Xã hội

Chủ tịch phường thời Covid-19: Trăm dâu đổ đầu... chủ tịch!

04/10/2021, 06:30

Mấy tháng nay anh Hiệp cùng nhiều cán bộ của mình chẳng biết chén cơm nhà. Trưa, các anh mỗi người một phần cơm, cùng ăn chung với bộ đội...

LTS: Trong công tác phòng, chống dịch, với phương châm mỗi xã, phường, thị trấn là một “pháo đài”, vai trò và công việc của người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở trở nên đặc biệt quan trọng.

Báo Giao thông khởi đăng loạt bài Chủ tịch phường thời Covid-19 với mong muốn độc giả hiểu thêm về cuộc sống và công việc của những cán bộ sát dân nhất trong những ngày "chiến đấu" với dịch bệnh cam go và vô cùng vất vả này.

img

Chủ tịch phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức (TP.HCM) Nguyễn Lê Hiệp cầm loa điều phối buổi tiêm vaccine cho người lớn tuổi hôm 26/9. Ảnh: PV

Kỳ 1: Trăm dâu đổ đầu… chủ tịch

Mới 9h sáng (26/9) nhưng trời Sài Gòn nắng như đổ lửa. Trung tâm Y tế phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức (TP.HCM) tổ chức tiêm vaccine cho trên 100 người trên 60 tuổi.

Một người cầm loa đứng giữa sân, áo đẫm mồ hôi, vừa điều phối đám đông, vừa trả lời thắc mắc của bà con, lâu lâu điện thoại lại reo, phải chạy ra chỗ vắng… Đó là anh Nguyễn Lê Hiệp, 41 tuổi, Chủ tịch phường Hiệp Phú, nơi có khoảng 30.000 dân.

Hai tháng chưa có thứ 7, chủ nhật

Giữa trời nắng nóng, lại phải chờ đợi lâu, một nhóm các cụ già bắt đầu sốt ruột, đứng ngồi không yên. Có cụ lại đi lộn địa điểm, thế là cáu gắt. Anh chủ tịch chạy tới chạy lui, nhỏ to ngọt nhạt, miệng cứ “dạ, dạ” luôn hồi.

Tiêm được quá nửa, nhân viên y tế ghé tai thì thào. Anh Hiệp bấm bấm điện thoại, kỳ kèo ai đó: “Dạ, anh ráng giúp em thêm 200 Pfizer (vaccine) nữa được không? Dạ, 100 cũng được…”. Rồi quay sang giải thích: “Cứ phải xin, lần nào cũng vậy, không biết bao nhiêu là đủ cả”. Gần 10h, anh giao chiếc loa cho một người khác, tất tả lên xe máy chạy đi.

Chừng 20 phút sau đã thấy anh ngồi trong phòng làm việc.

Mắt đỏ khè vì thiếu ngủ: “Đêm qua một giờ rưỡi sáng tôi mới được ngả lưng. Phải đọc, rà soát lại toàn bộ danh sách những người được hưởng phần hỗ trợ đợt 3 của TP (1 triệu đồng/người) để trưa nay chốt số lượng, gửi lên TP Thủ Đức. Sai tên, lọt sổ là chết!”.

“Không có ai giúp việc cho anh à?”. “Có chứ, nhưng mình chịu trách nhiệm nên phải rà soát”, anh nói. Anh bảo chống dịch cũng khổ, giãn cách cũng khổ và lo túi an sinh, lo phần hỗ trợ cho bà con cũng khổ luôn. Cả những việc không tên không tuổi khác.

“Đã 2 tháng nay tôi không biết tới thứ 7, Chủ nhật. Có khi còn không biết nay là thứ mấy. Cũng chẳng có đêm, chẳng có ngày. Sáng cứ hơn 5h là xách xe ra khỏi nhà. Đêm thì vô chừng, nhưng phải sau 9 - 10h mới tới cửa. Nhưng về nhà chưa phải là nghỉ ngơi. Việc của anh em là ở cơ quan, trong giờ. Còn ngoài giờ là việc của mình, kiểm tra kiểm soát toàn bộ công việc trong ngày, soát xét kỹ càng, tính toán cho việc ngày mai sao cho trơn tru…”, anh tâm tình.

Anh cho biết, TP Thủ Đức cũng có tăng cường người nhưng không ăn thua vì công việc như núi, lượng cán bộ hỗ trợ như muối bỏ biển, do đó “có những việc không giao được, phải làm đêm hôm”.

Anh kể, những ngày cuối tháng 9 công việc dù tất bật vậy nhưng đã bớt áp lực đi nhiều so với trước đó, những ngày tháng 7, tháng 8. Đây là thời điểm dịch bùng phát trên toàn TP.HCM và Thủ Đức là một trong các điểm nóng.

“Đêm hôm mà nghe báo có ca F0 là bật dậy, lao tới hiện trường ngay. Phong tỏa, trấn an người dân. Khi lực lượng y tế đưa người đi rồi thì phường lo phần giăng dây, giãn cách; giao Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ tính toán phương án cung cấp lương thực, thực phẩm, đi chợ hộ; giao tổ dân phố giám sát việc đi lại của bà con… Làm không chặt chẽ, lỡ có sơ suất thì phải chịu trách nhiệm. Không dám lơ là”, anh bày tỏ.

