Xã hội

Chủ phương tiện vận tải phải kiểm tra nồng độ cồn lái xe trước khi xuất bến

16/10/2019, 13:08

Trong tương lai có thể yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp phải có thiết bị thổi nồng độ cồn trước khi lái xe xuất bến.

img
Luật phòng chống tác hại rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020

Đó là một trong những điểm mới của Luật Phòng chống tác hại của rượu được bà Trần Thị Trang, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Y tế thông tin tại Hội nghị triển khai luật này tổ chức sáng nay 16/10, tại Hà Nội.

Bà Trang thông tin một số điểm mới khác trong Luật như: Cấm người lao động sử dụng rượu bia trong giờ làm việc cũng như giờ nghỉ trưa; Chủ kinh doanh vận tải cần có biện pháp để ngăn ngừa, ngăn chặn người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông. Trong tương lai có thể yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp phải có thiết bị thổi nồng độ cồn trước khi lái xe xuất bến...

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, để đưa ra được luật Phòng chống tác hại của rượu, bia Bộ Y tế đã mất 7 năm chuẩn bị.

Theo bà Tiến, không phải ai cũng nhận thức được tác hại của rượu bia với sức khỏe. Rượu bia gây nhiều tác hại, tác hại trước mắt là vấn đề tai nạn giao thông, rồi tác động đến văn minh xã hội, bạo lực gia đình, không ít trường hợp “rượu vào lời ra” gây xô xát, cãi nhau, nhức nhối nạn xâm hại – nhất là xâm hại trẻ em. Đây cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch… Các bệnh không lây nhiễm chiếm đến 73% nguyên nhân tử vong các loại.

Bà Tiến cho rằng, đây là một trong những luật khó làm vì có tính xung đột lợi ích, giữa nhà làm luật và các đối tác khác. Tuy nhiên, Luật được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 6 vừa rồi và có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

“Làm sao để người dân tin uống rượu bia hại sức khỏe trong khi nhiều người vẫn cho rằng uống rượu bia được xem là văn hóa. Ai sẽ là người đi kiểm tra giám sát những hành vi bị cấm trong luật? Triển khai luật như thế nào là cái khó nhất. Cần hành động thực tiễn nếu không luật chỉ trên giấy tờ”, bà Tiến nhấn mạnh.

­Cùng quan điểm, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Trần Thị Trang cũng cho rằng đây là dự án luật rất khó trong việc xây dựng, triển khai còn khó hơn rất nhiều.

So với thế giới, mức tiêu thụ rượu bia, tỷ lệ sử dụng rượu bia, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở mức có hại ở Việt khá cao. Bình quân nam giới Việt Nam trong một năm tiêu thụ 27,4 lít cồn nguyên chất, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 29 thế giới. Tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng rượu bia cũng ở mức báo động.

Mặc dù nguồn lợi kinh tế thu được từ ngành hàng này rất cao 50.000 tỷ đồng/năm nhưng tổn thất về kinh tế do rượu bia cũng chiếm đến 1% GDP. Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu bia đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và còn là nguyên nhân của nhiều bệnh không lây nhiễm nguy hiểm khác.

Để hiện thực hóa Luật Phòng chống tác hại rượu, bia, theo bà Trang vấn đề được ưu tiên là giáo dục và truyền thông. Mục đích giảm tính sẵn có của rượu bia để phòng ngừa trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, phụ nữ mang thai tiếp cận với rượu bia.

Bên cạnh đó việc quản lý sản xuất rượu bia ở các cơ sở thủ công, hộ gia đình rất khó. Hiện trách nhiệm này được giao cho chính quyền địa phương.

“Để hiện thức hóa Luật phòng chống tác hại rượu, bia cần sự vào cuộc của nhiều bộ ngành, xã hội”, bà Trang nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.