Xã hội

Chủ tịch Công ty điện gió tráo người cách ly thay bị xử lý thế nào?

10/03/2020, 08:12

Hành vi "đánh tráo" người khác đi cách ly y tế thay mình có thể bị phạt tù tới 12 năm nếu như hành vi đó khiến lây lan dịch bệnh.

img
Trung tâm cách ly Bệnh viện chuyên khoa Lao và bệnh phổi tỉnh Quảng Trị, nơi ông Hà đang được cách ly

Liên quan đến thông tin ông Lê Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty CP điện gió Hướng Tân "đánh tráo" người đi cách ly phòng chống dịch Covid-19 thay mình, sáng 10/3, PV Báo Giao thông đã liên lạc với ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị để tìm hiểu sự việc nhưng chưa nhận được hồi âm.

Trước đó, chiều 9/3, trả lời một số tờ báo, ông Hùng phủ nhận thông tin "đánh tráo" người đi cách ly thay như một số cơ quan báo chí phản ánh.

PV cũng gọi cho ông Nguyễn Thanh Tùng, đại diện pháp luật Công ty CP Điện gió Hướng Tân qua điện thoại nhưng không thấy ông Tùng nghe máy.

Đáng chú ý, sau khi ông Hà ra trình diện và thực hiện cách ly, Công ty CP Điện gió Hướng Tân đã có văn bản “thông tin về việc làm rõ nội dung liên quan đến việc cách ly dịch Covid-19”, do ông Trịnh Hoài Thanh- Phó giám đốc Công ty ký.

Theo Công ty này, ngày 6/3, đoàn công tác của Công ty Điện gió Hướng Tân gồm các ông: Lê Thanh Hà, Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Thăng Long, Nguyễn Bá Sản có mặt trên chuyến bay VN1547 từ Hà Nội vào Huế. Các thành viên trong đoàn không biết trên chuyến bay này có hành khách nhiễm Covid-19. Cùng ngày, các thành viên trong đoàn di chuyển từ sân bay Huế bằng xe ô tô công ty và lưu trú tại một khách sạn trên địa bàn huyện Hướng Hóa.

21h ngày 8/3, tại khách sạn, có đoàn cán bộ trung tâm kiểm soát dịch bệnh Quảng Trị đến thông báo có hành khách nhiễm bệnh trên máy bay và đề nghị cách ly đoàn theo quy định.

"Đoàn công tác của công ty có đi trên chuyến bay VN1547 này đã hợp tác với cơ quan chức năng trong việc khai báo y tế và thực hiện cách ly ngay trong đêm. Ngoài 4 người trong chuyến bay, 1 người của công ty đi theo đoàn cũng chủ động khai báo và tự nguyện cách ly", thông tin từ văn bản của Công ty này cho hay.

Đặc biệt, văn bản này khẳng định “Công ty và cá nhân ông H. khẳng định đã làm đầy đủ theo các quy định và hướng dẫn, không có bất cứ biểu hiện của việc trốn tránh khai báo tình trạng y tế cá nhân cũng như cử người cách ly thay như phản ánh của cơ quan báo chí”.

Trước đó, trên chuyến bay VN1547 từ Hà Nội vào Huế ngày 6/3 cùng với nữ du khách người Anh - bệnh nhân Covid-19 thứ 30, ông Lê Thanh Hà cùng 3 người khác sau khi xuống sân bay Phú Bài không ghé Huế mà đi xe ô tô ra thẳng Quảng Trị.

Sau khi nhận thông tin và xác định 4 người này đang lưu trú tại một khách sạn ở thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), tối 8/3 lực lượng chức năng huyện Hướng Hóa phối hợp với Sở Y tế tỉnh làm thủ tục để đưa 4 người này về cách ly tại Trung tâm cách ly Bệnh viện chuyên khoa Lao và bệnh phổi tỉnh Quảng Trị.

Tuy nhiên, đến sáng 9/3, Trung tâm cách ly của tỉnh đối chiếu lại, phát hiện có 1 trường hợp không đúng họ tên trong danh sách 4 người trên.

Thượng tá Hồ Sỹ Nhung, Trưởng Công an huyện Hướng Hóa xác nhận thông tin này và cho biết, người đi cách ly thay cho ông Lê Thanh Hà là một cán bộ của công ty tên Phạm Như Hiệp.

Thời điểm trên trời tối, ai cũng bịt khẩu trang và không ai nghĩ những người thuộc diện cách ly lại không tự giác mà “đánh tráo” một người khác đi cách ly thay.

Qua làm việc với ông Hiệp, cán bộ Trung tâm cách ly của tỉnh Quảng Trị gọi điện cho ông Hà nhưng ông này không nghe máy. Sau đó, qua đấu tranh và tác động ông Hiệp cũng như 3 người đi cách ly điện cho ông Hà thì đến trưa 9/3 ông Hà đã ra trình diện và đã được đưa vào khu cách ly.

Công an huyện Hướng Hóa cho biết, trước mắt chưa thể điều tra làm rõ vụ việc vì ông Hà đang bị cách ly.

Làm lây lan dịch bệnh bị phạt tù đến 12 năm

Nhìn nhận sự việc trên góc độ pháp lý, các luật sư cho rằng hành vi nói trên hết sức nghiêm trọng, vi phạm pháp luật về phòng chống bệnh truyền nhiễm và pháp luật hình sự.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP HCM cho hay, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm nghiêm cấm hành vi cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm, không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền…

Nếu người vi phạm không bị nhiễm virus Covid 19 thì có thể bị xử lý về mặt hành chính theo Nghị định 176/2013 đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế. Mức phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng.

Nếu người vi phạm đã bị nhiễm virus Covid 19 thì có thể sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.

Ngoài ra, hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, tùy theo mức độ phạm tội, sẽ bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1 - 12 năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.