Vận tải

Chọn mua “hộp đen” nào để tránh “tiền mất, tật mang”?

20/04/2016, 07:39

Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ theo dõi, tổng hợp danh sách các phương tiện không truyền dữ liệu về trung tâm...

17

TBGSHT được bày bán tại các cửa hàng nội thất ô tô, có nhiều chủng loại và giá cả cũng khác nhau cho người tiêu dùng lựa chọn - Ảnh: Tạ Tôn

Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN theo dõi, tổng hợp danh sách các phương tiện không truyền dữ liệu về trung tâm để cung cấp, trao đổi thông tin với đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) để ngăn chặn các chủ phương tiện lắp đặt chỉ để đối phó.

Vẫn tâm lý “nước đến chân mới nhảy”

Từ ngày 1/7, khoảng 50 nghìn xe tải từ 7 đến dưới 10 tấn phải lắp thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT), nhưng thị trường cung cấp thiết bị này hiện vẫn khá yên ắng. Cho biết về tình hình thị trường cung cấp TBGSHT cho xe tải, ông Trần Xuân Đức, Giám đốc Công ty CP TCT Toàn cầu (nhà cung cấp hộp đen TCT - 01) cho biết, vài tháng gần đây, doanh số của công ty tăng không nhiều. Tuy nhiên, do đa phần xe từ 7 đến dưới 10 tấn thuộc diện “một xe một chủ” nên họ không có nhu cầu quản lý ai. Vì vậy, các thiết bị hướng đến đối tượng này được thiết kế với các tính năng tối thiểu để phục vụ yêu cầu quản lý Nhà nước như: Tốc độ, hành trình, thời gian lái xe…

Đến nay, đã có 30 đơn vị sản xuất, nhập khẩu được cấp giấy chứng nhận hợp quy, trong đó có 25 đơn vị đã được Bộ GTVT cấp lần đầu. Các doanh nghiệp này đã cung cấp, lắp đặt trên phương tiện vận tải với tổng số 140 nghìn thiết bị.

Khảo sát của PV Báo Giao thông, thị trường TBGSHT đến nay chưa thấy có sự khác biệt so với trước do các chủ phương tiện vẫn có tâm lý “nước đến chân mới nhảy”. “Thực tế, xe nhỏ dưới 10 tấn hầu hết thuộc sở hữu cá nhân, hộ gia đình và thường chạy trong phạm vi ngắn (công trường, xã, huyện) nên chủ xe chưa quan tâm lắp đặt.

Theo ông Đào Thanh Anh, Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Bình Anh, thị trường TBGSHT đang “cung vượt cầu” khi có đến gần 30 nhà cung cấp trên thị trường. Đối với xe nhỏ dưới 10 tấn, hầu hết do chính chủ xe điều khiển nên họ không có nhu cầu quản lý mà chỉ khi bắt buộc mới lắp đặt. Vì thế, dự báo thị trường sẽ chỉ “nóng” vào tháng cuối, trước khi quy định bắt buộc phải lắp đặt có hiệu lực.

Ngăn chặn lắp đặt để đối phó

Theo khảo sát của PV, các loại thiết bị được rao bán trên thị trường hiện nay dao động ở mức 2,5 - 4 triệu đồng/thiết bị, tùy nhu cầu tích hợp các tính năng quản lý của doanh nghiệp vận tải. Để tiếp thị sản phẩm đến đối tượng các xe tải nhỏ (từ 7 đến dưới 10 tấn), một số nhà cung cấp đã có những động thái tiếp cận khách hàng.

Chia sẻ về kinh nghiệm chọn nhà cung cấp thiết bị, ông Hoàng Quang Ngọc, Giám đốc Công ty Vận tải hàng hóa Hoàng Hà (Hà Nội) cho biết, chọn mua TBGSHT không giống những sản phẩm tiêu dùng thông thường bởi sau khi đã lắp đặt thiết bị rồi còn phải duy trì thiết bị hoạt động liên tục, có bộ phận quản lý để truyền được đầy đủ dữ liệu về máy chủ của công ty và cơ quan quản lý (thường do nhà cung cấp thiết bị đảm nhiệm - PV). Vì vậy, trước khi quyết định chọn nhà cung cấp, các đơn vị vận tải ngoài việc phải tìm hiểu sản phẩm ấy có đảm bảo các yêu cầu của cơ quan quản lý hay không thì còn cần xem xét hệ thống dịch vụ bảo dưỡng, bảo hành của đơn vị ấy cũng như kinh phí duy trì dịch vụ ra sao.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT) cho biết, 30 doanh nghiệp cung cấp TBGSHT như hiện nay, sẵn sàng đáp ứng đủ nhu cầu lắp đặt của 50.000 phương tiện vận tải hàng hóa có tải trọng từ 7 đến dưới 10 tấn theo lộ trình của Nghị định số 86.

Để tránh việc doanh nghiệp vận tải lựa chọn, lắp đặt các loại thiết bị kém chất lượng, theo ông Hà, trước hết doanh nghiệp vận tải chỉ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của các nhà cung cấp TBGSHT đã được công bố trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Đường bộ VN. Ngoài ra, cần phải lựa chọn sản phẩm có giấy chứng nhận hợp quy. Khi quyết định mua cần kiểm tra kỹ giấy tờ kỹ thuật đi kèm, đối chiếu hình ảnh sản phẩm với mẫu được chứng nhận. Sản phẩm phải phù hợp quy chuẩn QCVN31:2014/BGTVT, có đầy đủ nhãn mác với các thông tin bắt buộc như: Tên và số sêri hàng hóa; Tên và số điện thoại đơn vị sản xuất, nhập khẩu; Tháng, năm sản xuất; Điện áp sử dụng; Xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó, sản phẩm TBGSHT phải có Tem hợp quy theo quy định. Ngoài ra, để bảo hành kịp thời, nên lựa chọn những doanh nghiệp uy tín, có mạng lưới bảo hành phủ rộng  để xe có di chuyển các tỉnh vẫn bảo hành được nhanh chóng…

Nhằm ngăn chặn hiện tượng chủ xe lắp đặt để đối phó, ông Hà cho biết, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN theo dõi, tổng hợp danh sách các phương tiện không truyền dữ liệu về Trung tâm để cung cấp, trao đổi thông tin với đơn vị cung cấp TBGSHT. Sở GTVT địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm những chủ phương tiện lắp đặt chỉ để đối phó. 

“Bộ GTVT cũng quy định rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ TBGSHT. Đơn vị nào không đáp ứng được yêu cầu, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật; Đề xuất thu hồi chứng nhận hợp quy với những đơn vị cố tình sản xuất ra mẫu sản phẩm không đúng với chứng nhận hợp quy liên quan đến kiểu loại mẫu, linh kiện chính, thiết kế… Các trường hợp sửa đổi dữ liệu để “qua mặt” cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm, dịch vụ không đáp ứng các yêu cầu của quy chuẩn cũng sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận hợp quy”, ông Hà cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.