nhất có thể.

Đã có phản hồi nào của người chơi rằng, sau khi chơi game họ đã tham gia giao thông cẩn thận hơn?

Thường mọi người chỉ phản hồi lúc tải game là thích và vui rồi sau đó khoe kết quả. Chúng tôi tin rằng người chơi có thể tự thay đổi hành vi của mình một cách tự nhiên trong vô thức.

Trong quá trình xây dựng và phát triển game, nhóm có gặp khó khăn gì không?

Nếu gọi là khó khăn thì đây là sản phẩm game đầu tay của nhóm, do vậy chưa thực sự tối ưu, đôi khi có lỗi lầm mà chỉ những người có kinh nghiệm làm lâu năm mới nhận ra được. Chỉ đến khi game phát hành rồi, mọi người phản hồi, than phiền, nhóm mới biết mà sửa lại rồi đưa bản sửa lên. Hoặc là có những cái cần tối ưu cho dung lượng giảm xuống thì mình cứ thích đẹp, thích cho long lanh hoành tráng. Rất may mắn là người chơi cũng rất “châm chước” những lỗi đó và còn phản hồi để nhóm chỉnh sửa, hoàn thiện.

Song, ở khía cạnh ngược lại, chính khó khăn này cũng lại là một lợi thế, kiểu “điếc không sợ súng”. Thích cái gì là cứ quyết định đưa lên, như lúc nãy mình nói là không chịu áp lực nào cả.

Anh và những người bạn có kế hoạch phát triển game khác liên quan đến giao thông không?

Cách đây khoảng 2 tuần, đại diện của Apple tại Singapore đã gặp mặt nhóm chúng tôi đặt vấn đề hỗ trợ, hợp tác bởi họ ủng hộ cách làm, phát triển sản phẩm mang hơi thở, văn hóa, tinh thần Việt Nam như game “Còi to cho vượt”. Chúng tôi cũng nghĩ hướng phát triển của nhóm trong thời gian tới là làm những sản phẩm thể hiện văn hóa, cuộc sống Việt Nam, trong đó có lĩnh vực giao thông.

Sự thành công của “Còi to cho vượt” có là một áp lực cho những sản phẩm sau của nhóm?

Có lẽ áp lực lớn nhất với chúng tôi là kỳ vọng của người dùng.Song cũng may mắn là mấy anh em trong nhóm chúng tôi khá tin tưởng nhau, đã làm việc với nhau lâu năm rồi. Trong đó, các tác phẩm truyện tranh đã khá quen thuộc và được một số độc giả ủng hộ nên cũng có niềm tin được đón nhận.

Cảm ơn anh!

Game “Còi to cho vượt” của Phong Dương Comics - nhóm vẽ truyện tranh Việt Nam gồm 2 thành viên chính là Nguyễn Thành Phong và Nguyễn Khánh Dương. Từ năm 2004, nhóm vẽ đã có nhiều tác phẩm được in trên các tạp chí nổi tiếng thời bấy giờ như: Truyện tranh trẻ, Hoa học trò, Truyện tranh Việt... Các tác phẩm tiêu biểu của nhóm: Orange, Sát thủ đầu mưng mủ, Phê như con tê tê, Long Thần Tướng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.