Thị trường

"Chơi" với Trung Quốc cách nào?

04/07/2014, 06:52

Không chỉ riêng với Trung Quốc, Việt Nam cần tránh bị lệ thuộc vào bất kỳ đối tác nào, do đó cần phải có chiến lược phát triển nội lực, tìm kiếm thêm đối tác, nguồn nguyên liệu.

Dệt may Việt Nam đang tích cực tìm kiếm thêm đối tác cung ứng nguồn nguyên liệu
Dệt may Việt Nam đang tích cực tìm kiếm thêm đối tác cung ứng nguồn nguyên liệu


Trung Quốc đang thu lợi từ quan hệ kinh tế với Việt Nam


Theo các chuyên gia, sản xuất của Việt Nam hiện đang chịu ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc do 70% nguyên liệu và máy móc phục vụ công nghiệp là nhập từ Trung Quốc. Đáng lưu ý, có quá nhiều dự án lớn của Việt Nam đang trao cho người Trung Quốc theo phương thức tổng thầu “chìa khóa trao tay” EPC, như 23/24 nhà máy xi măng; 15/20 dự án nhiệt điện đốt than, giao thông, khai khoáng (bauxite), cho thuê rừng và đất rừng biên giới...

"Sự cố biển Đông có thể khiến Trung Quốc gây một số sức ép kinh tế cho Việt Nam, nhưng chắc chắn sẽ không có gây hấn ồ ạt, bởi Trung Quốc vẫn thu lợi từ mối quan hệ kinh tế với Việt Nam. Mặt khác, mối quan hệ kinh tế hai nước còn liên quan đến các tập đoàn lớn, xuyên quốc gia và Trung Quốc cũng không dễ xóa bỏ các hiệp định, cam kết quốc tế, trong khi bản thân nước này phải giữ hình ảnh với thế giới”. 

 

Ông Võ Trí Thành
Phó Viện trưởng

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư

Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan nhìn nhận, trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, Việt Nam đang có phần thua thiệt về lợi ích thương mại. “Chúng ta cứ tự hào Việt Nam xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 thế giới, đạt hơn 20 tỷ USD/năm, nhưng thực chất với gần 50% nguyên liệu, vải cho dệt may nhập từ Trung Quốc, chúng ta xuất khẩu hộ và đem lại nguồn lợi lớn cho họ hơn là cho Việt Nam”, bà Lan phân tích. 

Do vậy, dù Trung Quốc chưa tạo sức ép kinh tế, thì hiện một số ngành hàng của Việt Nam đã sớm bị ảnh hưởng. Ông Phạm Vũ Hà - Tổng thư ký Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, tính đến cuối tháng 6/2014, tồn kho sắn lát và sắn tinh bột lên tới 450.000 tấn; trong khi thương nhân hai nước do tác động của sự cố biển Đông, nên giao dịch ký mới hợp đồng khá thận trọng, chỉ nhỏ giọt và ngắn hạn. 


Ông Đinh Văn Hương - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng lo lắng khi thời gian qua, Trung Quốc thao túng nhiều nguồn nguyên liệu nông sản Việt Nam, “tập” cho người nông dân và tiểu thương Việt cách làm ăn cẩu thả, gian dối, chất lượng thấp, không đảm bảo an toàn thực phẩm... nên “nếu Trung Quốc không mua nữa thì hàng hóa đó biết vào thị trường nào?”.

Không bỏ hết trứng vào một giỏ


Theo ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, khi Việt Nam tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế, chỉ nên phụ thuộc vào những cam kết, điều khoản hội nhập, chứ không nên phụ thuộc vào bất kỳ đối tác nào. “Trung Quốc hiện là một nền kinh tế lớn và hấp dẫn, chúng ta không thể không “chơi”, nhưng “chơi” thế nào cần cân nhắc, làm sao để Việt Nam được chuyển giao công nghệ, có thể vươn lên trong chuỗi sản xuất toàn cầu” - ông Thành đề xuất.


Cùng quan điểm, TS. Lê Đăng Doanh khẳng định, không chỉ riêng với Trung Quốc, Việt Nam cần tránh phụ thuộc vào bất kỳ đối tác nào, do đó cần phải có chiến lược phát triển nội lực, tìm kiếm thêm đối tác, nguồn nguyên liệu. “Hãy nhìn nước Đức, họ nhập khí đốt rất nhiều, nhưng không nhập với nước nào quá 8% nhằm tránh bị lệ thuộc, ép giá”, ông Doanh ví dụ.


Đại diện cho ngành có tới 48% nguyên liệu đầu vào nhập từ Trung Quốc, bà Đặng Phương Dung - Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may cho biết, các doanh nghiệp trong ngành đã có định hướng và kế hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ, như xây dựng thêm nhà máy kéo sợi, đầu tư vào các khu công nghiệp dệt nhuộm... Tuy nhiên, đây là chiến lược lâu dài, còn trước mắt, các doanh nghiệp dệt may sẽ kêu gọi đầu tư vào nguồn nguyên liệu và tìm kiếm thêm đối tác cung ứng nguyên liệu ở các nước ASEAN...


Ông Đinh Văn Hương cho biết, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có chiến lược nâng cao chất lượng hàng hóa, mẫu mã đóng gói. Ông Hương đề xuất Chính phủ và các cơ quan chức năng tạo điều kiện quảng bá tiếp thị cho trái cây Việt Nam như có thể tổ chức cho ăn thử, quảng bá, tuyên truyền, mở hội chợ trái cây... ở các thị trường Ấn Độ, Singapore, Malaysia...

Hải Quỳnh

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.