Hàng hải

Chủ tịch nước: Xây dựng Cảng Liên Chiểu thành cảng xanh, hạ tầng hiện đại

14/12/2022, 11:52

Tại lễ khởi công dự án cảng Liên Chiểu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không được để thất thoát, tiêu cực trong quá trình xây dựng.

Sáng 14/12, UBND TP Đà Nẵng tổ chức khởi công Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang và lãnh đạo nhiều Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế đã tới dự buổi lễ.

img

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu thực hiện nghi thức phát lệnh khởi công Dự án

Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung nằm tại phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), có tổng mức đầu tư 3.426 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trung ương giai đoạn 2021- 2025 hơn 2.994 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách TP Đà Nẵng. Chủ đầu tư là Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng. Thời gian thực hiện từ 2021- 2025.

Các nhà thầu thi công là Liên danh Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân - Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng DACINCO - Công ty Cổ phần Xây dựng Xuân Quang.

Giai đoạn khởi động của dự án diện tích khoảng 44ha với 2 bến container, có khả năng tiếp nhận tàu lên đến 100.000 tấn và bến thủy nội địa. Ngoài ra, còn các hạng mục như: Luồng tàu dài 7,3km, đê kè chắn sóng dài 1.170m, đường ven biển nối cảng Liên Chiểu dài 2,95km với 6 làn xe, đường sau cảng đến bến khởi động dài 1,2km với 6 làn xe.

img

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nghe báo cáo về dự án trước giờ khởi công

Ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng cho biết, với lợi thế kết nối giao thông liên vùng, cảng Liên Chiểu nằm ở cuối hành lang kinh tế Đông - Tây, các tuyến quốc lộ, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển kết nối toàn vùng Tây Nguyên, duyên hải miền Trung về cảng.

Sau khi cải tạo ga Kim Liên thành ga hàng hóa, kết nối trực tiếp đường sắt bên trong cảng với đường sắt Bắc- Nam, cảng Liên Chiểu là cảng duy nhất tại khu vực miền Trung tích hợp được tất cả phương thức vận tải.

"Với lợi thế hiện nay, cảng Đà Nẵng là cảng duy nhất thiết lập được 30 tàu container cập cảng/tuần với 7 chuyến nội địa, 23 chuyến quốc tế. Đây là tiền đề quan trọng để thu hút các hãng tàu, thiết lập các tuyến biển đi xa như châu Âu, Bắc Mỹ, châu Phi khi cảng Liên Chiểu được đưa vào khai thác", ông Hưng nói.

img

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cùng lãnh đạo Đà Nẵng, Quảng Nam, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc- Tư lệnh Binh đoàn 12 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, một trong 4 nhà thầu liên danh dự án) quan sát thực tế khu vực xây dựng bến cảng Liên Chiểu

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, cảng Tiên Sa (quận Sơn Trà) không thể phát triển mở rộng để đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung (loại đặc biệt) do hạn chế về không gian phát triển lớn và điều kiện kết nối giao thông.

Do đó phương án đầu tư phát triển cảng Liên Chiểu thay thế cho cảng Tiên Sa và từng bước chuyển đổi công năng khu bến Tiên Sa thành bến cảng du lịch là phù hợp với tiến trình phát triển của thành phố.

Theo ông Chinh, Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung được khởi công là tiền đề thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển các bến trong giai đoạn tới theo quy hoạch, giảm tải cho khu bến Tiên Sa, tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Đà Nẵng và trong khu vực.

img

Vị trí xây dựng bến cảng Liên Chiểu

Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quá trình triển khai dự án, phải tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan, đảm bảo tiến độ và chất lượng.

"Trong thi công, giảm thiếu các tác động đến môi trường và đời sống người dân trong quá trình xây dựng. Đồng thời đầu tư ứng dụng các công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ tự động hóa, công nghệ số vào quản trị và khai thác cảng biển, hướng đến xây dựng mô hình cảng xanh theo xu hướng của thế giới", Chủ tịch nước lưu ý.

Chủ tịch nước cũng cho rằng, phải đặt mục tiêu giảm chi phí sử dụng hạ tầng cảng biển và logistics nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, phải đảm bảo tính đồng bộ trong đầu tư hạ tầng kết nối cảng biển và hạ tầng logistics, nhất là hệ thống giao thông liên kết vùng, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, hệ thống kho bãi và các hạ tầng hỗ trợ liên quan.

Cảng Liên Chiểu là một trong 3 cảng biển nước sâu của Việt Nam, được quy hoạch là cảng đặc biệt với quy mô tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU.

Dự án gồm hai hợp phần, trong đó hợp phần A với kinh phí đầu tư trên 3.400 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách trung ương và thành phố, dự kiến khởi công ngày 14/12/2022.

Hợp phần B (giai đoạn khởi động) của dự án có tổng diện tích 44ha, quy mô 2 cầu cảng (750m) được kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân. Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Dự án do liên danh Công ty CP Tư vấn và xây dựng Phú Xuân - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Dacinco - Công ty CP Xây dựng Xuân Quang trúng thầu, triển khai.

Trao đổi với PV, lãnh đạo Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, phát huy năng lực, kinh nghiệm trên các công trình giao thông trọng điểm, đơn vị tăng cường nhân lực, dây chuyền thiết bị chuyên dụng đảm bảo tiến độ, chất lượng thi công theo đúng quy định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.