Xã hội

Chủ tịch Quốc hội: "Chậm rồi thì phải chắc, nhanh nhưng phải đúng"

13/05/2022, 12:17

Chủ tịch Quốc hội cho biết, "chậm rồi phải chắc, nhanh nhưng phải đúng" về mục tiêu, nguyên tắc, tiêu chí, tiêu chuẩn mà các NQ của QH đặt ra.

Phân bổ vốn cụ thể rất chậm

Sáng nay (13/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc dự kiến phương án phân bổ vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

img

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Phú Cường

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, đến ngày 19/4/2022, Chính phủ mới có Tờ trình là quá chậm so với thời gian quy định, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đặc biệt bố trí kế hoạch vốn sau gần 1,5 năm chưa được phân bổ cụ thể đến các bộ, ngành, địa phương gây lãng phí nguồn lực của quốc gia.

Quốc hội đã quyết nghị về mức bố trí vốn đầu tư phát triển để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 là 100.000 tỷ đồng. Tại Tờ trình này, Chính phủ đề nghị chưa phân bổ 5.000 tỷ đồng đối với một số nhiệm vụ, đề án, chương trình chuyên đề chưa được phê duyệt. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ hoàn thiện cơ sở pháp lý để sớm trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Liên quan đến phân bổ vốn cho các địa phương, trong đó có việc bố trí vốn cho 4 địa phương có điều tiết về ngân sách Trung ương, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu thực hiện đúng nguyên tắc không phân bổ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho các địa phương có điều tiết về ngân sách Trung ương theo Nghị quyết 25 của Quốc hội.

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (50.000 tỷ đồng), Chính phủ dự kiến phân bổ hơn 2.942 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan trung ương. Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, vấn đề này Chính phủ chưa báo cáo, thuyết minh về sự cần thiết, tính chất của từng nhiệm vụ, cũng như các nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, do đó đề nghị làm rõ.

Liên quan chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (18.000 tỷ đồng), đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cũng không đồng tình phân bổ cho Bộ Lao động, thương binh và xã hội 96 tỷ đồng để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động và đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để đảm bảo đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bền vững, tránh dàn trải.

Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng cho rằng, tổng số có 7 tiểu dự án, song Chính phủ dự kiến bố trí 17.904 tỷ đồng cho các địa phương để thực hiện các nội dung thuộc dự án 1 (giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt) và dự án 4 (đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc) mà không làm rõ nguyên nhân không bố trí vốn cho các dự án còn lại.

img

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

"Chậm ở đâu không nói chung chung"

Nêu ý kiến, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của sự chậm trễ và trách nhiệm của các cơ quan để báo cáo Quốc hội.

"Chậm ở đâu, bộ ngành nào, địa phương nào? Giờ không nói chung chung mà phải có địa chỉ", ông Mẫn đề nghị, đồng thời cho rằng, Chính phủ cần có kế hoạch triển khai cụ thể, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ và bộ ngành, địa phương nào thực hiện yếu kém thì quy trách nhiệm, kiểm điểm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến vào nội dung này cũng nhấn mạnh, 3 chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, tác động rộng lớn đối tượng thụ hưởng. Mới đây, Trung ương bàn tiếp tục vấn đề tam nông, trong đó có nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, chính sách cho đồng bào dân tộc miền núi là hết sức quan trọng.

"Đến nay hành động rất chậm chạp. Nghị quyết của Quốc hội ban hành với tiến độ làm 5 năm nhưng giờ đã hết quỹ 1,5 năm mà còn loay hoay. Do đó cần đánh giá, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, chậm trễ ở đâu, do ai”, ông Vương Đình Huệ nói và cho biết thêm đó cũng là lý do vì sao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 quyết định lựa chọn giám sát tối cao trong năm 2023 có nội dung tổ chức thực hiện 3 chương trình mục tiêu.

"Quốc hội chọn thì đó là giám sát tối cao. Quốc hội không chọn thì trở thành giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tức là kiểu gì cũng giám sát. Giám sát có đổi mới, cải tiến, không chỉ hậu kiểm mà giám sát ngay trong quá trình tổ chức triển khai, như giám sát về quy hoạch vừa qua thì mới có tác dụng trực tiếp, mới tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nếu có khi tổ chức triển khai các nội dung quan trọng này. Đề nghị các bộ, ngành, các cấp quán triệt ý thức trách nhiệm của mình đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ông Vương Đình Huệ cũng lưu ý, công việc giờ đã chậm thì phải làm nhanh, song "chậm rồi thì phải chắc, nhanh nhưng phải đúng" về mục tiêu, nguyên tắc, tiêu chí, tiêu chuẩn mà các nghị quyết của Quốc hội đặt ra.

Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về mặt nguyên tắc phân bổ vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến để phân bổ theo đúng nguyên tắc Nghị quyết của Quốc hội, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, không phân tán dàn trải hay chồng chéo.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính Ngân sách phối hợp Ủy ban Pháp luật và các cơ quan rà soát các dự án để xác định mức vốn phân bổ, hoàn chỉnh báo cáo và dự thảo nghị quyết xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.