Thời sự

Chống tắc đường bằng dải phân cách cứng

28/03/2017, 09:13

Bài tham dự “Diễn đàn chống ùn tắc giao thông đô thị”: Phân làn đường và xây dựng “văn hóa xếp hàng”.

giải phân cách cứng

Phân làn đường bằng dải phân cách cứng là một trong những giải pháp chống ùn tắc được tác giả Hoàng Việt Thịnh đưa ra. (Ảnh minh họa)

Qua để ý theo dõi trên các tuyến đường lớn ở các đô thị bao gồm cả thành phố Hà Nội, có thể thấy, những thời điểm ùn ứ tắc đường đều là do các phương tiện đi không đúng phần đường quy định. Ví như, người đi mô tô, xe máy lách đi sang phần đường dành cho xe ô tô nên đã dẫn đến đường đã tắc lại càng tắc lâu hơn, nghiêm trọng hơn... Giả như đường có rộng gấp 5 lần hiện nay mà cứ kiểu đi như trên thì tắc vẫn hoàn tắc mà thôi.

Được biết, hiện nay đường tại các đô thị lớn được phân làn đường, phần đường bằng các vạch sơn kẻ đường. Do đó, việc chấp hành đi đúng phần đường hay không chỉ trông chờ vào ý thức của người tham gia giao thông và sự điều tiết, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng, nhưng như thế sẽ không xuể được.

Bài tham dự Diễn đàn chống ùn tắc giao thông đô thị do Báo Giao thông cùng cộng đồng Otofun phối hợp tổ chức, Tập đoàn Hyundai Thành Công đồng hành tài trợ. Ý kiến đóng góp xin gửi về: Chonguntac@baogiaothong.vn và news@otv.vn. 

Thực tế cho thấy, tại các đường một chiều có dải phân cách cứng, dù đường đông nhưng vẫn không tắc mấy. Bởi các dòng xe nối đuôi nhau đi tuần tự trước sau. Tâm lý chung là người tham gia giao thông đi đằng sau đều muốn vượt lên trước. Nếu dải phân cách chỉ là vạch sơn và không có sự giám sát của lực lượng chức năng thì nhiều người sẽ lấn làn, đi vào phần đường không dành cho phương tiện mình ngay.

Thời gian qua, việc đặt dải phân cách cứng không phải không làm, nhưng dư luận cũng có nhiều ý kiến trái chiều như cho rằng tai nại giao thông tăng, ý thức người dân đã nâng cao nên không cần... Cho nên một số giải phân cách cứng đã được tháo dỡ.

Song, xét về tổng thể thì rõ ràng là, khi có dải phân làn cứng sẽ khiến cho người tham gia giao thông cảm thấy bất tiện khi lấn làn, đi vào phần đường không đúng định và lâu dài sẽ dần bỏ ý định mà chấp hành đi theo tuần tự giao thông. Đây cũng chính là “văn hóa xếp hàng”. Điều này ai cũng được học, được rèn luyện từ đi học mẫu giáo...

Thử đặt câu hỏi, khi đi mua vé tàu, vé xem phim... chẳng hạn, người đến mua vé đều xếp hàng theo thứ tự trước sau rất trật tự nhưng tại sao khi tham gia giao thông lại không xếp hàng mà mọi người cứ chen lấn lên trước.

Phân tích các mặt có thể thấy, về khách quan, hàng rào lan can xếp hàng mua vé được thiết kế chắc chắn khiến người sau có muốn chen lên cũng không thể vì chỉ đủ cho từng người đứng. Đồng thời, sự đánh giá của cộng đồng về ý thức của những người xếp hàng.

Còn về chủ quan, đó là ý thức của người tham gia, là sự hình thành “văn hóa xếp hàng” trong tiềm thức của mỗi người... Soi chiếu vào việc tham gia giao thông cũng vậy. Người đi trước, đi sau sẽ theo tuần tự nếu giải phân làn cho từng phương tiện là giải cứng. Nếu người tham gia giao thông muốn vượt lên cho nhanh cũng không thể vì dải phân làn cố định, khó có thể vượt qua.

Tất nhiên, dải phân làn này không cần làm quá cao, chỉ cần khoảng 25 -30cm là được. Quan trọng nhất vẫn là ý thức của người tham gia giao thông. Thực tế, việc lắp dải phân làn cho xe buýt nhanh cũng đã cho thấy những hiệu quả thiết thực.

Có thể nói, xây dựng văn hóa giao thông cho mọi người là một lộ trình lâu dài. Để văn hóa giao thông và thực hiện “văn hóa xếp hàng” trong tham gia giao thông thực sự được hình thành thì trước hết vẫn cần có những giải pháp đủ mạnh, thậm chí mang tính bắt buộc.

o-to-1476801300748

Theo tác giả Thịnh, khi "văn hóa xếp hàng" được hình thành, cảnh ùn tắc sẽ giảm đi đáng kể. (Ảnh minh họa)

Không có nếp văn hóa, đức tính tốt đẹp nào của con người được hình thành không qua quá trình rèn luyện. Dẫu biết rằng, bị bắt buộc thực hiện thì không thể thấy thoải mái được nhưng lâu dần sẽ thành nếp, thành phản xạ của mỗi người. Khi văn hóa giao thông đã được hình thành chắc chắn thì người không thực hiện chính là người “mất tự do” nhất và sẽ là lạc lõng với cộng đồng.

Có thể thấy, chống ùn tắc giao thông tại các đô thị là việc làm lâu dài, cần có lộ trình. Song dường như đường càng ngày càng rộng hơn nhưng vẫn không giảm ùn tắc là mấy. Trong khi chờ ý thức, văn hóa của người tham gia giao thông hình thành thực sự thì rất cần những giải pháp mang tính bắt buộc. Có như vậy vấn đề ùn tắc mới từng bước được giải quyết. Và chỉ khi nào mỗi người tham gia giao thông thấy được trách nhiệm của mình trong đó thì vấn đề mới được giải quyết.

Hoàng Việt Thịnh

(Số 17B/5 đường Trần Quang Khải, khối Trần Quang Khải II, phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn)

DIEN DAN 300X90

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.