Đường sắt

Chủ tịch đường sắt: "Tôi xin nhận lỗi"

05/01/2016, 21:56

Sáng 5/1, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016.

nhan-loi
Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR Trần Ngọc Thành khẳng định nhiệm vụ của Đường sắt còn rất nặng

“Tôi xin nhận lỗi”

Tại hội nghị này, Bộ trưởng Đinh La Thăng bên cạnh biểu dương những nỗ lực cố gắng của toàn thể cán bộ, công nhân viên đường sắt, đồng thời cũng yêu cầu VNR thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo ATGT, đổi mới theo hướng hiện đại, bình đẳng thị trường... vì mục tiêu hài lòng hơn nữa của người dân và doanh nghiệp.

Tiếp thu chỉ đạo của Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR Trần Ngọc Thành khẳng định, năm qua ngành Đường sắt đã làm được nhiều việc từ mái che ke ga, hệ thống bán vé tàu điện tử tự động... Nhiều dự án hoàn thành, cổ phần hóa các đơn vị thành viên. Đến nay, chỉ còn duy nhất tổng công ty mẹ chưa cổ phần hóa.

Tuy nhiên, ông Thành cũng cho biết còn nhiều khó khăn phía trước, các cơ chế phối hợp tất cả thông qua hợp đồng kinh tế là môi trường động lực để đường sắt phát triển và cũng là một hình thức xã hội hóa.

Năm 2016, VNR thay mặt nhà nước chỉ cung cấp sức kéo, điều hành chạy tàu. Còn lại sẽ có rất nhiều công ty tham gia kinh doanh vận tải trên đường sắt. Đường sắt sẽ được xã hội hóa mạnh mẽ.

“VNR có quyết tâm, nhưng kỹ năng làm việc mới chỉ dừng ở mức độ không làm như cũ nữa. Nhưng làm mới chưa sáng tạo, chưa quyết liệt và chưa chủ động. Đây là tồn tại cần sớm được khắc phục, phải thay đổi”, ông Thành nói.

Năm 2015, VNR làm được nhiều việc, tháo được nhiều nút thắt, thể hiện quyết tâm của các cán bộ công nhân viên đường sắt. Nếu Bộ GTVT không uỷ quyền cho Hội đồng thành viên chủ động điều chỉnh kế hoạch thì không đạt được.

Lấy ví dụ tuyến đường sắt phía Tây, Chủ tịch HĐTV Trần Ngọc Thành cho biết nếu không đưa được đầu máy lớn lên sẽ không thể giảm được chi phí nhiên liệu và không tăng được hiệu quả kinh tế.

"Sau khi xem xét, chúng tôi quyết định phải đưa được đầu máy lớn lên bằng mọi giá. Trước đây phải kéo đẩy bằng hai đầu máy rất khó khăn. Nay nếu đưa được đầu máy lớn, chỉ cần một máy là đủ sẽ tiết kiệm được nhiên liệu. Sau khi khảo sát hết hơn 200 tỷ đồng, nhưng sau đó thị sát trực tiếp và mời tư vấn giám sát và đưa ra phương án thích hợp hết có 8 tỷ đồng. Vậy là tháng 9 vừa rồi đã đưa thành công đầu máy lên", ông Thành nói.

Về công tác ATGT đường sắt, Chủ tịch HĐTV Trần Ngọc Thành khẳng định rất trăn trở. Nhưng bên dưới cứ thản nhiên, cứ coi như đấy không phải việc của mình. “Trong việc này có trách nhiệm của Hội đồng thành viên vì không thực hiện được lời hứa với Bộ trưởng. Trong đó có phần trách nhiệm của tôi”, ông Thành nói và cho biết đã hứa dứt khoát đến 31/12/2015 sẽ đầu tư được 300 đường ngang cần chắn tự động, nhưng không làm được nên xin nhận lỗi, kể cả kỷ luật và chấp hành nghiêm. Cần chắn tự động đã được áp dụng trên thế giới và hoạt động rất tốt, nhưng đến hôm nay VNR mới hoành thành được 40 chắn tự động.

