Tài chính

Chủ tịch HH Năng lượng: Điện mặt trời bùng nổ, nguyên nhân từ đâu?

09/07/2021, 09:13

Điện mặt trời phát triển ồ ạt, đầu tư siêu lợi nhuận, công suất giả định tăng rất cao nhưng điện lượng rất thấp...

img

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

Với chủ trương phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), Việt Nam đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để khuyến khích nhà đầu tư. Nhờ đó, NLTT, đặc biệt là điện mặt trời phát triển bùng nổ. Nhưng kéo theo đó hàng loạt bất cập nảy sinh, cho thấy nhiều lỗ hổng pháp lý. Báo Giao thông đã có loạt bài điều tra về tình trạng điện mặt trời núp bóng trang trại, ký khống mua điện giá cao, rút “ruột” Nhà nước... nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận.

Nhằm làm rõ hơn thực trạng này, Báo Giao thông đã phỏng vấn ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.

Giá mua điện cao

Ông đánh giá thế nào về phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam thời gian qua?

Trong NLTT gồm có điện mặt trời (điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời áp mái), điện gió (trong bờ, ngoài khơi), điện sinh khối (điện rác), địa nhiệt, thủy triều... Tuy nhiên, trong các loại hình kể trên, điện thủy triều không phát triển được, sinh khối chậm phát triển, điện gió ngoài khơi chưa có dự án nào cả mà chúng ta mới chỉ phát triển nhiều về điện mặt trời (ĐMT).

Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, đặc biệt trong đó cho phép mua điện giá 9,35 cent/kWh (tương đương 2.086 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng - VAT) cho ĐMT và 9,8 cent/kWh (tương đương 2.223 đồng/kWh, chưa bao gồm VAT) cho điện gió.

Đây là một mức giá cao so với thế giới (thế giới cao nhất là 5 cent/kWh ĐMT) nên các nhà đầu tư nhảy vào đầu tư ồ ạt.

Đến nay, sau 3 năm, tổng công suất của ĐMT và điện gió đã lên tới trên 20.000MW, trong đó phần lớn là ĐMT. Con số này là lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Theo ông, cơ sở nào để Bộ Công thương đề xuất và trình mức giá mua điện cao như vậy?

Thời điểm đó chưa ai làm, chưa có kinh nghiệm nhưng lại muốn khuyến khích phát triển.

Tôi cảm giác ở đây có câu chuyện ưu đãi chính sách mong nhà đầu tư nhảy vào, nhưng không ngờ họ nhảy vào đông quá vì thấy được siêu lợi nhuận. (Một phần cũng do giá thiết bị giảm rất nhanh).

Bây giờ cơ quan quản lý đã nhận ra, song không thể rút lại ngay những gì đã quyết, mà đang từ từ tìm cách điều chỉnh.

img

Toàn cảnh khu vực “trang trại điện” tại bản Ỏ Tra, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Ảnh: Minh Chuyên

ĐMT phát triển ồ ạt kéo theo những hệ lụy gì, thưa ông?

Từ ngày 5/7, Báo Giao thông khởi đăng loạt bài điều tra: “Ký khống mua điện mặt trời giá cao, “rút ruột” Nhà nước”, phản ánh nhiều dự án điện mặt trời tại ĐBSCL được điện lực địa phương ký hợp đồng nâng khống công suất gấp hàng chục lần thực tế (cụ thể là tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long và huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng).
Liên quan đến sự việc, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẳng định, đây là sai phạm nghiêm trọng. Cục đã nắm được vấn đề, sẽ trao đổi với Thanh tra Bộ và báo cáo lãnh đạo Bộ.
Trong khi đó, đại diện EVN cho biết, đã chỉ đạo Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) khẩn trương kiểm tra, xác minh các nội dung Báo phản ánh đối với Công ty Điện lực Vĩnh Long và Sóc Trăng. Ngoài ra, kiểm tra, rà soát các dự án điện mặt trời mái nhà trên địa bàn của toàn bộ các Công ty Điện lực trực thuộc.
Trước đó, Báo Giao thông cũng có loạt bài điều tra “Báo động làm điện mặt trời dưới vỏ bọc trang trại”, phản ánh việc lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhiều ông chủ đã ồ ạt đầu tư các dự án điện mặt trời ở các tỉnh dưới vỏ bọc xin đất làm trang trại.


Để sản xuất ra 1MW ĐMT, cần phải dành ra khoảng 1ha đất, có nghĩa với công suất đặt 20.000MW thì phải cần tới 20.000ha; tương ứng phải lắp tới 20 triệu tấm pin mặt trời.

