Kinh tế

Chủ đầu tư bảo do nổ mìn, chính quyền nói không

10/04/2014, 16:09

Khu vực lòng hồ thuộc địa phận xã Đăk Nên thường xuyên có tiếng nổ, rung chấn, làm người dân hoang mang, chủ đầu tư nói do nổ mìn nhưng chính quyền phản bác.

Từ khi đập thuỷ điện Đăk Đring (Kon Plông) tích nước đến nay, khu vực lòng hồ thuộc địa phận xã Đăk Nên thường xuyên xảy ra hiện tượng tiếng nổ, rung chấn, làm người dân hoang mang, lo sợ. Trong bản báo cáo gửi UBND huyện Kon Plông, chủ đầu tư cho rằng rung chấn là do nổ mìn…

Rung chấn tại đập thủy điện
Rung chấn tại đập thủy điện

Nhiều tiếng nổ và rung chấn bất thường

Ngày 7/4, chúng tôi về xã Đăk Nên (Kon Plông) tìm hiểu vấn đề này thì được nhiều người dân phản ánh, thỉnh thoảng vẫn xảy ra những tiếng nổ lớn, kèm theo rung chấn nhẹ.

Ông A Mân (64 tuổi) và con cháu trong gia đình thôn Xô Thác, xã Đăk Nên cho biết: “Thời gian gần đây, đặc biệt là trước Tết Nguyên đán thường xảy ra tiếng nổ lớn, rung chấn nhẹ thường xảy ra vào buổi tối. Còn thời gian sau từ sauTtết đến nay thì chỉ bị một hai lần. Mỗi lần rung chấn, mái nhà rung, kêu ồ ồ như có gió lớn thổi qua rồi thôi.

Anh A Phương (44 tuổi) thôn Xô Thác cũng xác nhận hiện tượng này và tất cả những lần nổ kèm theo rung đất đều xảy ra vào ban đêm. “Có một lần khoảng 6-7 giờ tối, ở hổ thủy điện nổ như có ai đánh mìn nghe to lắm. Mình và mấy người ngồi trong nhà đều thấy nền nhà, mái nhà đều rung lên, ai cũng sợ”- A Phương kể. Ông Võ Thành Đông - buôn bán ở thôn Đăk Lai, xã Đăk Nên cho biết: Từ sau Tết đến nay tôi có thấy 3 lần xảy ra tiếng nổ lớn, nhưng lần sau lúc nào cũng nổ to hơn và rung chấn mạnh hơn, trong đó gần nhất là xảy ra khoảng giữa tháng 3.

Người dân bên hồ thủy điện cảm nhận rõ rung chấn
Người dân bên hồ thủy điện cảm nhận rõ rung chấn

Ông Nguyễn Đức Công, tư vấn giám sát Công ty cổ phần Tư vấn dự án điện lực dầu khí (PCC), thuê nhà dân ở thôn Xô Thác cho biết: Tôi đã thực hiện giám sát nhiều công trình thủy điện như thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La thì không thấy xảy ra tiếng nổ và rung chấn, nhưng sau thuỷ điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) và  thì tại khu vực thuỷ Đăk Đrinh này là thuỷ điện thứ 2 có xảy ra tiếng nổ và rung chấn.

Trao đổi với phóng viên, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Nên, bà Bùi Thị Việt cho hay, sau khi tích nước vào tháng 10/2013, đi về các thôn họp, ở đâu cũng nghe người dân phản ánh có hiện tượng rung trong lòng đất. “Còn tại vì UBND xã cách trung tâm hồ thủy điện 4 km, tối nằm vẫn thấy hiện tượng rung lắc nhưng nhẹ”, bà Việt khẳng định.

