Giao thông

Chủ động bịt “lỗ hổng” an toàn để chống khủng bố, cướp biển

29/12/2017, 07:51

Cục Hàng hải VN đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống khủng bố, rà soát việc thực hiện các văn bản quy phạm...

8

Tàu Giang Hải bị cướp biển tấn công

Cục Hàng hải VN đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống khủng bố, rà soát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn, an ninh hàng hải của các đơn vị và triển khai tháng cao điểm về ATGT hàng hải để chống khủng bố và cướp biển.

Nguy cơ cướp biển ngày càng nóng

Theo báo cáo của Ban Thư ký Hiệp định Hợp tác khu vực về chống trộm cắp có vũ trang tấn cống tàu thuyền ở châu Á (ReCAAP), hoạt động của cướp biển trên khu vực có xu hướng gia tăng. Từ đầu năm 2016 đến nay, tại đây đã có 6 vụ cướp biển bắt cóc thuyền viên (trong đó, có 2 tàu của Việt Nam là Royal 16 và Giang Hải). Hoạt động này chủ yếu diễn ra ở khu vực biển phía Nam Philippines, nơi giáp ranh với vùng biển Malaysia.

Có thể kể đến vụ việc xảy ra ngày 11/11/2016, tàu Royal 16 (thuộc đơn vị khai thác tàu là Công ty CP Hàng hải Hoàng Gia) cùng 19 thủy thủ trong khi chở 3.000 tấn xi măng từ Quảng Ninh (Việt Nam) đi Indonesia đã bất ngờ bị toán cướp biển hơn 10 người thuộc nhóm Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf xả súng tấn công, đập phá tàu, cướp tài sản và bắt giữ 6 thuyền viên trên tàu làm con tin tại vị trí cách đảo Basilan, Philippines khoảng 10 hải lý về phía Tây Tây Nam. Ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc, Cục Hàng hải VN nhanh chóng xác minh, thông báo cho ReCAAP và Trung tâm Thông tin cướp biển của Cục Hàng hải quốc tế (IMB-PRC), đồng thời, thông báo cho Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đề nghị hỗ trợ.

"Cùng với tổ chức các hội nghị tập huấn, diễn tập cụ thể, Cục Hàng hải VN sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ, đầu tư các trang thiết bị giám sát hành trình, nhận dạng tự động và VTS để giám sát theo dõi tàu, thuyền hoạt động trong vùng biển VN và tàu thuyền VN hoạt động trên thế giới nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp nghi vấn."

Cục trưởng Cục Hàng hải VN
Nguyễn Xuân Sang

Tiếp đó, ngày 19/2/2017, tàu Giang Hải thuộc Công ty CP Vận tải biển Quốc tế (Hải Phòng), trên hành trình chở xi măng từ Indonesia đến Philippines, khi đến gần đảo Sulu (Philippines) thì bị cướp biển có vũ trang tấn công, bắt cóc 7 thuyền viên, đập phá nhiều thiết bị và thả trôi tàu.

Sau vụ việc, Cục Hàng hải VN đã phát cảnh báo các tàu Việt Nam qua lại khu vực biển Philippines về tình hình cướp biển, ban hành kế hoạch nâng cao công tác đảm bảo an ninh tàu biển, phòng chống cướp biển, cướp có vũ trang tấn công tàu biển Việt Nam hoạt động tại khu vực biển Sulu - Celebes (Nam Philippines) và vùng biển phía Đông đảo Sabah (Malaysia). Đến nay, đã có 3 thuyền viên tàu Giang Hải trở về bình an.

Tháng 8/2017, Cục Hàng hải VN đã tổ chức buổi diễn tập phòng chống khủng bố tại cảng Tiên Sa, TP Đà Nẵng. Cùng đó, Cục cũng phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam và Cơ quan Phòng vệ bờ biển Mỹ tổ chức 3 lớp tập huấn về công tác phòng chống khủng bố, an ninh cảng biển cho các cán bộ làm công tác an ninh của các cảng, bến cảng và các cảng vụ hàng hải tại: TP.HCM, Vũng Tàu và Hải Phòng; Đồng thời, phối hợp với Cục Đăng kiểm VN tổ chức các hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn các chủ tàu, công ty quản lý khai thác tàu biển tăng cường các biện pháp phòng tránh cướp biển, cập nhật thường xuyên các điểm nóng có mức độ nguy hiểm cao để các chủ tàu và thuyền viên chủ động lên phương án ứng phó khi cần thiết.

Chủ động nhận diện yếu điểm để ngăn ngừa

Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, thời gian qua, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, diễn tập, huấn luyện đến tận cơ sở và các bến cảng trọng điểm, an ninh hàng hải có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít tồn tại, nếu không kiểm soát và khắc phục tốt sẽ trở thành “lỗ hổng” để các đối tượng lợi dụng tiến hành cướp hoặc khủng bố như: Mật độ phương tiện thủy nội địa và tàu cá ra vào vùng nước cảng biển, hoạt động ven biển, trên biển ngày càng dày đặc.

Trong khi đó, hầu hết các cảng biển Việt Nam chưa có máy soi quét, kiểm soát người ra vào cảng, máy soi chiếu phát hiện vũ khí, thuốc nổ. Các cơ quan quản lý an ninh còn nhiều hạn chế về phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tuần tra, giám sát bảo đảm an ninh hàng hải trong vùng nước cảng biển.

“Ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông hàng hải của người điều khiển phương tiện hoạt động ven biển, trên biển còn thấp. Do ít được đào tạo, huấn luyện các kiến thức cơ bản về an toàn hàng hải dẫn đến nguy cơ có thể bị các đối tượng xấu lợi dụng, biến thành “mắt xích” từ bên trong để phục vụ chúng thực hiện hành vi khủng bố tại các cầu cảng, bến cảng gây thiệt hại kinh tế nặng nề và áp lực đối với cơ quan quản lý, ảnh hưởng đến uy tín của ngành Hàng hải quốc gia”, ông Sang nói.

Cũng theo ông Sang, Cục Hàng hải VN đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống khủng bố, rà soát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn, an ninh hàng hải của các đơn vị. Thời gian tới, cục sẽ tăng cường triển khai tháng cao điểm về ATGT hàng hải, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh hàng hải, nâng cao ý thức phòng chống khủng bố cho các cá nhân và đơn vị liên quan; tăng cường diễn tập, huấn luyện cho cán bộ an ninh các doanh nghiệp cảng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.