Từ cuối tháng 8, đầu tháng 9, khi Thủ tướng điều chỉnh chủ trương chống dịch, coi “xã, phường, gia đình là pháo đài” thì công việc còn nặng nề hơn nữa. Bên cạnh đó là áp lực. Phường lơ là thì quận “gõ”. Quận để phường “có chuyện” thì TP “gõ”.

Anh nói thật lòng: “Việc Thủ tướng gọi trực tiếp cho các xã, phường kiểm tra phòng, chống dịch làm chúng tôi rất phấn chấn vì biết người đứng đầu quan tâm, chia sẻ với công việc trăm dâu đổ đầu tằm nhưng cũng phải nói thẳng là rất áp lực, rất lo lắng”.

Lác đác nơi này nơi kia ở TP.HCM đã có những chủ tịch phường bị điều chuyển do lơ là, để dịch bệnh lây lan, chỉ tiêu tiêm vaccine chưa đạt hoặc người dân khiếu nại về gói an sinh, gói hỗ trợ…

Chia sẻ về điều này, anh Hiệp bảo: “Chủ tịch phường có năng lực chưa đủ đâu mà còn phải có một tập thể đồng lòng, đồng cam cộng khổ, được người dân hợp tác, ủng hộ. Mà dân của phường tới vài chục ngàn người, 9 người 10 ý. Họ không hợp tác thì khó thành công”.

Còn nhiều những mối lo phía trước

img

Chủ tịch UBND phường Hiệp Phú Nguyễn Lê Hiệp sắp xếp cho người dân vị trí ngồi đảm bảo giữ khoảng cách để chờ tới lượt tiêm vaccine

Suốt hơn 2 tháng cao điểm dịch là thời gian anh Hiệp và nhiều cán bộ phường phải vừa làm việc vừa bảo đảm “3 tại chỗ”. Nói “3 tại chỗ” chỉ là chuyện ăn, ngủ, chứ vẫn phải chạy khắp nơi. Chỗ này kêu, chạy. Chỗ kia kêu, chạy luôn. Chẳng kịp ngơi chân.

Mấy tháng nay anh Hiệp cùng nhiều cán bộ của mình chẳng biết chén cơm nhà. Trưa, các anh mỗi người một phần cơm, cùng ăn chung với bộ đội tăng cường từ các đơn vị về.

Phường không có chỗ nấu và để bảo đảm phòng, chống dịch nên cũng không thể nấu. Có sao ăn vậy. Đêm thì 9 - 10h phường vẫn sáng đèn. “Từ khi dịch bệnh, chúng tôi làm việc không còn giờ giấc nữa”, chị Nguyễn Thị Tuyết Phượng - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường góp thêm.

Cái khó và trăn trở của anh hiện nay không phải là công việc của mình và những cán bộ ở phường, mà chính là những cô chú ở tổ dân phố.

“Lớn tuổi, áp lực làm không ít cô chú nản. Phụ cấp thì có nhiều nhặn gì đâu, chừng hơn 1 triệu đồng/tháng. Tiêm vaccine, nhận gói hỗ trợ, rào nhà rào cửa, cọng rau ngọn cỏ, miếng thịt, túi gạo… Tất thảy dân đều réo cô chú tổ trưởng. Không vừa lòng là bị chửi. Đã có nhiều người nản và mình phải tỉ tê to nhỏ động viên”, anh chia sẻ.

Trung tá Nguyễn Thanh Bình, cán bộ Đội Tham mưu Công an TP Thủ Đức, người sâu sát với địa bàn các phường, nhìn nhận: “Hiệp Phú là phường “pháo đài” của TP Thủ Đức trong chiến dịch phòng, chống dịch bệnh vừa qua. Chủ tịch phường Nguyễn Lê Hiệp là một trong những người tuyến đầu trong “pháo đài” ấy”.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Phượng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường cho biết, làm việc với anh Nguyễn Lê Hiệp luôn có cảm giác được truyền năng lượng, luôn hướng đến giải pháp chứ không kêu ca. “Chính vì điều đó đã truyền lửa cho đội ngũ chúng tôi lăn lộn suốt mấy tháng dịch bệnh qua mà chưa ai lùi bước!”.

Đường phố Sài Gòn những ngày gần đây đã đông đúc hơn, bớt tiếng còi hụ của xe cứu thương, nhiều hơn những chuyến xe chở hàng tất tả ngược xuôi.

Toàn TP đang bước vào một trạng thái mới, trạng thái phục hồi kinh tế sau dịch bệnh. Chủ tịch phường Nguyễn Lê Hiệp trầm ngâm: “Lại một chiến dịch mới, chiến dịch lo công ăn việc làm, lo sinh kế cho người dân…”.

Kỳ 2: Hai tháng không về nhà, chưa từng ngủ đủ giấc

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.