Do hiện tượng rung chấn, tiếng nổ bất thường thường xuyên xảy ra, nên Chủ tịch UBND xã Đăk Nên Nguyễn Thanh Lợi đã có văn bản báo cáo với UBND huyện Kon Plông biết để có biện pháp xem xét, xử lý. Theo văn bản này, từ khi tích nước 10/2013 đến cuối tháng 2/2014 có 10 lần rung chấn, trong đó, từ 12/2 đến 27/2 xảy ra 3 lần rung chấn mạnh. Cụ thể vào 21 giờ 30 phút ngày 12/2 có 2 lần rung chấn, lần đầu cách lần thứ hai 10 phút; 2 giờ 30 phút ngày 27/2 xảy ra 1 lần rung chấn. Theo đó, thời gian rung chấn thường xảy ra vào ban đêm, số lần tăng dần theo thời gian, cường độ mạnh dần, lần sau mạnh hơn lần trước, trong lòng đất phát ra tiếng nổ gây chấn động rung lắc mạnh.

Trước tình hình này, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông Nguyễn Văn Lân đã có công văn gửi chủ đầu tư yêu cầu giải trình về việc rung chấn xảy ra trên khu vực lòng hồ một cách khoa học để tuyên truyền giải thích cho người dân an tâm sinh hoạt sản xuất. UBND huyện Kon Plông cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, vì nó không chỉ ảnh hưởng đến công trình thuỷ điện mà còn ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân sống trong vùng khu vực lòng hồ thuỷ điện.

Thuỷ điện bảo do nổ mìn, chính quyền bảo không!

Theo văn bản phúc đáp về vấn đề này của Công ty cổ phẩn thuỷ điện Đăk Đring (DHC) do ông Đặng Hữu Thắng -Phó giám đốc DHC trả lời thì các đợt rung chấn nhỏ hơn động đất cơ sở vận hành theo thiết kế. Nếu xảy ra động đất theo thiết kế tính toán ứng với xác suất vượt quá 10% trong vòng 50 năm (ứng với chu kỳ lặp lại 475 năm) là cấp 5 và gia tốc amax=25.81 cm/s2 thì vẫn không ảnh hưởng đến công trình và đời sống người dân khu vực dự án. Hiện tượng rung chấn sẽ giảm dần theo thời gian và chấm dứt khi ứng suất nền khu vực lòng hồ ổn định sau nửa năm tích nước.

Thế nhưng thời gian 6 tháng đã qua, dù tầng suất có thưa hơn nhưng trên lòng hồ đã xảy ra nổ, rung chấn lớn hơn. Như vậy, liệu có an toàn như DHC đã nói.

img

Cũng trong văn bản phúc đáp, DHC cho rằng có những lần rung chấn là do dân đánh mìn bắt cá ở lòng hồ. Điều này, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, ông Nguyễn Văn Lân không đồng tình. Ông Lân khẳng định: Không có chuyện nổ mìn trên khu vực lòng hồ thủy điện.

Cũng khẳng định điều đó, ông Nguyễn Thanh Lợi - Chủ tịch UBND xã Đăk Nên nói: Từ khi thuỷ điện tích nước đến nay, chính quyền thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn xã nên việc chủ đầu tư bảo hiện tượng rung chấn, tiếng nổ bất thường do đánh mìn là không chính xác. Bởi không có người dân nào của xã đánh mìn trên khu vực lòng hồ thuỷ điện.

Ông A Phương (44 tuổi), trú lại thôn Xô Thác, xã Đăk Nên cho biết: “Không hề có chuyện người dân xã Đăk Nên đánh mìn. Vì làm gì có thuốc nổ để đánh cá, thuốc nổ bị Nhà nước cấm mà”.

Trước hiện tượng rung chấn, người dân khu vực lòng hồ thuỷ điện Đăk Đring của xã Đăk Nên rất cần một giải thích khoa học từ các chuyên gia. Cơ quan chuyên môn cần vào cuộc để tìm hiểu và cho người dân một câu trả lời xác đáng để họ  yên tâm, ổn định cuộc sống.

Văn Tư - Phúc Nguyên

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.