Hạ tầng

Chống kẹt xe ở TP.HCM bằng đường bàn cờ

22/03/2016, 07:15

Nhà thiết kế nội thất Phạm Văn Tiệp bỏ tiền lặn lội vào TP.HCM để tìm giải pháp khắc chế ùn tắc giao thông...

12
Trên địa bàn TP.HCM có 26 điểm kẹt xe

Tạo các điểm quay đầu nghịch, hạn chế các điểm nghẽn

Trao đổi với Báo Giao thông, anh Tiệp khẳng định, giải pháp “Đường bình lưu” của anh có thể giảm được ùn tắc giao thông ở TP.HCM. Căn cứ vào hiện trạng thực tế mặt bằng và quan sát các luồng phương tiện giao thông lưu chuyển, giải pháp “Đường bình lưu” dựa trên nguyên tắc các phương tiện giao thông chỉ được đi thẳng hoặc rẽ phải. Trong trường hợp muốn rẽ trái, các phương tiện giao thông tiếp cận dần với dải phân cách bên trái, lề đường bên trái để chuyển hướng. Giải pháp này được xây dựng trên mệnh đề: “các phương tiện giao thông chỉ đổi chỗ được cho nhau khi chúng cùng chuyển động” và cũng áp dụng một số sơ đồ “giao diện mềm” mà anh Tiệp đã từng công bố trước đây.

Hiện tại, trên nhiều trục đường chính song song ở TP.HCM, các phương tiện giao thông được phép lưu thông 1 chiều. Tuy nhiên, các đường nối giữa hai trục chính lại được lưu thông hai chiều thuận nhau nên vô hình trung tạo nhiều điểm xung đột giao thông khi các phương tiện rẽ trái, dẫn đến ùn tắc giao thông. Để khắc phục tình trạng này, giải pháp đưa ra là tạo các điểm quay đầu nghịch để hạn chế các điểm nghẽn của hai dòng phương tiện, từ đó tăng được tốc độ lưu thông phương tiện.

Về mặt bằng, theo anh Tiệp, giải pháp “Đường bình lưu” dùng mặt bằng hiện trạng là chủ yếu. Bên cạnh đó có thể cần xây dựng, cải tạo hoặc mở rộng một số tuyến giao thông, nút giao thông khi cần thiết. Bên cạnh thành lập tuyến “Đường bình lưu” khép kín, cần mở một số tuyến “Đường bình lưu” hở. Một số nút giao thông sẽ phải tổ chức lại cho phù hợp.

Sẽ không còn kẹt xe

Theo Sở GTVT, những điểm nóng nhất, ảnh hưởng cho nhiều người dân nhất như: Lăng Cha Cả, Hàng Xanh, vòng xoay Nguyễn Thái Sơn... đến cửa ngõ ra vào TP như ngã tư An Sương, ngã tư Thủ Đức, nút giao An Phú. Đặc biệt, trục đường từ Trường Chinh dẫn đến Cộng Hòa luôn là điểm ùn ứ mỗi ngày.

Theo anh Tiệp, đối với từng nút thắt đều có thể áp dụng mô hình “Đường bình lưu” để giảm ùn tắc giao thông. Anh Tiệp lấy ví dụ, tại điểm Ngã năm Đài liệt sỹ nổi tiếng ùn tắc giao thông có thể khắc phục bằng giải pháp “Đường bình lưu” này. Các phương tiện chỉ được phép đi theo một hướng và chỉ được phép rẽ phải tại các ngã tư. Phía đường bên trái chỉ được rẽ trái theo hướng thuận chiều. Để tạo điều kiện cho các phương tiện quay đầu, có thể lập một tuyến đường song song và cho phép đi một chiều ngược lại.

“Nếu giải pháp này được phép áp dụng thí điểm trên một số nút giao nào đấy, đích thân tôi sẽ trực tiếp vào làm việc và có sự phản biện với các ban ngành chức năng của thành phố”, anh Tiệp nói và cho biết, giải pháp này có nhiều lợi ích do sử dụng chủ yếu mặt bằng hiện trạng nên chi phí không nhiều; Không cần lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại nhiều vị trí nên cũng giảm chi phí đầu tư, vận hành và bảo trì; Tăng năng lực giao thông trên đường; Giảm bớt lực lượng chức năng làm nhiệm vụ phân luồng giao thông; Các phương tiện giao thông lưu thông một cách liên tục do không phải dừng chờ đèn đỏ; Tốc độ lưu thông trung bình cũng được tăng lên; Giảm, phân tán bớt khí thải do phương tiện cơ giới gây ra.

- Theo thống kê mới nhất của Sở GTVT TP.HCM, trên địa bàn thành phố có 26 điểm nóng kẹt xe. Cụ thể: Tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1); Giao lộ Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo (quận 5); ngã 6 Cộng Hòa - công trường Dân Chủ (quận 3); Đường Hoàng Minh Giám (quận Phú Nhuận); Đường Trường Chinh (đoạn từ Âu Cơ đến Tân Kỳ - Tân Quý); Nút giao thông Mỹ Thủy, An Phú (quận 2); Giao lộ đường Lê Văn Việt - Đình Phong Phú; Lã Xuân Oai (đoạn từ cầu Tăng Long đến ngã ba Lò Lu)...

- Sau khi xem giải pháp chống kẹt xe ở TP.HCM bằng đường bàn cờ của anh Tiệp, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng quản lý và khai thác hạ tầng (Sở GTVT TP.HCM) cho biết: Giải pháp này khá hay áp dụng được thì đường sẽ thông thoáng, giúp giảm giao cách giữa các dòng xe. Tuy nhiên nếu thực hiện thì sẽ ảnh hưởng đến luật đường bộ của Việt Nam, các xe sẽ chuyển hướng đi bên trái. Do vậy, để triển khai phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng từ các sở, ban ngành.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.