Bất động sản

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM than phiền về thủ tục hành chính

22/07/2019, 16:22

Có quyết định chấp thuận chủ trương, công nhận chủ đầu tư... nhưng nhiều dự án sau ba năm vẫn bị coi là chưa đảm bảo thủ tục hành chính.

img
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM

Ngày 22/7 Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi lên Chính phủ, các bộ ngành và lãnh đạo TP.HCM phản ánh về những ách tắc trong thủ tục hành chính đối với thị trường địa ốc.

Theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HoERA các vướng mắc hiện nay vẫn tồn đọng như: ách tắc thủ tục hành chính trong việc quyết định chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư; Về phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư; Về thủ tục công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất chuyên dùng, xen cài đất do Nhà nước trực tiếp quản lý.

Ông Châu cho biết, trong khoảng ba năm gần đây, UBND TP.HCM đã có Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư khoảng 130 dự án có quỹ đất hỗn hợp. Thế nhưng, đến nay vẫn đang "bị" coi là vẫn chưa đảm bảo các thủ tục hành chính. Việc này đã gây khó khăn rất lớn cho các chủ đầu tư dự án... Nguyên nhân là do hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, thiếu thống nhất và công tác thực thi pháp luật còn hạn chế do trình độ nhận thức của một số cán bộ công chức. Đây là "điểm nghẽn" đầu tiên của thị trường bất động sản hiện nay cần phải được giải quyết sớm.

Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giải quyết khắc phục sự chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ của các khái niệm pháp luật; các quy phạm pháp luật; các quy trình, thủ tục hành chính đã được quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật, để đảm bảo tính hệ thống, sự liên thông và giải quyết ách tắc của thị trường bất động sản hiện nay.

Ngoài ra, Hiệp hội còn kiến nghị chỉ định nhà đầu tư, hoặc công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đã có quỹ đất hỗn hợp do tự thương lượng giải phóng mặt bằng, nhận chuyển nhượng đất ở, đất nông nghiệp, trong đó, có xen cài khoảng trên dưới 10% đất rạch, bờ đất, đường... do Nhà nước quản lý, nằm trong kế hoạch sử dụng đất, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở,mà không phải thực hiện thủ tục đấu thầu dự án, hoặc đấu giá đất để lựa chọn chủ đầu tư.

Đối với phần diện tích đất rạch, bờ đất, đường... trong dự án do Nhà nước quản lý (thường chiếm khoảng trên dưới 10% diện tích), Hiệp hội kiến nghị Chính phủ quy định tỷ lệ hoán đổi đất đã có hạ tầng của dự án để chủ đầu tư giao lại cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để quản lý, sử dụng hoặc bán đấu giá, đảm bảo không làm thất thoát tài sản nhà nước. Tỷ lệ hoán đổi này có thể khoảng trên dưới 15% hoặc hơn, do Chính phủ quy định.

Về lâu dài, Hiệp hội kiến nghị sửa đổi, thay thế từ "đất ở" tại khoản 1 và khoản 4 điều 23 Luật Nhà ở, thành "đất phù hợp quy hoạch" hoặc "đất ở và các loại đất khác phù hợp quy hoạch", Việc chỉnh sửa này để phù hợp với Khoản (1.b) điều 169 và Khoản 2 Điều 191 Luật Đất đai, đảm bảo tính thống nhất của Luật Nhà ở với Luật Đất đai và Luật Đầu tư...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.