Xã hội

Chủ tịch Hà Nội lý giải nguyên nhân đường sắt trên cao đội vốn

24/11/2018, 14:55

Khẳng định không có chuyện tiêu cực, Chủ tịch Hà Nội nêu 3 nguyên nhân khiến dự án đường sắt trên cao đội vốn.

tuyen_metro1

Theo Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, tuyến đường sắt số 2 (Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo) đội vốn không phải do tiêu cực

Sáng 24/11, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các ĐBQH trong đơn vị bầu cử số 1 TP Hà Nội đã có buổi tiếp xúc cử tri hai quận Ba Đình và Tây Hồ.

Tại đây, ngoài quan tâm đến những vấn đề lớn như công tác phòng chống tham nhũng, công tác cán bộ, nhiều cử tri cũng đề cập đến các vấn đề bức xúc của TP Hà Nội, điển hình là tình trạng đội vốn tại dự án đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố.

Ông Trương Đức Ngãi (cử tri phường Cống Vị, quận Ba Đình) kiến nghị ĐBQH cùng các đơn vị liên quan giám sát, trả lời rõ cho nhân dân nguyên nhân của việc các dự án đường sắt đô thị đội vốn.

Làm rõ hơn vấn đề cử tri nêu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trên địa bàn TP Hà Nội có tuyến đường sắt số 2 (Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo). Đây là dự án vay vốn ODA Nhật Bản đưa vào nghiên cứu tiền khả thi từ nămg 2006, đến 2016 xong hồ sơ trình Chính phủ.

Lãnh đạo chính quyền thành phố cho hay, mức nghiên cứu tiền khả thi dự toán dựa án tuyến đường sắt số 2 của TP Hà Nội là trên 19.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay dự án này lên đến hơn 35.000 tỷ đồng. Nhưng ông Chung khẳng định, dự án đội vốn không phải do tiêu cực. Bởi toàn bộ quá trình lập dự toán đều có sự giám sát chặt chẽ từ phía đối tác Nhật Bản – đơn vị cho vay tiền.

Chủ tịch Hà Nội cũng đưa ra ba lý do để giải thích nguyên nhân khiến dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 đội vốn, đó là: Tỷ giá đồng Yên tăng; Giá nhân công cũng tăng, vì trải qua 6 lần tăng lương, từ năm 2008 đến nay; Giá vật liệu cũng tăng từ năm 2008 đến nay.

Cũng từ vấn đề này, ông Chung cho biết, TP Hà Nội đã rút ra một số bài học, trong đó quá trình nghiên cứu tiền khả thi quá dài. Vì vậy, TP Hà Nội định hướng với những dự án đường sắt còn lại chỉ nghiên cứu tiền khả thi trong vòng một năm dự toán, như vậy mới sát thực tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.