Thế giới giao thông

Chủ tàu Ever Given tiết lộ bằng chứng tố ban quản lý Suez khiến tàu mắc cạn

23/05/2021, 17:57

Chủ tàu Ever Given tố ngược ban quản lý kênh đào Suez là nguyên nhân khiến siêu tàu bị mắc kẹt và chỉ trích họ giam giữ tàu vô lý.

img

Phía Shoei Kisen cho rằng công việc cứu hộ tàu của ban quản lý kênh đào Suez là trách nhiệm, không nên đòi bồi thường

Ngày 23/5, theo giờ VN, hãng Guardian đưa tin, phòng kháng án thuộc toà án kinh tế Ismailia của Ai Cập đã bắt đầu phiên điều trần liên quan tới đơn kháng cáo của công ty Shoei Kisen, chủ sở hữu siêu tàu container Ever Given về việc Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) giam giữ tàu bất hợp pháp và đòi bồi thường vô lý.

Trong phiên điều trần, ông Ahmed Abu Ali, một luật sư trong đội pháp lý đại diện Shoei Kisen cho rằng, SCA đã phạm lỗi khi cho phép siêu tàu container vào kênh đào giữa thời tiết xấu và cơ quan này không chứng minh được lỗi do tàu container khi phương tiện khổng lồ này bị mắc cạn chắn ngang kênh đào gây tắc nghẽn 6 ngày.

Những thông tin kỹ thuật ghi lại trên tàu được trình lên toà án cho thấy, thời điểm xảy ra vụ việc hôm 23/3, giữa hoa tiêu của SCA và trung tâm kiểm soát kênh đào đã xảy ra bất đồng khi quyết định có cho tàu vào kênh hay không, theo ông Abu Ali.

Luật sư đại diện tập đoàn Nhật Shoei Kisen khẳng định, với kích thước của Ever Given, đáng lẽ tàu này phải được ít nhất 2 tàu lai dắt dẫn đường nhưng thực tế lại không.

Các đại diện pháp lý cũng tranh luận rằng, hành động SCA bắt giữ tàu Ever Given là vi phạm pháp luật.

Còn việc ban quản lý kênh đào giải cứu tàu khi mắc cạn là phù hợp với luật pháp nên SCA không thể đòi bồi thường cho hoạt động đó. “Đây là trách nhiệm của cảng theo hợp đồng”, ông Abu Ali nói.

Phía Shoei Kisen đề nghị SCA bồi thường 100.000 USD cho những tổn thất liên quan tới việc tàu Ever Given bị giam giữ hơn 1 tháng qua.

Phía SCA chưa bình luận về thông tin trên nhưng từng công khai khẳng định họ không có lỗi trong vụ tàu container mắc cạn hồi cuối tháng 3.

SCA ban đầu yêu cầu công ty Nhật phải bồi thường lên tới 916,5 triệu USD vì tổn thất với cảng, tiền giải cứu tàu… sau đó giảm còn khoảng 600 triệu USD.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.