Tài chính

Chủ mầm non tư thục “ngắc ngoải” tìm lối ra

12/06/2021, 06:06

Hơn 1 năm với 4 lần dịch Covid-19 hoành hành, hàng loạt chủ cơ sở mầm non tư thục gục ngã, ồ ạt rao bán, sang nhượng.

img

Trường mầm non quốc tế Dream Boat vừa chốt xong thương vụ sang nhượng 8 tỷ đồng thì phải đóng cửa vì dịch Covid-19 lần thứ 4 ập tới

Hơn 1 năm với 4 lần dịch Covid-19 hoành hành, hàng loạt chủ cơ sở mầm non tư thục gục ngã, ồ ạt rao bán, sang nhượng. Ngược lại, cũng có chủ đầu tư coi đây là cơ hội để bật dậy.

“Không thể cố được nữa rồi…”

Đó là tâm sự của chị N.P.L, chủ một cơ sở mầm non tư thục gần Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội), sau gần 2 năm gắng gượng khi phải đối mặt với dịch Covid-19.

Cuối năm 2019, sau khi cảm thấy mình đã có đủ kinh nghiệm, chị L. quyết định gom hết tiền dành dụm cộng thêm vay ngân hàng, thuê tòa nhà 5 tầng mở trường mầm non tư thục cỡ nhỏ.

“Bao tâm huyết dồn vào, cứ ngỡ địa điểm tiềm năng, công nhân gửi con theo học nhiều sẽ nhanh chóng trả nợ ngân hàng thì đùng một cái, dịch bùng phát, đợt này nối tiếp đợt kia. Công nhân gửi con về quê nên lượng học sinh cứ hao hụt dần và đến trận dịch thứ 4 này thì tôi gục hẳn, không thể cố được nữa. Tiền nhà phải nợ, chỉ riêng lo mấy chục triệu đồng trả lương cho giáo viên cũng đủ cơ cực”, chị L. kể

Trong số 600 triệu đồng đầu tư tới nay, thì có tới phân nửa chị L. phải vay ngân hàng. Cạn vốn, giữa tháng 5 vừa qua, chị quyết định sang nhượng lại cơ sở với giá 100 triệu đồng.

“Thời buổi khó khăn, chỉ mong chuyển lại cho người yêu nghề, phần mình gỡ lại chút ít để trả ngân hàng được đồng nào hay đồng đó. Thế nhưng rao hơn nửa tháng nay vẫn chưa chốt được. Thêm vài ngày nữa chắc phải tính tới phương án phá ra thanh lý đồ…”, chị L. chia sẻ.

Trường hợp của chị L. không phải là cá biệt khi thời gian qua trên khắp các diễn đàn dành cho các chủ trường mầm non tư thục, thông tin rao bán, sang nhượng trường ngày càng nhiều.

Lên Google, chỉ cần gõ từ khóa “sang nhượng trường mầm non” trong vài giây đã cho ra 500.000 kết quả. Đa số lý do đều là vì chủ trường không còn khả năng chi trả các khoản cố định như thuê mặt bằng, hỗ trợ lương giáo viên khi không có nguồn thu...

Đáng nói, những trường đầu tư càng lớn thì nguy cơ phải sang nhượng hay giải thể càng cao. Thậm chí giá sang nhượng cộng tiền thuê mặt bằng cao chót vót lại càng là yếu tố bất lợi.

Đơn cử Trường mầm non quốc tế Dream Boat với cơ sở hoành tráng trên mặt đường Lê Văn Lương (Hà Nội) cũng đã phải rao bán với giá 8 tỷ đồng từ cuối năm 2020. Mặc dù mức này rẻ hơn khoảng 1 tỷ đồng so với trước khi xảy ra dịch Covid-19 nhưng tiền thuê mặt bằng hơn 200 triệu đồng/tháng lại chính là rào cản để các chủ đầu tư mới quyết xuống tiền.

Mãi tới đầu tháng 4/2021 khi tình hình dịch dã có vẻ “yên ắng” thì bà Nguyễn Trà, đồng sáng lập Hệ thống trường Leodevinci tại Hà Nội, mới chốt xuống tiền để sáp nhập.

“Ngày đầu tiếp quản, số học sinh chỉ còn khoảng 50 cháu, sau đó cứ rơi rụng dần xuống còn khoảng 30, trong khi để đảm bảo hòa vốn, ít nhất phải có 100 học sinh theo học mới mong có lợi nhuận. Thế nhưng chưa kịp setup thay đổi thì dịch lại ập về lần nữa, chấp nhận đóng cửa”, bà Trà chia sẻ.

Khó chồng khó

Mới thành lập từ cuối 2020, hệ thống trường Leodevinci tại Hà Nội hiện đã sáp nhập 5 trường mầm non với tổng mức đầu tư khoảng 30 tỷ đồng.

Trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19 lần thứ 4, hệ thống có khoảng 700 học sinh và hơn 100 giáo viên. Theo tính toán của chủ hệ thống nếu hoạt động bình thường, doanh thu có thể đạt từ 30 - 35 tỷ đồng/năm. Do đó, hệ thống đặt mục tiêu tới năm 2022 sẽ phát triển lên 20 trường mầm non chuẩn quốc tế và tới 2023 sẽ mở một trường liên cấp.

