Hỏi - Đáp

Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh và đồng phạm đối diện hình phạt nào?

05/04/2022, 21:57

Theo luật sư, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng có thể đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Tối 5/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng 6 bị can khác cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

img

Ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh

Việc khởi tố, bắt tạm giam 7 bị can trên, do C03 đang điều tra, xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư của các công ty thành viên thuộc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh).

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo thông tin từ phía cơ quan điều tra thì trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử động vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu. .

"Như vậy, kết quả điều tra xác minh ban đầu, cơ quan điều tra xác định bị can Đỗ Anh Dũng và các đồng phạm đã có thủ đoạn gian dối trong việc huy động vốn đối với các dự án bất động sản.

Với thông tin như vậy thì có thể cơ quan điều tra đã chứng minh được thủ đoạn gian dối trong việc huy động vốn. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra tiếp tục chứng minh mục đích chiếm đoạt tài sản để thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản", luật sư Cường nói.

Theo quy định của pháp luật thì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ cấu thành tội phạm khi chủ thể của tội phạm đã thực hiện thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt số tiền từ 2 triệu đồng trở lên.

Mục đích chiếm đoạt tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội không có ý định trả lại tài sản cho các nạn nhân.

"Bởi vậy, trong vụ án này, để kết tội với các bị can thì cơ quan điều tra cần tiếp tục thu thập các tài liệu, chứng cứ để chứng minh các bị can không có ý định trả lại số tiền đã huy động trái phép cho các nạn nhân", luật sư Cường phân tích.

Theo ông Cường, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một trong các tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu tài sản.

Yếu tố đặc trưng của tội danh này là thủ đoạn gian dối của người thực hiện hành vi phạm tội, đưa ra thông tin sai sự thật, sử dụng các tài liệu giả mạo hoặc các thủ đoạn khác để làm cho nạn nhân tin tưởng trao tài sản cho đối tượng phạm tội, sau khi có được tài sản thì đối tượng không có ý định trả lại tài sản, chiếm đoạt tài sản đó, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân.

Với số tiền chiếm đoạt tài sản (bằng thủ đoạn gian dối) từ 500 triệu đồng trở lên thì người phạm tội sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự trước đây (Bộ luật Hình sự năm 1999) thì tội danh này có hình phạt cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, từ năm 2009, khi sửa đổi Bộ luật Hình sự, thì phạt tử hình đã được bãi bỏ trong tội danh này, đến nay hình phạt cao nhất là tù chung thân.

"Bởi vậy trường hợp có căn cứ kết tội đối với ông Đỗ Anh Dũng và các đồng phạm thì các bị can trong vụ án này phải đối mặt khung hình phạt có mức hình phạt cao nhất là tù chung thân", luật sư Cường nêu quan điểm.

Trong quá trình điều tra vụ án này, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ số tiền huy động vốn trái phép các bị can đã sử dụng vào mục đích gì, các số tiền này đang ở đâu, đã được chuyển hóa thành các loại tài sản nào.

img

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

Tài sản của ông Đỗ Anh Dũng lừa đảo mà có xử lý thế nào?

Đối với tài sản do phạm tội mà có hoặc có nguồn gốc từ tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ thu giữ, các vật chứng vụ án, những tài liệu đồ vật có dấu vết của tội phạm thì cơ quan điều tra cũng sẽ thu giữ.

Ngoài hình phạt chính có thể tới 20 năm tù hoặc tù chung thân thì tội danh này còn quy định là phạt tiền và tịch thu tài sản.

Bởi vậy trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ tài sản mà các bị can chiếm đoạt được của các người những người bị hại đang ở đâu để niêm phong, thu giữ đảm bảo thi hành án, trả lại cho những người bị hại.

Đồng thời có thể kê biên các tài sản của các bị can để đảm bảo các hình phạt bổ sung, thậm chí có thể áp dụng hình phạt tịch thu tài sản.

Luật sư Cường cũng cho biết, vụ việc trả giá cao lô đất tại Thủ Thiêm rồi bỏ cọc với số tiền 600 tỷ đồng cho thấy doanh nghiệp này có biểu hiện vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh, có lẽ từ vi phạm này mà cơ quan chức năng xác minh làm rõ các dấu hiệu vi phạm của doanh nghiệp này trong đó có vi phạm về việc phát hành trái phiếu để huy động vốn trái phép. Vụ án này mới là khởi đầu của giai đoạn điều tra.

Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi của các bị can, trong trường hợp có căn cứ cho thấy bị can còn thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác như rửa tiền, trốn thuế, chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có hoặc các hành vi liên quan đến việc sử dụng tài sản trái phép thì sẽ tiếp tục bị xử lý theo quy định của pháp luật, cơ quan điều tra có thể tiếp tục khởi tố về các tội danh khác nếu hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Đồng thời, cũng sẽ tiếp tục mở rộng điều tra để xác định ngoài 6 bị can đã bị khởi tố thì con bị can nào có vai trò giúp sức, xúi giục các bị can khác thực hiện hành vi phạm tội hay không.

“Nếu ngoài tội danh đã bị khởi tố còn có các tội danh khác hoặc có các người khác cùng thực hiện hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra sẽ tiếp tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý đối với những người vi phạm theo quy định pháp luật”, luật sư Cường nêu quan điểm

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.