Xã hội

Chủ tịch Quốc hội: Cấp thiết làm Vành đai 4 Vùng Thủ đô, Vành đai 3 TP.HCM

12/05/2022, 19:24

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc làm đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô và Vành đai 3 TP.HCM là cấp thiết, cần có những cơ chế đặc thù.

Cơ chế đặc thù là cần thiết

Chiều nay (12/5), tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.

img

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu tối đa, giải trình thỏa đáng, thuyết phục những vấn đề đặt ra.

“Cơ quan trình ở đây là Chính phủ sau đó tiếp thu, giải trình, dự thảo Nghị quyết, sau này tổ chức thực hiện, trách nhiệm các vấn đề của 2 dự án này là của Chính phủ. Các bộ và địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, hai dự án này rất quan trọng, do đó việc chuẩn bị phải hết sức kỹ lưỡng, tính toán vốn đảm bảo tuân thủ khung của chính sách đề ra trong 5 năm. Quan trọng nhất là phải đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của dự án.

“Nguyện vọng là làm 10.000km đường chứ không phải là 5.000km, nhưng vấn đề “đầu tiên là tiền đâu”, rồi vấn đề “đầu tư là từ đâu”. Có tiền rồi nhưng có làm được không?”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Ông Huệ yêu cầu tất cả những nội dung mà hôm nay Ủy ban Kinh tế nêu ra đề nghị Chính phủ tiếp thu.

“Chúng ta thống nhất với nhau là đồng ý trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư các dự án quan trọng này bằng cả nguồn vốn Trung ương và địa phương, chủ yếu bằng hình thức đầu tư công. Như Vành đai 4 là có phần hợp tác công tư. Cái này phải khẳng định như thế để Chính phủ, bộ ngành, địa phương dễ làm”, ông Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM là cấp thiết.

“Đối với Vành đai 3 thì hoàn toàn là cấp thiết, 11 năm rồi, cả vùng kinh tế động lực trông chờ dự án này.

Vành đai 4 cũng rất cần thiết, nhưng đề nghị cần phải tiếp thu về giãn tiến độ và giãn thời gian bố trí vốn ra 1 năm. Cơ bản hoàn thành trong năm 2026, hoàn thành toàn bộ trong năm 2027 đối với Vành đai 4 Thủ đô.

Vành đai 3 TP.HCM cơ bản hoàn thành trong 2025 và thông xe toàn bộ trong năm 2026”, Chủ tịch Quốc hội nói và cho biết, việc giãn thời gian này nhằm rút được một số vốn ra, địa phương đỡ áp lực, còn một phần vốn Trung ương phân bổ các dự án quan trọng quốc gia khác.

Về cơ chế chính sách đặc thù, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đồng ý với việc có một số cơ chế, chính sách đặc thù của 2 dự án, như phân chia dự án thành phần, vấn đề thu phí, điều chỉnh vốn kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 bố trí cho Bộ GTVT và địa phương.

“Để đảm báo triển khai hiệu quả về vốn trong giai đoạn cấp bách hiện nay thì đồng ý có một số cơ chế đặc thù, tổ chức cá nhân có thẩm quyền quyết định việc chỉ định thầu, đối với trường hợp cần thiết thì Chính phủ quyết định.

Xem xét quyết định nếu thấy cần thiết đối với các gói thầu liên quan đến tư vấn, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư. Thời gian áp dụng là năm 2023, vì việc chỉ định thầu này phải làm giai đoạn này thì 2025 mới hoàn thành được”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, các tỉnh, thành cần phải cam kết tổng mức vốn, tiến độ giải ngân, cam kết bổ sung tăng thêm khi có điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm. Sau này địa phương nào không làm được thì bản thân địa phương đó chịu trách nhiệm, Chính phủ cũng phải chịu trách nhiệm trong việc này.

Về phát hành trái phiếu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thực hiện theo quy định của pháp luật. Các địa phương cần làm để cho quen. Quá trình làm, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ đề án để cho các địa phương làm.

“Từ 2011 các địa phương còn phát hành trái phiếu được cơ mà, sao bây giờ không làm được? Doanh nghiệp còn phát hành trái phiếu được sao chính quyền địa phương không phát hành trái phiếu được?”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chính phủ cam kết tiếp thu

Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, những ý kiến của Chủ tịch Quốc hội nêu ra là rất xác đáng.

“Thay mặt Chính phủ, xin tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội. Những vấn đề trách nhiệm của Chính phủ, trong báo cáo giải trình và trong quá trình tổ chức thực hiện, Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

Còn những việc giao cho bộ, ngành địa phương thì các địa phương, bộ ngành sẽ chịu trách nhiệm trước Quốc hội”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin thêm: "Theo kinh nghiệm của Bộ GTVT, vấn đề nào của đại biểu Quốc hội nêu ra, vấn đề nào Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra thì chúng ta đưa vào báo cáo giải trình càng nhiều càng tốt.

Bởi vì đọc báo cáo giải trình thì sẽ thấy toàn bộ những thắc mắc của các đại biểu, đặc biệt là làm rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, với tổng chiều dài khoảng 112,8 km (gồm 103 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyển nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Trong đó, chiều dài tuyến đường qua địa phận Hà Nội là 58,2 km; trên địa bàn Hưng Yên là 19,3 km; Bắc Ninh là 25,6 km và tuyến nối 9,71 km.

Dự án được đầu tư phân kỳ với quy mô phân kỳ 4 làn xe cao tốc hạn chế, tốc độ thiết kế 80 km/h với bề rộng mặt cắt ngang là 17 m (bề rộng cầu 17,5 m). Đầu tư xây dựng phần đường song hành 2 bên qua đô thị, khu dân cư (bố trí không liên tục).

Hình thức đầu tư của dự án là đầu tư công kết hợp đầu tư PPP, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng.

Nhu cầu vốn ngân sách giai đoạn 2026 - 2030 là 6.214 tỷ đồng, bao gồm ngân sách Trung ương: 2.750 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 3.464 tỷ đồng (Hà Nội: 2.134 tỷ đồng; Hưng Yên: 230 tỷ đồng; Bắc Ninh: 1.100 tỷ đồng).

Vốn nhà đầu tư: 27.180 tỷ đồng (chiếm 48% tổng mức đầu tư dự án thành phần PPP). Lãi vay được tính là 2.230 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện Dự án trong giai đoạn 2022 - 2026.

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM dự kiến có quy mô khoảng 76,3 km, 4 làn xe cao tốc hạn chế; tốc độ thiết kế 80km/giờ với bề rộng mặt cắt ngang là 19,75m.

Dự án phân chia thành 8 dự án thành phần, tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 là 61.056 tỷ đồng.

Giai đoạn 2026-2030 cần khoảng 14.322 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương bố trí 7.361 tỷ đồng, ngân sách TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An bố trí 6.961 tỷ đồng. Chính phủ dự kiến năm 2022 chuẩn bị dự án, năm 2023 khởi công xây dựng và cơ bản hoàn thành năm 2025, hoàn thành toàn bộ vào năm 2026, quyết toán năm 2027.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.