“Kế hoạch, chiến lược 5 năm đã vạch ra, các đối tác giáo dục từ Mỹ và Phần Lan đã đàm phán xong… thì tới thời điểm này, tất cả buộc phải đình lại”, bà Nguyễn Trà cho biết.

Hơn 5 tháng qua, hệ thống trường phải lay lắt duy trì trong tình cảnh học sinh đi học “tắc bụp”, không ít trẻ chuyển sang trường công vì điều kiện gia đình không đủ khả năng theo học…

“Lượng học sinh giảm sút nghiêm trọng, trường lại phải đóng cửa liên tục vì dịch. Nguồn thu không có trong khi riêng tiền thuê mặt bằng đã phải mất hơn 1 tỷ đồng/tháng, lương giáo viên khoảng 600 triệu đồng/tháng, chưa kể hàng loạt chi phí phát sinh khác…”, bà Trà cho hay.

Theo bà Trà, không giống các cấp học khác, đặc thù giáo dục lứa tuổi mầm non tại Việt Nam thuộc diện không bắt buộc, do đó rất khó tổ chức học online để thu phí trong mùa dịch.

Không chỉ gánh nặng tài chính đè lên vai, việc giữ chân nhân sự, làm sao duy trì tinh thần cho giáo viên cứng trong khi không có nguồn thu cũng là bài toán đau đầu của chủ đầu tư.

“Bị cắt giảm lương chưa biết bao giờ mới hồi phục, đời sống bấp bênh khiến cho tinh thần của giáo viên bị tụt dốc, nhiều người muốn bỏ nghề chuyển việc… Những khó khăn cộng lại dồn dập tới cùng một lúc, kiểu như “người đã ốm lại hết tiền, vào bệnh viện lại hết chỗ”. Nếu không trường vốn, cộng với tinh thần thép thì khó có thể trụ được’, bà Trà chia sẻ.

Cuộc chạy đua tránh đào thải

Nhìn lại bài học từ các trường mầm non tư thục rao bán, sang nhượng, bà Trà cho hay: “Từ trước tới nay, hầu hết các chủ trường mầm non đều xuất phát từ nhà giáo đi lên, thiếu tư duy quản trị, kỹ năng phân bổ tài chính, có gì làm nấy, làm theo bản năng, tới khi không còn đủ sức trụ phải bán sang nhượng. Chính vì vậy, muốn tồn tại phải có tầm nhìn chiến lược rõ ràng, sự khác biệt tạo ra thế mạnh, ngược lại sẽ bị thâu tóm, sáp nhập. Suy cho cùng, dịch Covid-19 chính là chất xúc tác để cuộc đào thải diễn ra nhanh hơn”.

Với tư duy “không nên nhìn vào con số bao nhiêu người đã chết mà hãy nhìn vào số người đang sống”, đầu tháng 5, bà Trà nhanh chóng mở Công ty CP Leo de Vinci - Global bao gồm giám đốc điều hành đi kèm các bộ phận về tài chính, đào tạo, marketting và quản lý chất lượng độc lập, nhằm kiểm soát toàn bộ hoạt động tại các điểm trường.

“Sau 1,5 năm dính Covid-19, nhiều trường không có chiến lược rõ ràng, giáo viên không được chuẩn hóa vật vờ với cách quản trị cũ, dạy cũ… Chính vì vậy, chúng tôi coi dịp nghỉ dịch là cơ hội để tái cơ cấu bằng cách tập huấn cho các điểm trường theo chuẩn về quy trình quản trị, kỹ năng phương pháp giảng dạy và cả thái độ đối với công việc của giáo viên”, nữ doanh nhân bày tỏ.

Nói đi đôi với làm, chỉ trong thời gian ngắn, Leo de Vinci - Global tiếp tục bỏ vốn mua bản quyền chương trình độc quyền theo khung chuẩn châu Âu, thuê nhóm chuyên gia viết chương trình giảng dạy cho phù hợp với trong nước, triển khai đào tạo online giáo viên phương pháp dạy chuẩn hóa đầu ra cho học sinh.

Song song với đó, hệ thống trường cho ra mắt câu lạc bộ làm cha mẹ thời 4.0, giúp phụ huynh thay đổi tư duy chăm sóc, dạy dỗ con, vừa gia tăng tính lan tỏa, duy trì thiết lập mối quan hệ với nhà trường.

“Trường đóng cửa nhưng bộ phận đào tạo vẫn phải làm việc hết công suất 24/7. Tới thời điểm này, giáo viên không những không xin nghỉ việc mà còn tham gia đều đặn các buổi đào tạo online. Cùng với đó, kế hoạch tuyển sinh sau mùa dịch cũng đã được triển khai. Chính vì thế, dù trường đang đóng cửa nhưng vẫn có phụ huynh gọi điện để đăng ký nhập học cho con sau khi hết dịch’, bà Trà chia sẻ.

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có trên 15.000 trường mầm non, trong đó số trường công lập chiếm 79,4%, số trường ngoài công lập chiếm 20,6%.

Tuy nhiên, con số trường ngoài công lập đã bị suy giảm ngay trong năm học 2019 - 2020, khi cả nước có 29 trường mầm non tư thục và 244 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục dừng hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.