Đường bộ

Chủ động nhận diện nguy cơ, ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực trong ngành GTVT

10/10/2022, 19:28

Ban cán sự Đảng Bộ GTVT đề ra 6 nhóm giải pháp quan trọng để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực giao thông.

Ban cán sự Đảng Bộ GTVT vừa ban hành Nghị quyết 50 về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

img

Chú trọng công tác quản lý chất lượng công trình, công tác đấu thầu và thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ bản, chú trọng các dự án trọng điểm quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Ban cán sự Đảng Bộ GTVT yêu cầu nhằm ngăn ngừa tiêu cực, nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng - Ảnh minh họa

Nghị quyết nêu rõ: thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn được Ban Cán sự đảng, Ban Thường vụ Đảng uỷ Bộ, Lãnh đạo Bộ, Ban Chỉ đạo phối hợp công tác phòng, chống tham nhũng Bộ GTVT quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.

Nhất là từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã được nâng lên; thể chế quản lý từng bước được hoàn thiện; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý và phối hợp xử lý các vi phạm trong ngành được thực hiện quyết liệt.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu đơn vị có lúc, có nơi chưa thực sự quyết liệt, chưa thực hiện hết trách nhiệm; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực GTVT chưa thật đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ,...

Xác định công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa lâu dài, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, thường xuyên, liên tục với những bước đi vững chắc, lấy phòng ngừa là chính, lâu dài, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực là quan trọng, cấp bách, 6 nhiệm vụ trọng tâm đã được Ban cán sự Đảng Bộ GTVT yêu cầu thực hiện trong thời gian tới.

Thứ nhất, tiếp tục phổ biến, quán triệt để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng thống tham nhũng, tiêu cực; Chủ động cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là những vấn đề nóng của Ngành được dư luận xã hội quan tâm. Tích cực tuyên truyền gương tốt, việc tốt, bảo vệ người dám đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Thứ hai, tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục các sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường công tác quản lý trong các lĩnh vực GTVT; ban hành các nội quy, quy định nội bộ nhất là các quy định về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm soát quyền lực.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực nhất là quy định công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong tổ chức, hoạt động; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành; thực hiện chuyển đổi số, hoàn thiện kết nối các cơ sở dữ liệu dùng chung trong các lĩnh vực GTVT.

Phải tiếp tục chủ động nhận diện các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa, xây dựng các giải pháp, biện pháp cụ thể nhằm phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Đặc biệt tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình, công tác đấu thầu và thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ bản, chú trọng các dự án trọng điểm quốc gia (Dự án đầu tư xây dựng Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành…).

Thứ tư, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán nội bộ phải được tiến hành thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm và công khai; Tăng cường công tác kiểm tra ngay từ giai đoạn bắt đầu triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt đối với những dự án trọng điểm của Ngành trong thời gian tới; đẩy mạnh công tác theo dõi, đôn đốc và xử lý sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Thứ năm, phải kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Bộ GTVT để nâng cao địa vị chính trị, pháp lý, thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo. Các đơn vị, doanh nghiệp, cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nhiệm vụ cuối cùng là các cơ quan thanh tra, kiểm tra, uỷ ban kiểm tra cấp uỷ các cấp thường xuyên phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các đơn vị, doanh nghiệp; Tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông để thu thập thông tin, nắm bắt các vấn đề dư luận xã hội phản ánh để có các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Thanh tra Bộ GTVT cho hay, cụ thể hóa định hướng của Nghị quyết 50 của Ban cán sự Đảng Bộ GTVT, các đơn vị cần phải tự nhận diện trong lĩnh vực phụ trách, nội dung nào dễ xảy ra nguy cơ tham nhũng, tiêu cực để xây dựng quy định, quy chế nội bộ tự kiểm soát lẫn nhau.

Công tác thanh tra, kiểm tra cũng cần phải tăng cường để phòng ngừa nguy cơ tham nhũng, tiêu cực từ xa, từ sớm. Ví dụ, đối với công trình trọng điểm quốc gia, các đơn vị liên quan như: Cục Đường bộ, Cục Quản lý Đầu tư xây dựng phải đẩy mạnh việc kiểm tra để cảnh báo, kịp thời chấn chỉnh, tránh để xảy ra tiêu cực.

"Lực lượng Thanh tra sẽ căn cứ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình để thực hiện công tác kiểm tra ngay từ thời gian đầu triển khai dự án, đảm bảo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả cao nhất”, lãnh đạo Thanh tra Bộ GTVT chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.