“Tôi xin nhận trách nhiệm trước nhân dân. Hết 15/1 này, nếu không ủy quyền tôi xin phép làm văn bản chịu trách nhiệm trước pháp luật, chứ cứ kiểu này không được. Năm 2016 này bằng tất cả các nguồn, xin Bộ trưởng cho phép tôi được dùng để lắp một loạt cần chắn tự động”, Chủ tịch Trần Ngọc Thành cương quyết.

nhan-loiiii
Theo Chủ tịch VNR Trần Ngọc Thành, đường sắt hiện đang lấy vận tải hành khách để bù đắp cho vận tải hàng là chuyện ngược đời trên thế giới

Quy trình ngược đời

Sau khi nhận lỗi với Bộ trưởng, Chủ tịch HĐTV Trần Ngọc Thành khẳng định năm 2016 phải tiếp tục tìm sự ổn định để tăng trưởng. Tất cả các chi phí tiết kiệm được phải dồn lại không tính lãi, tăng lương mức độ để tập trung giảm giá. Mấy tháng qua, sau khi giảm giá đã thu hút lại được hành khách.

Hiện nay nhiều đồng chí vẫn báo cáo đường sắt đang là đường đơn, khổ 1m nên không thể tăng trưởng được vận tải. Chủ tịch HĐTV Trần Ngọc Thành khẳng định, Hội đồng thành viên đã quyết định năm 2014 tập trung đổi mới vận tải hành khách, 2015 tập trung tháo nút thắt hạ tầng, 2016 tìm mọi giải pháp nâng cao hiệu quả vận tải hàng hóa.

“Đường sắt hiện nay đang làm ngược đời so với thế giới. Các nước khác lấy vận tải hàng hóa để bù cho hành khách, nhưng ở ta lấy hành khách để bù cho hàng hóa. Đây là quy trình sản xuất ngược đời”, ông Thành nói và khẳng định năm 2016 phải tập trung đầu tư kho, ke, bến bãi, thiết bị bốc xếp.

"Một số cán bộ cấp dưới kêu ca mức tăng trưởng được giao 10% là lớn quá. Tôi thấy không lớn chút nào. Ta đang có 5.000 toa xe nhưng đang vận dụng được bao nhiêu? Hiện còn thừa khoảng 60%. Năng lực cầu đường cần được tháo gỡ, để tăng lên 25 đôi tàu/1 ngày đêm thay vì chỉ 17 đôi/1 ngày đêm như hiện nay", ông Thành cương quyết.

Nhiều năm gần đây, các chân hàng lớn của đường sắt cứ mất dần vì cấp dưới cứ quấy nhiễu nhiều quá. Các chủ hàng hóa chất, xi măng, apatit... cứ bỏ dần, các đường nhánh cứ bỏ dần. Vận tải hàng hóa mà chỉ có trục chính, thì không khác gì con người thiếu chân tay.

“Năm 2016 này sẽ là năm tập trung đổi mới toàn diện, để vận tải hàng hóa hòa hoặc có lãi. Đến nay chúng ta đã làm được những việc mà trước đây cứ nghĩ không thể làm. Điều đó khẳng định nếu quyết tâm, thì dù việc gì khó mấy cũng làm được. Năm 2016 sẽ là tiền đề để phát triển, thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa. Tôi còn làm việc một phút ở đường sắt cũng phải hết mình”, Chủ tịch HĐTV Trần Ngọc Thành nói.

Cuối bài phát biểu của mình, Chủ tịch HĐTV Trần Ngọc Thành yêu cầu toàn thể cán bộ, công nhân viên đường sắt sát cánh cùng nhau để phát triển. Hai năm nay VNR đã có văn hóa từ chức, Chủ tịch, Tổng giám đốc một năm không hoàn thành nhiệm vụ sẽ điều chuyển ngay. Đường sắt hiện đang táo bạo trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo, dám hy sinh vì sự phát triển.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.