Thị trường

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ: Tháng 12 QH họp bất thường xem xét gói hỗ trợ

05/12/2021, 08:58

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin khi phát biểu khai mạc Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững sáng 5/12.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hai năm nay dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế toàn cầu và Việt Nam.

Cụ thể, năm 2020, Việt Nam với chính sách ứng phó linh hoạt với dịch bệnh đã duy trì được tăng trưởng dương kinh tế và thuộc nhóm các nước có tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới.

img

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Năm 2021 với nhiều giải pháp đồng bộ, 6 tháng đầu năm Việt Nam vẫn giữ được tăng trưởng kinh tế 5,96%. Tuy nhiên dịch bệng bùng phát lần thứ 4 với biến chủng Delta đã gây thiệt hại nặng nề, tăng trưởng kinh tế quý 3 ở mức âm 6,17%, nên cả năm tuy tăng trưởng dương nhưng theo Chủ tịch Quốc hội chắc chắn sẽ không đạt mục tiêu Nghị quyết Đảng và Nhà nước đề ra, ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2021 và cả nhiệm kỳ 5 năm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, các nước đã tung ra nhiều giải pháp tiền tệ và tài khoá với tỷ lệ khác nhau. Hai năm qua, để ứng phó dịch bệnh và hỗ trợ kinh tế phục hồi Việt Nam cũng đã sử dụng chính sách tiền tệ tài khoá với tổng gói hỗ trợ 2 năm qua ước tính 4% GDP 2020, thấp hơn các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp (gói tài chính 2,9% và gói tiền tệ 1,1%).

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, trong Nghị quyết kỳ họp thứ hai vừa qua, Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng chương trình tổng thể gói hỗ trợ theo hướng thích ứng an toàn, theo mục tiêu phòng chống Covid-19 và phục hồi kinh tế để Quốc hội quyết định sớm.

Tăng trưởng GDP trong quý 3 năm 2021 giảm sâu chưa từng có (-6,17%), sản xuất của doanh nghiệp bị đình trệ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lao động, việc làm, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến các cân đối vĩ mô và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn 5 năm 2021-2025.

Thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách kịp thời về phòng, chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

“Dự kiến cuối tháng 12 này, nếu chuẩn bị đầy đủ thì sẽ đề nghị Quốc hội họp bất thường để xem xét vấn đề cấp bách, quan trọng này và vấn đề cấp bách khác liên quan đến vấn đề quốc kế dân sinh”, Chủ tịch Vương Đình Huệ thông tin.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề "Phục hồi và phát triển bền vững” khai mạc sáng nay 5/12 sẽ bao quát đầy đủ các ngành, lĩnh vực từ kinh tế tới xã hội, văn hóa, giáo dục, môi trường. Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức.

Một nội dung quan trọng được các chuyên gia thảo luận sâu tại Diễn đàn là đưa ra các gợi ý về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, sự phối hợp giữa các chính sách nhằm hỗ trợ Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội; Đề xuất giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các chính sách tác động ngay, một số chính sách dài hạn tác động đến động lực tăng trưởng nền kinh tế, cũng như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và một số ngành, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên… gắn kết hữu cơ với giải quyết các vấn đề xã hội.

Trước đó, trong buổi họp báo ngày 2/12, Chủ nhiệm UBKT Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về nguồn huy động cho gói hỗ trợ này, theo tính toán của các chuyên gia nếu tăng thêm bội chi 1% GDP thì các mức an toàn về nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

"Nguồn thì phải cân nhắc trên cơ sở có vay và có khả năng trả, bảo đảm tính khả thì và đáp ứng mức độ hấp thu của nền kinh tế. Chúng ta không sợ tăng trần nợ công và chi tiêu mà vấn đề là hấp thu ra sao, hiệu quả ra sao”, ông Thanh nói.

Ngoài ra, ông Thanh cũng lưu ý, phải công khai minh bạch, tránh trục lợi, phòng chống tham nhũng, lãng phí trong gói hỗ trợ này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.