Tuy nhiên, chúng ta lại không biết được chất lượng tấm pin mặt trời đó có tuổi thọ bao nhiêu năm: 5 năm, 10 năm hay 20 năm? Tấm pin mặt trời do ai sản xuất? Xử lý rác thải pin thế nào? Phần lớn pin được sản xuất từ Trung Quốc, giá rất rẻ. Chi phí rẻ, trong khi giá mua điện rất cao. Bởi thế, đầu tư ĐMT siêu lợi nhuận thì chả ai dại gì mà không làm.

Sau thời gian khuyến khích cơ quan quản lý giờ đã nhìn ra vấn đề nên bắt đầu tính toán việc mua ĐMT với cơ chế cạnh tranh về giá mua điện.

Tới đây sẽ thực hiện cơ chế đấu thầu ĐMT và điện gió nhằm cạnh tranh về giá mua đưa giá xuống bằng với xu hướng phát triển của công nghệ trên thế giới. Khi đó, đầu tư lĩnh vực này sẽ ít hấp dẫn như trước đây.

Bên cạnh những kết quả tích cực, thực tế cho thấy hoạt động đầu tư, phát triển ĐMT đã bộc lộ nhiều vi phạm như núp bóng trang trại, nghiệm thu không đúng, ký khống hợp đồng… nhằm hưởng giá cao.

Theo ông, nguyên nhân do cơ chế chính sách, năng lực vận hành hay do thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát? Sai phạm được phát hiện tại khắp các vùng miền với tính chất khá giống nhau nói lên điều gì?

Người ta lợi dụng chính sách mua điện giá cao cho điện áp mái do dân dùng để làm trên mái trang trại nhưng thực chất không trồng cây gì, nuôi con gì.

Về mặt pháp lý, Chính phủ đã phân cấp cho địa phương. Trong khi, người dân có đăng ký hộ khẩu, có giấy phép địa phương cấp nên trách nhiệm thuộc về các địa phương. Nếu điện lực địa phương thông đồng với chủ đầu tư, cơ quan điều tra phải xử lý cả 2 bên.

Khập khiễng về kỹ thuật

Do ĐMT phát triển bùng nổ dẫn đến tình trạng một số thời điểm hệ thống truyền tải rơi vào tình trạng quá tải, rã lưới. Nhưng nhìn tổng thể, nhiều thời điểm, nhiều nơi vẫn thiếu điện. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

Thực tế trong quá trình thực hiện quy hoạch phát triển điện lực nói chung, điện mặt trời nói riêng, việc các dự án ĐMT phát triển bùng nổ trong thời gian qua dẫn đến thực hiện quy hoạch nguồn và lưới điện không đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn.

ĐMT cho phát triển ồ ạt, công suất giả định tăng rất cao nhưng điện lượng rất thấp bởi ĐMT chỉ huy động buổi trưa, còn buổi tối lại không có do hệ thống ở Việt Nam không có lưu điện vì giá thành rất cao. Do đó, việc quá tải, rã lưới cục bộ một số đường dây 500kV, 220Kv, 110kV là chuyện đương nhiên.

“Không lặp lại vết xe đổ với điện khí”
Thực tế, ngành năng lượng Việt Nam hiện nay có hai loại dự án chưa có tiền lệ là điện gió ngoài khơi và điện khí (LNG). Bây giờ chưa ai có khái niệm chuẩn LNG là gì cả.
Do đó, đòi hỏi phải cho thí nghiệm khí LNG nhập, vận chuyển về cảng như thế nào? Cảng xây ở đâu, xây rồi đưa đường ống vào nhà máy tuabin khí thì giá cả ra sao, tính toán đầu vào, đầu ra như thế nào? Từ đó hệ thống lại xem xây dựng một nhà máy như vậy suất đầu tư bao nhiêu là hợp lý… để tránh đi vào “vết xe đổ” phát triển ồ ạt của ĐMT.
Chưa hề có tính toán, thử nghiệm nhưng bây giờ, tỉnh nào cũng đăng ký đầu tư LNG như Hà Tĩnh, Bạc Liêu, Sóc Trăng… trong khi quy hoạch không có.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội
Năng lượng Việt Nam

Sự khập khiễng kỹ thuật này cũng do chính sách gây nên khi nhà đầu tư thấy lợi nhuận quá lớn nên đầu tư ồ ạt. Công suất ĐMT của cả Đông Nam Á gộp lại không bằng công suất của Việt Nam trong 3 năm qua.

Trái ngược với ĐMT, việc đầu tư điện gió đang rất chậm chạp với số dự án điện gió trong bờ chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn điện gió ngoài khơi dù rất tiềm năng nhưng chưa được triển khai. Vì sao vậy, thưa ông?

Nguyên nhân là do tầm nhìn, nhận thức, hiểu biết của cơ quan có trách nhiệm. Nếu tôi có thẩm quyền thì tôi đã quyết cách đây chục năm về trước rồi!

