Thời sự

Chủ quyền trên biển Đông đang bị thách thức nghiêm trọng

21/01/2016, 08:23

Ông Nguyễn Thế Kỷ đã trao đổi với báo chí về việc bảo vệ chủ quyền trong tình hình mới.

3
Ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương

Thưa ông, lần đầu tiên bảo vệ Tổ quốc là thành tố trong chủ đề Đại hội Đảng, vì sao vậy?

Việc bảo vệ chủ quyền trên biển Đông đặt ra những thách thức rất mới, buộc chúng ta phải xác định chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới một cách tích cực, chủ động. Ví dụ, chủ quyền của chúng ta trên biển Đông đang bị thách thức nghiêm trọng, nước ngoài đã xây những đảo nhân tạo, sân bay, đưa cả máy bay dân dụng ra và tới đây chắc chắn sẽ từng bước quân sự hóa những đảo chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa của chúng ta.

Chúng ta sẽ phải giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Sự phản ứng là cần thiết, nhưng chúng ta phải cân nhắc mức độ, liều lượng, không thể vì bức xúc mà thiếu kiểm soát. Thay vào đó, phải bằng các giải pháp ngoại giao, giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế đặc biệt là công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và thỏa thuận về Nguyên tắc Ứng xử các bên ở biển Đông (DOC). Chúng ta cũng phải tranh thủ sự vào cuộc mạnh mẽ của dư luận quốc tế, để có đối sách hợp lý và tạo áp lực để những nước vi phạm luật quốc tế phải điều chỉnh.

Thưa ông, giàn khoan Haiyang Shiyou 981 đang ở biển Đông. Hành động của chúng ta là gì?

Chúng ta phải làm sao mà vừa đấu tranh với những hành động sai trái, nhưng cũng phải đoàn kết quốc tế, ngay cả đoàn kết với nhân dân Trung Quốc để đấu tranh với hành động sai trái. Trong nước cũng phải tuyên truyền làm sao để người dân hiểu đối sách của Đảng, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, báo chí cũng phải tuân thủ sự chỉ đạo của cơ quan chức năng. Năm 2014, khi phản đối giàn khoan Haiyang Shiyou 981, một số người đã xuống đường đập phá. Nhưng điều đó chỉ làm chúng ta mất nhiều hơn cả về kinh tế và uy tín.

Quan điểm của chúng ta là giải quyết tất cả việc đó bằng luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên quyết phản đối giải quyết tranh chấp bằng biện pháp quân sự.

Cảm ơn ông!

Rùa Hồ Gươm chết: Không nên suy diễn

Liên quan đến vấn đề cạnh tranh thông tin giữa các cơ quan báo chí cũng như với mạng xã hội, ông Kỷ cho rằng, báo chí cần nhanh, nhưng phải đầy đủ, chính xác, có trách nhiệm, không nên theo đồn đoán, suy diễn. Ông Kỷ lấy ví dụ việc xử lý thông tin rùa Hồ Gươm chết chiều 19/1. Với người Việt, cụ rùa Hồ Gươm là biểu tượng thiêng liêng nghìn năm nay, đặc biệt là truyền thuyết về trao trả gươm báu sau khi vua Lê đánh tan quân xâm lược thể hiện hòa hiếu, hòa bình của Việt Nam. Sự ra đi đó là một tổn thất, mặc dù theo quy luật của con người hay động, thực vật, đều có sinh lão bệnh tử, chuyện đó là bình thường. Song một số thông tin trên mạng cho rằng, hình như có sự ngăn cấm thông tin. “Tôi xin khẳng định, không ai ngăn cấm cả. Vấn đề là chúng ta đưa tin thế nào. Tôi cho rằng, những việc như thế này báo chí cần phải thông tin có trách nhiệm, ngay cả mạng xã hội không nên suy diễn, đồn đoán, làm cho dư luận, công chúng lo lắng”, ông Kỷ nhấn mạnh.

Thảo Nguyên

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.