Xã hội

Chủ tịch Quốc hội: Xây dựng pháp luật tránh "bắc nước sôi chờ gạo"

03/11/2021, 13:14

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đảm bảo tiến độ, chất lượng công tác xây dựng pháp luật, tránh tình trạng "bắc nước sôi chờ gạo".

Ưu tiên xây dựng các đạo luật ở lĩnh vực then chốt

Sáng 3/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với các cơ quan tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

img

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay Đảng đoàn Quốc hội đang được giao nhiệm vụ rất là quan trọng, trong Đề án tổng thể dự kiến sẽ trình Bộ Chính trị, để Bộ Chính trị trình Hội nghị Trung ương 6 về xem xét, ban hành Nghị quyết tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Trong đó, Quốc hội được giao 4 đề án thành phần, trong đó có 2 đề án thành phần, một chiến lược xây dựng pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Đề án thứ 2 là tiếp tục hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Quốc hội cho tầm nhìn tương tự như vậy.

Với 8 nhóm định hướng lớn, 70 định hướng dẫn cụ thể, Đề án của Đảng đoàn Quốc hội đã bám sát chủ trương, đường lối Đại hội XIII và các văn kiện khác của Đảng; đề ra 137 nhiệm vụ lập pháp cụ thể cần thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, nhằm hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng hệ thống pháp luật, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.

Các định hướng và nhiệm vụ lập pháp đề ra trong Đề án bao quát toàn diện các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội của đất nước.

Đồng thời, quán triệt và thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Đó là, ưu tiên xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá, phát triển kinh tế xã hội.

Đồng thời, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở sự phát triển trong lĩnh vực, kịp thời ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.

Bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh phân quyền, phân cấp hợp lý phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay thì Quốc hội không quyết định chương trình xây dựng pháp luật 5 năm, mà chỉ quyết định chương trình xây dựng pháp luật hằng năm. Cho nên, Kết luận 19 là lần đầu tiên Bộ Chính trị đã có định hướng xây dựng pháp luật cả nhiệm kỳ.

Đây là một định hướng hết sức quan trọng, dài hạn để Quốc hội chủ động xem xét, quyết định chương trình xây dựng pháp luật hàng năm đảm bảo tiến độ, chất lượng, tránh được tình trạng "bắc nước sôi chờ gạo", cái đang cần nhưng lại không có để xem xét thông qua, cái mà các cơ quan trình thì chưa thực sự cấp thiết hoặc cấp thiết nhưng chuẩn bị không kỹ lưỡng.

Không để "lợi ích nhóm" trong xây dựng pháp luật

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần chú trọng nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp.

Trong xây dựng pháp luật, cần phải ưu tiên cao nhất cho chất lượng, không chạy theo số lượng, cố gắng khắc phục cơ bản những tồn tại, bất cập đã được các cơ quan nhận diện và chỉ ra trong quá trình tổng kết, xây dựng Đề án.

Tiếp tục tìm tòi đổi mới, cải tiến quy trình, thủ tục để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành pháp luật. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức tham gia quy trình lập pháp để nâng cao chất lượng các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội.

Trong quá trình nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới luật, pháp lệnh, nghị quyết theo yêu cầu của các nhiệm vụ lập pháp, đề nghị cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục luật định, nhất là trong việc chuẩn bị hồ sơ.

Đề nghị đưa dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp luật, công tác soạn thảo, lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động.

Cần quan tâm chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không để xảy ra việc lồng ghép "lợi ích nhóm", "lợi ích cục bộ" của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản luật; quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

"Chúng ta không thể chấp nhận dự án luật sơ sài, đưa ra ra để biểu quyết nhưng một thời gian ngắn phải sửa, không đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triển đất nước và hội nhập quốc tế", Chủ tịch Quốc hội nhắc lại.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo tiến độ xác định trong đề án đã được Bộ Chính trị thông qua, có 95/137 nhiệm vụ lập pháp cần phải hoàn thành việc rà soát, nghiên cứu trong thời gian từ nay đến hết năm 2022, trong đó có 40 nhiệm vụ phải hoàn thành trước ngày 30/6/2022, 55 nhiệm vụ phải hoàn thành trước ngày 31/12/2022.

Đây là một thách thức không nhỏ, vì trong thời gian ngắn, khoảng hơn 1 năm phải hoàn thành số lượng nhiệm vụ rà soát, nghiên cứu rất lớn, chiếm 69% tổng số nhiệm vụ lập pháp được xác định của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Để hoàn thành khối lượng công việc rất đồ sộ này, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ, các cơ quan, nhất là người đứng đầu, cần trực tiếp chỉ đạo và khẩn trương triển khai ngay các nhiệm vụ lập pháp được giao.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.