Tại sao Đài Loan, một đảo nhỏ của Trung Quốc mà hiện nay đã phát triển được tới 20.000MW điện gió ngoài khơi? Còn các nước như: Nhật, Pháp, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Hồng Kông, Hà Lan... cũng đã phát triển trên 700.000MW điện gió ngoài khơi. Việt Nam phải nhìn vào đó để học, không thể đi ngược lại xu hướng của thế giới được!

Theo Hiệp hội điện gió toàn cầu, điện gió ngoài khơi có hiệu quả cao nhất trong tất cả các loại hình NLTT bởi đây là dạng sóng vỗ vào bờ. Càng xa khơi chừng nào, gió càng mạnh từng đó.

Tại khoảng cách 20km từ bờ trở ra thì lưu lượng gió đạt 5.000 - 6.000 giờ/năm; với công suất từ 1.000MW trở lên có thể sinh ra hàng tỷ kWh điện. Việt Nam nằm trải dài trên 3.200km bờ biển, có lưu vực biển rộng lớn và có thể đầu tư được ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam thì phát triển điện gió ngoài khơi là một lợi thế cực lớn.

Ví dụ, dự án Thăng Long Wind do tập đoàn Enterprize Energy Group đề xuất năm 2018 có tổng công suất 3.400MW, mỗi năm có thể sản sinh ra 15 tỷ kWh điện. Nếu so với 2 nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch với công suất 2.400MW, mỗi năm sinh ra 8 tỷ kWh thì dự án này không những lợi thế hơn mà còn thay thế được năng lượng hóa thạch, nhiệt điện than, nhiệt điện khí.

Một dự án triển vọng như vậy nhưng lại rất chậm được thực hiện.

Tuy nhiên, cũng có những tín hiệu tốt khi việc đầu tư dự án điện gió cũng đang khởi động tại khu vực Quảng Trị, miền Trung, miền Tây. Dự kiến đến tháng 11 năm 2021 sẽ có khoảng 2000 MW được phát lên lưới.

img

Bên trong “trang trại điện” tại bản Mạt, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Ảnh: Minh Chuyên

Những bất cập trong chính sách phát triển ĐMT đã diễn ra suốt 3 năm qua nhưng tại sao không được phát hiện, điều chỉnh kịp thời để dẫn đến không ít hệ lụy như hiện nay? Để phát triển điện nói chung, điện NLTT nói riêng đi đúng hướng, theo ông cần thay đổi gì?

ĐMT đã vượt quá cao, từ nay tới năm 2030 nên hạn chế ở mức độ vừa phải, hợp lý và không nên đầu tư quá nhiều ở miền Trung và Nam Bộ. Phải dịch chuyển dần ra ngoài Bắc, tổ chức đấu thầu để mua giá cạnh tranh.

Đồng thời, ưu tiên phát triển điện sinh khối khi tình trạng rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt các đô thị ngồn ngộn, thiếu chỗ chôn lấp. Khi phát triển lên cao, thấy hiệu quả thì cho phát triển diện rộng.

Để làm được điều đó, giải pháp là tầm nhìn, giải pháp là hành động, giải pháp là bắt tay vào làm. Đồng thời, cần cơ chế, chính sách hợp lý. Chẳng hạn về vốn, nên cho doanh nghiệp vay vốn nước ngoài được bảo lãnh Chính phủ hay thu hút đầu tư đối với những đơn vị có sẵn vốn.

Cảm ơn ông!

Hoàn toàn phụ thuộc vào nhà đầu tư

Theo một chuyên gia năng lượng, trên thế giới, khi đưa ra chính sách giá FIT (chính sách mua giá điện cố định để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo) có hạn định trong một số năm nhất định thì họ cũng khống chế luôn mục tiêu phát triển trong từng thời kỳ, tức là kiểm soát cả đầu ra quy hoạch.

Còn ở Việt Nam, có giá FIT, có hạn định 20 năm nhưng lại không kiểm soát đầu ra quy hoạch. Đáng lẽ ra, ngoài khống chế con số thì việc phê duyệt quy hoạch không nên theo kiểu “one buy one”, tức là hoàn toàn phụ thuộc vào nhà đầu tư, họ đề xuất dự án nào thì duyệt dự án đó thì có thể không dẫn đến việc bùng nổ như thời gian qua.

“Về tình trạng làm điện mặt trời núp bóng trang trại để hưởng giá cao, cho thấy chính sách có sơ hở, chính sách chưa chuẩn và người ta đang làm những cái gì không cấm. Lẽ ra cơ quan chức năng khi nhận được phản ánh từ dư luận, cần phản ứng ngay để khống chế. Điều này thể hiện sự quản lý yếu kém’, vị chuyên gia nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.