Xã hội

Chủ tịch EVN: Điện hạt nhân không cạnh tranh được về kinh tế

09/11/2016, 20:11
image

Chủ tịch EVN cho rằng điện hạt nhân không cạnh tranh được với các nguồn năng lượng khác về mặt kinh tế.

20161109_151454

Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam trả lời báo giới bên hành lang Quốc hội.

Chiều 9/11, bên hành lang Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành đã dành thời gian trao đổi với báo giới về việc Quốc hội sẽ xem xét và quyết định việc cho dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Thưa ông, dự kiến ngày mai Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét việc dừng đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Nếu dừng dự án này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến khả năng cung ứng điện và sự thiếu hụt điện năng trong giai đoạn tới?

Chính phủ đã duyệt Quy hoạch điện quốc gia giai đoạn 7, điều chỉnh vào tháng 3/2016, trong điều chỉnh này không có quy hoạch nhà máy điện hạt nhân đến 2030. Việc cung ứng điện từ nay đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt, trong đó đã đưa rất nhiều nguồn điện để đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực điện quốc gia.

Với các tính toán mới thì nhu cầu điện giai đoạn 2016-2020 tốc độ tăng trưởng điện năng khoảng 11%/năm, và giai đoạn 2021-2030 từ 7-8%/năm, thấp hơn nhiều so với bối cảnh năm 2009 khi Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng điện hạt nhân. Trong giai đoạn trước 2009 thì do tăng trưởng kinh tế ở mức cao nên nhu cầu tăng trưởng điện được dự báo là từ 17-20%/năm, do đó Chính phủ lấy mức tăng trưởng 22% làm phương án điều hành, để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội.

Với mức tăng trưởng đó, nguồn năng lượng ở trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu phát điện như là than, dầu khí, thủy điện. Hơn nữa, nguồn năng lượng sơ cấp nhập khẩu tại thời điểm đó giá thành cao, cho nên phương án điện hạt nhân là phương án cạnh tranh, có hiệu quả.

Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện các thủ tục triển khai dự án. Nhưng tại thời điểm hiện nay, nhu cầu tăng trưởng là không cao. Do đó, nguồn năng lượng sơ cấp trong nước và nhập khẩu đảm bảo được đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt tại thời điểm hiện nay nguồn năng lượng sơ cấp nước ngoài như dầu mỏ, than thì giá thấp hơn nhiều so với thời điểm trước. Do đó việc đầu tư điện hạt nhân không cạnh tranh được với các nguồn năng lượng khác về mặt kinh tế. Đó là lý do khi hiệu chỉnh sơ đồ 7, Thủ tướng phê duyệt đã không đưa nhà máy điện hạt nhân vào nữa.

Như vậy có thể hiểu lý do chính của việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là hiệu quả đầu tư ?

Hiệu quả đầu tư và nhu cầu không phải là cấp thiết so với dự báo trước đây.

Được biết, tại cuộc họp của Thủ tướng ngày 3/10 với các cơ quan chức năng, Thủ tướng có đề cập đến khả năng thiếu điện trong các năm 2018-2019, xin ông nói rõ vấn đề này?

Việc này không liên quan gì đến việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, bởi theo kế hoạch trước đây thì phải đến 2029-2030 mới cấp điện.

Trong giai đoạn 2018-2019 có khả năng thiếu điện ở Miền Nam do nhu cầu phát triển điện ở Miền Nam vẫn tăng cao, trong khi một số dự án điện như là điện than thì chậm tiến độ.

Trước tình hình như vậy, Thủ tướng đã có cuộc họp với các bộ, ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để thảo luận các giải pháp cung ứng điện. Giải pháp cấp bách là xem xét đầu tư đường dây tải điện từ Miền Bắc vào Miền Trung và Miền Nam để tập trung nguồn điện vào Miền Nam; tập trung đầu tư các nguồn năng lượng mới tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời tại chỗ, đẩy nhanh tiến độ các dự án này, đảm bảo cung cấp điện cho giai đoạn 2018-2029.

Đồng thời với 2 phương án trên, thì việc đầu tư, đảm bảo các nguồn điện tại chỗ tại khu vực Miền Nam phải đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành. Đây là những vấn đề sống còn đối với việc cung ứng điện cho Miền Nam. 

Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng kiến nghị các giải pháp lâu dài hơn, đó là đầu tư các nhà máy điện ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, chuyển sang chạy khí hóa lỏng. Trước mắt, Tập đoàn đang nghiên cứu chuyển trung tâm điện lực Tân Phước trước đây chạy than chuyển sang dung khí hóa lỏng để đáp ứng nhanh tiến độ cấp điện, đồng thời thu xếp các nguồn vốn đầu tư cho các dự án này.

Thưa ông, đến nay EVN vẫn là nhà cung cấp điện chính cho mạng lưới điện quốc gia, vậy trong giai đoạn tới Tập đoàn sẽ có những giải pháp cụ thể gì để tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư, cũng là để giảm áp lực tăng giá điện?

Không riêng gì Tập đoàn Điện lực Việt Nam mà đối với các nhà đầu tư khác được Chính phủ kêu gọi, khuyến khích đầu tư như các nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức BOT, hoặc các nhà máy điện độc lập… Hiện nay một số chủ đầu tư cũng đang tiến hành các thủ tục tiến hành đầu tư. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công thương, các bộ ngành có liên quan triển khai sớm các thủ tục để sớm đưa các dự án này vào vận hành, cũng là để giảm áp lực vốn cho các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là EVN.

Tới đây EVN chỉ tập trung vào các dự án trọng điểm, đa mục tiêu và tập trung vào các dự án lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối.

Xem thêm Video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.