Thời sự

Chống tham nhũng khu vực tư nhân thế nào?

09/10/2017, 09:15

Tình trạng đưa-nhận hối lộ giữa tư nhân và cán bộ, công chức để giành lợi thế trong KD gây bức xúc dư luận...

20

Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng sang cả khối doanh nghiệp tư nhân (ảnh minh họa)

Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi vừa qua đã mở rộng phạm vi điều chỉnh sang phòng chống tham nhũng ở cả khu vực ngoài Nhà nước. Liệu bộ máy có đủ nguồn lực để thực hiện khi mà chống tham nhũng trong lĩnh vực công hiện vẫn còn đang rất khó khăn? Liệu khu vực DN tư nhân có bị “làm khó”, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh?

Có cán bộ chống lưng cho DN

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ (cơ quan soạn thảo) cho biết, quan điểm về sự cần thiết mở rộng PCTN trong lĩnh vực tư đã được ban soạn thảo đưa ra trong Tờ trình trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. “Nhiều người hiện nay vẫn nghĩ “chưa làm tốt PCTN trong lĩnh vực công thì làm sao có thể PCTN trong lĩnh vực tư?”, nhưng tôi cho rằng quan điểm đó chưa hoàn toàn hợp lý. Bởi thực tế, ranh giới giữa tham nhũng công và tư rất khó xác định, thậm chí nó đan xen nhau, xử lý tham nhũng trong lĩnh vực tư thực ra cũng là góp phần chống tham nhũng trong lĩnh vực công”, ông Tuấn Anh nói và phân tích, hiện nay có những thực tế đã được chỉ ra như có sự móc ngoặc giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các DN, thậm chí có cán bộ Nhà nước chống lưng cho DN, nếu không đặt vấn đề PCTN trong lĩnh vực tư thì khó có cơ chế tương ứng xử lý triệt để mầm mống này.

"Về hậu quả, nếu không chống được tham nhũng trong lĩnh vực tư, sẽ khiến môi trường đầu tư kinh doanh suy giảm. Khi các hành vi có dấu hiệu tham nhũng mang tính phổ biến, các nhà đầu tư sẽ rất dè dặt đưa ra các quyết định đầu tư do họ không thể dự báo được những chi phí không chính thức có thể phát sinh trong hoạt động kinh doanh, mức độ thành công khi các đối tác kinh doanh ở nước sở tại cũng áp dụng những phương thức kinh doanh thiếu liêm chính như vậy”.

Ông Nguyễn Tuấn Anh
Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ

Theo ông Tuấn Anh, lâu nay, pháp luật hiện hành chưa chính thức ghi nhận vấn đề tham nhũng trong khu vực tư nên chưa có các biện pháp xử lý tương xứng cả về hành chính và hình sự. Do vậy, cần chính thức ghi nhận việc bảo vệ hoạt động đúng đắn của các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực tư và quy định là tội phạm đối với các hành vi tương ứng góp phần thúc đẩy phát triển kinh doanh bền vững. Cần có các biện pháp xử lý hình sự tương xứng đối với các hành vi tương tự như hành vi tham nhũng trong khu vực Nhà nước xảy ra ở khu vực tư. Chủ thể của hành vi tham nhũng cần phải mở rộng là người điều hành, người được giao công việc hoặc làm ở bất kỳ vị trí nào trong tổ chức thuộc khu vực tư mà họ có thể sử dụng để trục lợi bất chính trong hoạt động kinh tế, tài chính, thương mại.

Về lo ngại nếu mở rộng sẽ làm khó DN, hoặc chồng chéo khi thanh tra, kiểm tra, ông Tuấn Anh cho rằng không có chuyện này, bởi không phải mở rộng là thích thanh tra, kiểm tra DN lúc nào cũng được, tất cả phải được quy định dẫn chiếu từ Luật Thanh tra. Cùng với việc quy định PCTN trong lĩnh vực tư, sẽ phải có cơ chế kiểm soát, giám sát đi kèm, nên không thể có tình trạng lạm quyền như nhiều người vẫn nghĩ. “Chúng ta xây dựng cơ sở pháp luật, nếu cứ lo sợ, e ngại thế này thế kia thì rất khó làm. Người ta nói chưa có đủ nguồn lực chống tham nhũng công thì chống trong lĩnh vực tư kiểu gì? Nhưng thực ra, ta không làm tốt việc chống tham nhũng trong lĩnh vực tư, không phải là do ta thiếu nguồn lực, mà do cách làm, cách thức tổ chức thực hiện của ta chưa tốt”, ông Tuấn Anh nói.

21

Xử lý tham nhũng trong lĩnh vực tư cũng là góp phần chống tham nhũng trong lĩnh vực công (ảnh minh họa)

Cần quy định cụ thể, tránh chung chung

Theo ông Đỗ Đức Hồng Hà, Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật), việc mở rộng phạm vi điều chỉnh sang PCTN ở cả khu vực ngoài Nhà nước trong bối cảnh hiện nay là cần thiết. Theo đó, dự thảo Luật đã quy định về PCTN trong các tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay, đặc biệt là khi chủ trương này đã thể hiện trong Bộ luật Hình sự năm 2015 khi quy định nhóm tội phạm về tham nhũng.

Về việc áp dụng Luật PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, dự thảo quy định áp dụng bắt buộc một số chế định (tự quy định, tổ chức thực hiện cho phù hợp với lĩnh vực hoạt động), bao gồm: Thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích, trách nhiệm của người đứng đầu, minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về PCTN của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật hiện hành.

“Theo tôi, các biểu hiện để nhận diện tham nhũng khu vực tư nhân, bên cạnh thực tế như người ta nói lâu nay về vấn đề sân sau, lợi ích nhóm hay cả việc cán bộ, công chức chống lưng cho doanh nghiệp thì còn là vai trò của doanh nghiệp trong phòng, chống tham nhũng. Việc xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng có vai trò hết sức quan trọng đối với cả khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước”, ông Hà nói và cho rằng, để PCTN trong khu vực tư hiệu quả, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của DN, cần phải có những quy định chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể, công khai, minh bạch về cơ quan và người có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; cơ sở và căn cứ để thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; đối tượng, thời gian, nội dung, hình thức, văn bản và hiệu lực của văn bản thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp…

Trước đó, khi dự thảo luật được trình tại phiên họp thứ 14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, khá nhiều ý kiến tán thành việc mở rộng này và cho rằng, thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước đã và đang xuất hiện, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, cản trở hiệu quả PCTN trong khu vực công. Đặc biệt, vừa qua, nhân dân bức xúc về tình trạng đưa, nhận hối lộ, móc nối giữa tư nhân và cán bộ, công chức để giành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh hoặc chiếm đoạt tài sản Nhà nước xảy ra ở các loại hình doanh nghiệp khác nhau, kể cả doanh nghiệp ngoài Nhà nước, là doanh nghiệp “sân sau”, được sự đỡ đầu của người có chức vụ, quyền hạn. Chính vì vậy, mở rộng PCTN sang khu vực ngoài Nhà nước là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo vẫn chưa giải thích rõ thế nào là tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước, do đó nhiều quy định về vấn đề này còn thiếu rõ ràng. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.