Chính trị

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Iran

14/03/2016, 16:43

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đặt chân tới Iran trong sự đón tiếp trọng thể của Tổng thống Iran Hassan Rouhani.

CTN va Tong thong gap hep
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại một cuộc hội đàm tổ chức ngày 14/3

Dự kiến, trong chuyến thăm chính thức kéo dài 3 ngày, Tổng thống Iran và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ tổ chức nhiều cuộc họp song phương. Hai nước sẽ đàm phán về nhiều vấn đề, trong đó có mở rộng quan hệ song phương, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, ngân hàng và năng lượng.

Việt Nam và Iran đã thành lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Kể từ đó đến nay, hai nước liên tục tăng cường quan hệ kinh tế, chính trị thông qua trao đổi chuyến thăm của quan chức hai nước. Iran bắt đầu mở Đại sứ quán tại Hà Nội từ năm 1991 và Việt Nam mở đại sứ quán tại thủ đô Tehran từ năm 1997.

CTN duyet doi danh du
Tổng thống Iran Hassan Rouhani đón tiếp trọng thể Chủ tịch nước Trương Tấn Sang 

Kim ngạch thương mại hai chiều dù đã tăng đáng kể từ 6,5 triệu USD năm 2001 lên 185,6 triệu USD năm 2011, trong đó xuất khẩu của Việt Nam chiếm hơn 72%. Ngoài nguyên nhân tác động của những lệnh cấm vận mà quốc tế áp đặt đối với Iran, việc hai bên chưa thống nhất được các phương thức thanh toán, cũng như giới doanh nghiệp hai nước còn thiếu thông tin về thị trường của nhau là những lý do chính khiến hợp tác kinh tế giữa hai nước chưa tương xứng tiềm năng, hợp tác đầu tư cũng vấp phải không ít khó khăn.

CTN va tong thong Iran
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bắt đầu chuyến thăm chính thức Iran trong 3 ngày

Năm 2016, với việc các lệnh cấm vận kinh tế nhằm vào Iran được bãi bỏ cùng với sự kiện Kế hoạch hành động toàn diện chung mà Tehran đạt được với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) có hiệu lực, cánh cửa hội nhập trở lại với nền kinh tế thế giới đang dần mở rộng đối với Iran. Đây cũng là cơ hội hấp dẫn cho nhiều đối tác quốc tế, trong đó có Việt Nam.

Với khoảng 80 triệu dân, Iran là thị trường lớn tại khu vực Trung Đông, trong khi Việt Nam là cửa ngõ vào thị trường Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong 5 năm qua, các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất sang thị trường Iran là thủy sản, gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, mây tre đan, cao su, các sản phẩm cao su, các sản phẩm chất dẻo, linh kiện, máy móc, linh kiện điện tử, dệt may và một số sản phẩm khác. Trong khi đó, hàng hóa Iran xuất vào thị trường Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu, các sản phẩm hóa dầu, kim loại thường, lúa mì, nguyên liệu dệt may-da giày...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.