Xã hội

Chủ tịch Cần Thơ chỉ đạo khẩn đối phó với triều cường

30/09/2019, 22:16

Dự báo ngày 1/10, triều cường tại Cần Thơ tiếp tục dâng cao hơn mức báo động 3.

img
Nút giao IC3 chìm trong nước, giao thông ùn tắc

Ngày 30/9, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh đã có công văn yêu cầu các Sở, ban ngành TP, Chủ tịch UBND quận, huyện khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó với triều cường.

Theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Đài khí tượng thủy văn TP Cần Thơ nhận định, mực nước đỉnh triều trên các sông rạch tại TP Cần Thơ tiếp tục lên và đạt đỉnh trong các ngày 30/9 và ngày 1/10 (nhằm ngày 02 - 03 tháng 9 âm lịch), đỉnh triều cao nhất tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu đo được sáng 30/9 đạt mức 2,25m, cao hơn mức báo động III từ 0,25 đến 0,30m. Thời gian xuất hiện mực nước đỉnh triều hàng ngày vào lúc sáng sớm từ 6h - 8h và chiều tối lúc 17h - 19h. Đây là đợt triều cường cao trong năm.

Do đó, để chủ động phòng ngừa, ứng phó với diễn biến của triều cường; đảm bảo an toàn về người, tài sản và đời sống sinh hoạt của nhân dân, Chủ tịch UBND TP giao Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ động làm việc với Đài khí tượng thủy văn cần phải có dự báo sớm, kịp thời, chính xác mực nước đỉnh triều để tham mưu UBND TP các giải pháp cụ thể kịp thời ứng phó với triều cường, không để bị động; tổ chức kiểm tra, rà soát các tuyến bờ bao, đê bao, huy động lực lượng, phương tiện, vật tư tập trung gia cố, chống tràn, bảo vệ các tuyến đê bao, bờ bao trọng điểm, đảm bảo an toàn cho dân cư trong trường hợp các tuyến bờ bao, đê bao bị tràn, vỡ,…; Rà soát các khu dân cư, trường học ven sông, ven kênh rạch và tại các khu vực ngập lụt để có các biện pháp cần thiết bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, tổ chức sơ tán, di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập sâu.

Sở Xây dựng tăng cường công tác kiểm tra việc thi công các công trình xây dựng trong đô thị hạn chế tối đa việc đắp đập ngăn dòng thoát nước làm ảnh hưởng đến việc thoát nước. Đồng thời, đảm bảo an toàn công trình khi có tình hình mưa, lũ xảy ra, hạn chế ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân. Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện duy tu, bảo trì hệ thống thoát nước, vận hành van ngăn triều, hệ thống chiếu sáng, cây xanh, công viên trên địa bàn đô thị, đặc biệt là các tuyến đường, khu vực có nguy cơ ngập cao để việc tiêu, thoát nước diễn ra nhanh nhất, giảm thời gian ngập, nghẹt khi xảy ra mưa lớn, nước triều cao, đảm bảo an toàn cho người, công trình xây dựng và hạ tầng kỹ thuật.

Chủ tịch UBND TP cũng giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với UBND quận, huyện khẩn trương khắc phục nhanh sự cố sạt lở trên các tuyến giao thông. Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực trọng điểm, xung yếu có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố.

img
Lực lượng cảnh sát giao thông phân luồng điều tiết phương tiện

Giám đốc Công an TP tăng cường lực lượng, phương tiện để phân luồng, chủ động phương án khắc phục sự cố giao thông và đảm bảo tuyệt đối an toàn đối với người, phương tiện qua lại tại những điểm do triều cường dâng cao trên địa bàn TP.

img
Đường Nguyễn Văn Cừ nối dài nước ngập sâu hơn nửa bánh xe.

Đồng thời, Chủ tịch UBND các quận, huyện phải kiểm tra, rà soát các tuyến bờ bao, đê bao ven sông, làm tốt công tác hộ đê đảm bảo an toàn cho các khu dân cư và vùng sản xuất trong đê bao. Huy động tối đa các nguồn lực theo phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng, hậu cần, phương tiện, vật tư) để xử lý ngay khi có sự cố xảy ra, đặc biệt cần tập trung bảo vệ các khu vực trọng điểm, xung yếu như các cồn, ven sông, ngoài đê, các tuyến đê bao vườn cây ăn trái, khu nuôi thủy sản, khu vực đã và đang có nguy cơ sạt lở… không để xảy ra tình trạng vỡ đê bao.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.