Xã hội

Chủ tịch Quốc hội: Vì sao hơn 10 năm chưa đấu giá được tần số vô tuyến?

18/04/2022, 14:14

Luật Tần số vô tuyến điện 2009 quy định việc đấu giá băng tần, song hơn 10 năm chưa thực hiện được trường hợp nào.

Dự thảo đấu giá tần số vô tuyến chưa tạo được đột phá

Sáng 18/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Phạm Đức Long cho biết dự thảo luật bổ sung 2 điều, sửa đổi 15 điều, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo.

img

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung điều kiện cấp giấy phép băng tần thông qua đấu giá, thi tuyển và cấp lại như: đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính trước đó về viễn thông, tần số vô tuyến điện; có cam kết triển khai mạng viễn thông (như vùng phủ, chất lượng, tiền đầu tư...); bổ sung quy định các trường hợp đặc biệt được sử dụng tần số không phù hợp với quy hoạch trong không gian, thời gian nhất định (để phục vụ sản xuất, nghiên cứu phát triển, các sự kiện đặc biệt được Thủ tướng cho phép...).

Đặt vấn đề vì sao hơn 10 năm qua, từ ngày có luật đến nay (từ 2009) chưa có trường hợp nào đấu giá hay thi tuyển mà toàn cấp trực tiếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị lý giải việc này, xem có vướng mắc gì mà không làm được.

"Cá nhân tôi và nhiều chuyên gia cho rằng quy định về phương thức đấu giá tại dự thảo chưa tạo ra được điểm đột phá so với luật hiện hành", Chủ tịch Quốc hội nhận xét và cho rằng cần quy định rành mạch rõ ràng về phương thức này và đấu giá thực hiện theo luật này hay theo Luật Đấu giá tài sản cũng phải rõ ràng.

img

Thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Phạm Đức Long

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết luật đặt vấn đề tách bạch khi nào đấu giá, khi nào thi tuyển nhưng nội dung dự thảo không thực sự rõ, thiếu tiêu chí xác định.

“Luật giao Thủ tướng Chính phủ quyết định nhưng quyết định đó dựa trên tiêu chí, cơ sở nào? Luật thể hiện không rõ ràng, không quy định các tiêu chí, điều kiện của băng tần được đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện làm cơ sở cho Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định", ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Ông cũng lưu ý theo quy định thì trình tự, thủ tục đấu giá phải thực hiện theo Luật Đấu giá tài sản, do đó nếu tần số vô tuyến điện có đặc thù thì phải sửa luật chứ không thể dùng luật này để điều chỉnh.

Đấu giá tần số vô tuyến điện tạo cạnh tranh lành mạnh

Để có thêm cơ sở quy định hình thức cấp phép phù hợp thông qua phương thức đấu giá hoặc thi tuyển, một số ý kiến đề nghị bổ sung báo cáo đánh giá cụ thể về nguồn thu phí sử dụng tần số vô tuyến điện trong vòng 10 năm qua, cùng với đó, nghiên cứu quy định tách bạch, rõ ràng giữa phương thức đấu giá và phương thức thi tuyển.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh băng tần vô tuyến điện là tài sản công nên bắt buộc phải đấu giá. Giá trị thương mại của băng tần cũng cao nên đấu giá có thể tạo thêm nguồn cho ngân sách nhà nước. Đấu giá còn tạo cạnh tranh lành mạnh.

Ông nói, trình tự thủ tục đấu giá phải theo Luật đấu giá tài sản, còn các điều kiện theo luật chuyên ngành nếu cần có trình tự, thủ tục riêng đặc thù thì sửa luật.

Báo cáo giải trình thêm, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh tần số là tài sản vô cùng quý hiếm, có giá trị rất cao và theo quy định phải thực hiện đấu giá.

Tuy nhiên, nhiều năm qua chưa thực hiện đấu giá tần số vì có vướng mắc, nhất là Luật đấu giá tài sản điều chỉnh các phương pháp xác định giá không phù hợp với tần số.

Tuy nhiên, Luật Quản lý sử dụng tài sản công vào năm 2017 đã tạo căn cứ và Chính phủ đã ban hành nghị định liên quan cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép... Cùng với việc trình sửa đổi một số điều của Luật tần số vô tuyến điện thì việc đấu giá tần số sắp tới có thể triển khai được.

Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay lượng tần số mang ra kinh doanh chỉ 15% và sắp tới cũng không tăng được nữa, 85% dùng cho chuyên dùng và thực tế 81% hiện nay chưa dùng, quốc phòng và an ninh mới dùng 4%.

Nhưng khi có tình huống khẩn cấp thì tất cả tần số quay về phục vụ quốc phòng an ninh vô điều kiện.

"Trong bất cứ tình huống nào thì tần số cũng ưu tiên cho quốc phòng an ninh cao nhất", Bộ trưởng nói và nêu rõ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.