Chuyện dọc đường

Chống “uống rượu bia lái xe” cần hành động mạnh mẽ hơn

13/05/2019, 06:30

Cần hình sự hóa đối với mọi hành vi điều khiển phương tiện mà trong người có nồng độ cồn cao. Điều này nhiều quốc gia đã áp dụng từ lâu.

img
Khoảng 10 nghìn người đã tham gia sự kiện đi bộ hưởng ứng hành động “Đã uống rượu bia - Không lái xe” tổ chức sáng 12/5 tại khu vực Hồ Gươm (Hà Nội). Ảnh: Đinh Việt Hùng

Sự kiện đi bộ kêu gọi hành động “Đã uống rượu bia - Không lái xe” do Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp cùng UBND TP Hà Nội với sự đồng hành của Báo Giao thông, Nhà hát Kịch Việt Nam và cộng đồng cựu học sinh THPT Hà Nội khóa 1991-1994 tổ chức tiếp tục nhiệm vụ ấy và đã thành công khi thu hút khoảng chục nghìn người từ nhiều tầng lớp, nghề nghiệp khác nhau tham gia.

Nhưng thực tế tồn tại thời gian qua cho thấy, tất cả các khâu cần phải hoàn thiện hơn. Trước tiên là công tác tuyên truyền, trước đây chúng ta tuyên truyền yêu cầu người dân phải làm hay không được làm việc này, việc kia khiến cho hiệu quả truyền thông chưa cao. Khi chỉ cung cấp thông tin khô cứng quy định pháp luật sẽ dễ nhàm chán và nhanh quên.

Đã đến lúc chúng ta không thể chỉ hô hào tuyên truyền bằng những khẩu hiệu và chế tài phạt hành chính. Cần hình sự hóa đối với mọi hành vi điều khiển phương tiện mà trong người có nồng độ cồn cao. Điều này nhiều quốc gia đã áp dụng từ rất lâu, Việt Nam cần học hỏi để áp dụng vào thực tiễn.

Điều quan trọng những chế tài xử phạt cũng phải rất mạnh và quyết liệt, phải siết chặt quy định về xử lý hình sự và xử lý hành chính. Phải có chế tài quản lý tái phạm bằng việc phạt lũy tiến hành vi tái phạm hay bổ sung thêm các chế tài khác như lao động công ích, học thi lại bằng lái. Bên cạnh đó cần dùng công cụ kinh tế là điều chỉnh mức đóng bảo hiểm theo mức độ rủi ro. Những người uống rượu bia khi lái xe có độ rủi ro lớn nên phải chịu mức đóng bảo hiểm cao hơn. Khi chúng ta có những giải pháp như vậy, nhận thức và hành vi của người dân sẽ thay đổi.

Chỉ tuyên truyền vận động thôi chưa đủ, tôi cho rằng phải có những hành động thiết thực bằng việc xây dựng hành lang pháp luật và xử lý nghiêm minh, công bằng mới có thể ngăn chặn được. Ngoài những giải pháp trực tiếp tôi vừa nói, cần những giải pháp gián tiếp khác như: Khắc phục lệ sự thuộc lớn vào phương tiện cơ giới cá nhân trong khi các phương thức đi lại bằng vận tải công cộng còn nhiều bất cập. Để khắc phục cần hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng hiện đại, dễ tiếp cận, có lẽ người dân sẽ sử dụng phương tiện công cộng sau khi đã uống rượu bia.

Chúng ta cũng cần tăng cường giáo dục ý thức công dân, đạo đức, trách nhiệm xã hội đối với con em trong gia đình và nhà trường. Khi người dân có ý thức đạo đức công dân tốt sẽ có hành xử tốt, sẽ không uống rượu bia khi lái xe. Bên cạnh đó, cần có giải pháp tổng thể quản lý tác hại của rượu bia, quản lý khả năng tiếp cận của người dân đối với rượu bia trong Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Điều này sẽ giúp tạo lập một môi trường ít vi phạm thì việc xử lý vi phạm mới hiệu quả.

TS Trần Hữu Minh
Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.