Hạ tầng

Chọn doanh nghiệp nào chỉ định làm cao tốc Bắc - Nam?

31/03/2020, 07:04

Việc lựa chọn nhà thầu dự án cao tốc Bắc - Nam thế nào sau chuyển đổi sang đầu tư công đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều.

img
Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn

Quá trình chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam từ đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công vẫn đang phải chờ cơ quan thẩm quyền quyết định chủ trương. Tuy nhiên việc lựa chọn nhà thầu cho dự án thế nào sau chuyển đổi đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều.

Đề xuất chỉ định thầu, giao doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng

Bộ KH&ĐT vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về việc chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công, trong đó có các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Đáng chú ý, trong phần tổ chức thực hiện, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền xem xét lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ các dự án này. Các doanh nghiệp được chỉ định phải có năng lực về tài chính, máy móc thi công, nhân lực và kinh nghiệm triển khai các dự án tương tự, trong đó ưu tiên giao cho các doanh nghiệp xây dựng của Bộ Quốc phòng thực hiện.

PGS. TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, một số dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua khu vực có tính chất quan trọng về an ninh, quốc phòng nên chỉ định các nhà thầu của Bộ Quốc phòng thực hiện. Tuy nhiên, nhà thầu được chỉ định phải đảm bảo các tiêu chí về năng lực tài chính, năng lực chuyên môn, năng lực về máy móc thiết bị, nhân lực và kinh nghiệm các công trình tương tự từng tha giam gia.

“Cá nhân tôi rất tin tưởng vào năng lực tổ chức và tính kỷ luật của các doanh nghiệp quân đội. Đối với những đoạn tuyến có tính chất nhạy cảm về chính trị, an ninh quốc gia, khi doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng được chỉ định làm nhà thầu chúng ta sẽ yên tâm hơn”, ông Chủng chia sẻ.

Về phía doanh nghiệp xây dựng thuộc Bộ Quốc phòng, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, vừa qua, đơn vị đã đăng ký tham gia làm nhà thầu tại 3 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn: Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn và Dầu Giây - Phan Thiết. “Chúng tôi chỉ đăng ký tham gia, không phải một lúc xin chỉ định thầu cả 3 dự án này. Nếu một gói thầu hoặc một đoạn tuyến vừa tầm, chúng tôi có thể đứng độc lập hoặc liên danh với một nhà thầu lớn trong nước để thực hiện”, ông Tuấn Anh nói và cho biết, đơn vị đã và đang tham gia thi công rất nhiều các dự án giao thông quy mô lớn như: Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cao tốc Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn…

Cần đánh giá công khai, đảm bảo công bằng

Hình thức nào cũng phải tuân thủ đúng quy định
Một nguồn tin của Báo Giao thông từ Cục QLXD&CLCTGT (Bộ GTVT) cho biết, chủ trương chuyển đổi các dự án cao tốc Bắc - Nam từ PPP sang đầu tư công vẫn đang chờ cấp thẩm quyền quyết định. “Đề xuất ưu tiên chỉ định thầu đối với doanh nghiệp xây dựng thuộc Bộ Quốc phòng là quan điểm riêng của Bộ KH&ĐT. Việc dự án sau khi được chuyển đổi áp dụng hình thức đấu thầu hay chỉ định lựa chọn nhà thầu đều phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật để tránh những vấn đề phát sinh, hậu kiểm về sau”, nguồn tin cho hay.


Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Tổng công ty XDCTGT1 (CIENCO1) cho rằng, việc chuyển đổi các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang hình thức đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hiện nay là phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, đề xuất của Bộ KH&ĐT về ưu tiên chỉ định thầu cho các doanh nghiệp xây dựng của Bộ Quốc phòng thực hiện, cơ quan chức năng cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây lắp giao thông.

Trường hợp được cấp thẩm quyền chấp thuận, việc chỉ định thầu tại các dự án cao tốc Bắc - Nam cũng cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, nhà thầu được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chí về năng lực thi công, năng lực tài chính, kinh nghiệm, không thể ưu tiên đơn vị này, doanh nghiệp kia.

Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cũng cho rằng, đề xuất của Bộ KH&ĐT “ưu tiên” chỉ định thầu cho doanh nghiệp xây dựng của Bộ Quốc phòng làm cao tốc Bắc - Nam sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các nhà thầu giao thông.

“Cao tốc Bắc - Nam không phải là công trình thuộc bí mật quốc gia nên cần tổ chức đấu thầu công khai để đảm bảo sự cạnh tranh giữa các nhà thầu. Trong trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, cơ quan chức năng cần làm đúng quy định, phải chấm điểm năng lực của các nhà thầu. Các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng hay các nhà thầu dân sự đều có sự bình đẳng giống nhau trước pháp luật, nhà thầu nào có năng lực tốt hơn thì làm khối lượng nhiều hơn”, ông Khôi chia sẻ.

Ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn CIENCO4 thông tin, trong 8 dự án cao tốc Bắc - Nam tổ chức sơ tuyển nhà đầu tư, chỉ có một doanh nghiệp xây dựng thuộc Bộ Quốc phòng (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) tham gia. Hơn nữa, khi sơ tuyển nhà đầu tư 8 dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT chủ yếu lấy tiêu chí về xây lắp để đánh giá năng lực của nhà đầu tư. Những nhà đầu tư đã trúng sơ tuyển, rõ ràng năng lực xây lắp đã được khẳng định.

“Khi các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam được cấp thẩm quyền chấp thuận chuyển đổi sang đầu tư công và được cho phép chỉ định nhà thầu, cơ quan chức năng cần xây dựng các tiêu chí rõ ràng, công khai, minh bạch. Trong trường hợp ưu tiên nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ, cần ưu tiên cho các doanh nghiệp đã vượt qua sơ tuyển tại các dự án cao tốc Bắc - Nam”, ông Thọ nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.