Thời sự

Chủ tịch không tiếp dân xin mời rời ghế

15/11/2018, 07:00

Ngày 14/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018.

4

Quốc hội họp ngày 14/11

Khiếu nại tố cáo tăng, phát sinh phức tạp

Ngày 14/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018. Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2018, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân từ cuối năm 2017 cho đến nay nhìn chung còn diễn biến phức tạp và gay gắt. Năm 2018, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân tăng về số lượng đơn thư, số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng kể câu chuyện qua các cuộc tiếp xúc cử tri, nghe cử tri phản ánh về việc không bằng lòng cách tiếp dân, cách xử lý của cán bộ, có những trường hợp đuổi người dân. “Dân phản ánh có Chủ tịch tỉnh tiếp họ đúng 9 phút, sau đó đi nhậu. 9 phút với một việc mà mấy năm trời người ta theo đuổi”, ông Nhưỡng nhấn mạnh và lưu ý các lãnh đạo tỉnh cần cảnh giác với báo cáo từ cấp dưới, bởi không giám sát chặt sẽ dẫn đến “sai dây chuyền”. Theo ông Nhưỡng, có những việc “nhỏ nhưng không nhỏ”, một sự việc ở một gia đình cũng có thể dẫn đến sự việc của cả một vùng, cả một địa phương.

Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật lưu ý vừa qua đã phát sinh một số khiếu nại phức tạp trong các lĩnh vực kinh tế, dân sự mà không phải là khiếu nại các cơ quan hành chính Nhà nước dẫn đến khiếu kiện đông người. Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, công tác tiếp công dân có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giải quyết các bức xúc, tâm tư của người dân ngay từ cơ sở, hạn chế được tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài. Nhưng việc này ở nhiều nơi chưa được thực hiện tốt, nhiều nơi còn ủy quyền cho cấp phó thực hiện việc tiếp công dân định kỳ, chưa gắn kết việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, dẫn đến người dân có tâm lý thiếu tin tưởng.

Nhấn mạnh khiếu nại tố cáo còn diễn biến phức tạp, người dân còn căng khẩu hiệu, biểu ngữ, đến nhà các lãnh đạo cấp cao để gây áp lực cho việc giải quyết, ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tại địa phương còn chậm, giải quyết chưa đúng, chưa phù hợp với thực tiễn. Còn theo ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum), thậm chí có cán bộ còn thách thức người dân khiếu kiện. Ông Tám đề nghị hết sức coi trọng đối thoại trong giải quyết khiếu nại, tố cáo: “Đối thoại phải được coi như một nguyên tắc trong quá trình giải quyết, thực hiện một cách nghiêm túc cầu thị chứ không phải chiếu lệ, làm cho xong”.

Chủ tịch không tiếp dân thì “nên rời ghế”

ĐB Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) đánh giá hoạt động tiếp công dân còn nhiều bất cập, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan với nhau hoặc giải quyết không tới nơi, tới chốn hoặc hướng dẫn sai địa chỉ. Dưới chỉ lên trên, trên chỉ xuống dưới, mất thời gian, lòng vòng, làm bức xúc của người dân thêm gia tăng. Nguyên nhân của việc này, theo ông Phương do chưa bố trí được cán bộ có tâm, có tầm, có bản lĩnh, có tinh thần trách nhiệm.

Trao đổi thêm bên hành lang Quốc hội về tình trạng Chủ tịch tỉnh không chịu tiếp dân, không tham gia các phiên tòa hành chính, ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho rằng, cần các biện pháp hành chính mạnh để xử lý, kiểm điểm, khắc phục bằng được tình trạng này. Vì nếu kéo dài, người dân sẽ mất niềm tin vào chính quyền. Dù luật định Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tiếp dân ít nhất mỗi tháng một lần, phải công khai lịch tiếp công dân, song tỷ lệ thực hiện việc này rất hạn chế mà Luật lại không có chế tài xử lý. Bởi thế, nên có chế tài coi đây là việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. “Nếu một năm mà anh không thực hiện được việc đó thì anh phải rời ghế. Công việc của anh là công việc với dân mà anh không làm được thì nên nghỉ”, ông Kim đề xuất.

Cán bộ hãy bớt vô cảm

Theo ĐB Nguyễn Văn Pha (Nam Định) một tồn tại hạn chế lớn nhất nhưng không được báo cáo của Chính phủ đề cập đến chính là trách nhiệm rất lớn của chính quyền một số địa phương. Dẫn chứng vụ việc từ năm 2015, thực hiện chương trình phối hợp giữa Uỷ ban MTTQ Việt Nam với một số đơn vị, với tư cách trưởng đoàn, ông Pha có đến một tỉnh phía Nam xem xét cụ thể một vụ việc tồn đọng về thi hành án dân sự. “Lúc đó bản án đã có hiệu lực 14 năm, tòa xử 4 lần và khẳng định xét xử đúng pháp luật, có 10 văn bản của Bộ Tư pháp gửi chính quyền địa phương đề nghị xử lý dứt điểm vụ án nhưng địa phương không làm được”, ông Pha kể.

Khi quay về tỉnh làm việc với Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự của tỉnh do một vị Phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban thì vị này nói vì sắp chuẩn bị cho đại hội Đảng toàn quốc nên xin hứa sau đại hội Đảng các cấp thì thi hành. Đến nay, đại hội Đảng các cấp đã xong, đại hội Đảng toàn quốc đã xong và vị đó đã lên một vị trí rất cao, bản án vẫn chưa thi hành. “Rõ ràng, nếu như có ý thức phục vụ nhân dân, bớt vô cảm, coi khó khăn của dân như khó khăn của người nhà mình thì khó khăn không tồn tại lâu thế. Do đó, cần phân tích đậm nét về trách nhiệm của chính quyền địa phương”, ông Pha kiến nghị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.