Chuyện dọc đường

Chống tham nhũng trong bổ nhiệm cán bộ

07/11/2017, 09:48

Cử tri mong muốn chuyển tới Quốc hội câu hỏi: Có hay không tình trạng tham nhũng trong bổ nhiệm cán bộ công chức?...

DBQH

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội. Ảnh: VOV

 Tham nhũng trong công tác bổ nhiệm cán bộ là một thực tế nhưng báo cáo của Chính phủ vừa qua đề cập đến rất ít. Hơn nữa, việc đánh giá mới chỉ dừng lại ở đánh giá về công tác luân chuyển cán bộ, công chức.

 Theo kết quả được báo cáo đầy đủ, có tới 29.261 cán bộ công chức được luân chuyển, và công tác luân chuyển cán bộ được đánh giá là cần thiết để phòng ngừa tham nhũng. Nhưng thực tế việc này ở các địa phương chưa được thực hiện thường xuyên, còn hình thức, việc thanh tra, kiểm tra chưa được làm tốt.

Vì vậy, cử tri mong muốn chuyển tới Quốc hội câu hỏi: Có hay không tình trạng tham nhũng trong bổ nhiệm cán bộ công chức? Nếu có thì báo cáo của Chính phủ về phòng chống tham nhũng chưa đầy đủ, còn nếu không, vì sao có câu chuyện bổ nhiệm đúng quy trình mà người có tài, có đức lại không được bổ nhiệm, còn người thiếu đức, kém tài lại được bổ nhiệm. Và tai hại hơn, việc đó đã khiến họ được trao “quyền hành dân và quyền hành doanh nghiệp”.

Theo tôi, tham nhũng trong bổ nhiệm cán bộ là có, vì theo nguyên lý “không có lửa làm sao có khói”, và cũng đúng như lâu nay dân gian kết luận “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”. Tôi đồng tình với ý kiến cho rằng, nạn chạy chức, chạy quyền là một trong 6 bất an của xã hội ta.

Ngoài nguyên nhân “hậu duệ, tiền tệ, quan hệ”, thì quy định về bổ nhiệm cán bộ còn thiếu chặt chẽ. Việc đánh giá cán bộ công chức không thực hiện theo quy định pháp luật mà chủ yếu phụ thuộc vào người đánh giá, nên mới có thực tiễn đánh giá thế nào cũng đúng. Điển hình như người ta hay nói, có trường hợp hai người có hai đặc tính như nhau, cùng hay uống rượu, nhưng lại được đánh giá thế này: Một ông hay uống rượu nhưng tốt, còn một ông thì tuy tốt nhưng hay uống rượu. Vậy nếu đánh giá cán bộ từ góc độ cá nhân của người bổ nhiệm thì tai hại đến đâu?

Phòng chống tham nhũng trong trường hợp này rất khó, vì cả người nhận và người đưa đều không bao giờ tự khai báo, mà người thứ ba lại không có chứng cứ hoặc có mà không bao giờ đầy đủ.

Chúng ta rất cần phải chống tham nhũng trong công tác cán bộ, nếu làm tốt, sẽ tạo được đội ngũ cán bộ có năng lực, liêm chính để hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng nếu làm không tốt sẽ gây ra hệ quả đau lòng. Quan trọng hơn là sẽ xuất hiện thế hệ tham nhũng thứ hai, vì chạy chức rồi, khi có quyền chắc chắn họ sẽ tính bài thu lại, và bài đó không có cách nào khác là tham nhũng.

Để giải quyết, cần phải sửa luật, bổ sung quy định phương pháp đánh giá cán bộ công chức trước khi bổ nhiệm. Nếu luật hoá thì không còn kẽ hở, sẽ tạo thuận lợi để người xứng đáng được bổ nhiệm.

ĐBQH Nguyễn Mai Bộ
Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.