Xã hội

Chủ tịch tỉnh Bình Định: "Cán bộ nhàn dân khổ, cán bộ khổ dân nhờ"

29/09/2021, 16:53

Với nhiệm vụ đưa địa phương bứt phá trong quý IV, lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu cán bộ phải tập trung, sáng tạo, dám nghĩ dám làm.

Ngày 29/9, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cùng 3 Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, Nguyễn Tự Công Hoàng, Lâm Hải Giang chủ trì cuộc họp Tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm.

Bức tranh kinh tế tươi sáng giữa đại dịch

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, địa phương bước vào năm 2021 với rất nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh trong nước và trên toàn cầu. Dù tập trung phòng chống rất kỹ nhưng đến đợt dịch thứ tư, Bình Định cũng đã ghi nhận những ca bệnh đầu tiên vào ngày 28/6. Đến nay, tròn 3 tháng, tình hình dịch bệnh ở địa hương cơ bản đã được khống chế.

img

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long trân trọng cảm ơn đến những hi sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch đã giúp địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh

Tổng thu ngân sách nhà nước tính đến ngày 26/9 là 9.590 tỷ đồng (đạt 90,8% dự toán, tăng 28,2% so với cùng kỳ). Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 9 tháng ước đạt 21.176,2 tỷ đồng (tăng 2,6% so cùng kỳ); sản xuất công nghiệp đạt 38.116 tỷ đồng (tăng 6,92% so cùng kỳ).

Từ đầu năm đến nay, có 3 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 40,3 triệu USD, có 7 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn điều chỉnh tăng 32,2 triệu USD và 6 lượt nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với tổng vốn 17,1 triệu USD. Đến nay, cả tỉnh có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1.047 triệu USD.

Đầu tư trong nước trong 9 tháng, tỉnh Bình Định đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 63 dự án với tổng vốn đầu tư trên 35.133 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long, có được điều này là nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và đặc biệt là sự đồng lòng của người dân. Nhờ đó mà dù gặp khó khăn nhưng tình hình KT-XH 9 tháng đầu năm có những "điểm sáng".

Ngay từ thời điểm dịch bùng phát, tỉnh Bình Định chú trọng nhiệm vụ vừa chống dịch vừa phát triển KT-XH. Chẳng hạn khi phát hiện dịch bệnh tại doanh nghiệp, lực lượng chức năng sẽ cho tiến hành truy vết ngay để bóc tách F0, sau đó tiếp tục để doanh nghiệp hoạt động bình thường trên cơ sở phòng chống dịch chứ không cho dừng hoàn toàn. Hiệu quả rõ ràng nhất là tại cảng Quy Nhơn, hoạt động sản xuất, vận chuyển hàng hóa vẫn được duy trì bình thường, lượng hàng hóa qua cảng 9 tháng đầu năm vượt hơn năm ngoái.

Xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Theo ông Nguyễn Phi Long, năm 2021 là năm bản lề, không tạo động lực hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra thì rất khó tạo tiền đề cho 4 năm còn lại của nhiệm kỳ.

"Rất nhiều yêu cầu được đặt ra, để đưa Bình Định cất cánh trở thành trung tâm phát triển của khu vực miền Trung, nâng cao, cải thiện đời sống người dân. Điều này đòi hỏi sự đoàn kết, vượt khó của đội ngũ cán bộ các cấp trong thực thi nhiệm vụ. 3 tháng cuối năm, tôi đề nghị tập trung khiển khai quyết liệt, có hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm: phát triển kinh tế xã hội, phòng chống dịch và phòng chống bão lũ", ông Phi Long nhấn mạnh.

img

Bình Định tập trung 3 nhiệm vụ 3 tháng cuối năm để bứt phá

Về từng nhiệm vụ cụ thể, ông Long yêu cầu các phó Chủ tịch UBND tỉnh phân công, phân nhiệm rõ ràng để chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện. Đối với phát triển KT-XH, lãnh đạo tỉnh yêu cầu tập trung thực hiện 7 nội dung lớn. Ngoài ra, phải tiết kiệm ngân sách, cắt giảm chi thường xuyên không cần thiết để tập trung động lực chi cho đầu tư phát triển, tạo giá trị sản xuất, việc làm cho người dân và đảm bảo mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Đặc biệt, UBND tỉnh Bình Định đã thành lập Tổ Công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh, ban hành Quyết định đơn giản hóa thủ tục hành chính lĩnh vực đầu tư, thống nhất cắt giảm 7 ngày so với quy định. Việc cắt giảm nhằm bảo đảm các quy định về thủ tục hành chính đơn giản, dễ thực hiện cũng như góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Bình Định.

Về nhiệm vụ chống dịch, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, dự kiến, ngày 1/10, tỉnh Bình Định chuyển việc giãn cách xã hội từ Chỉ thị 15 sang Chỉ thị 19 (trừ các khu vực phong tỏa theo Chỉ thị 16) và mở lại một số lĩnh vực thể dục thể thao. Do đó, sẽ xem xét thu hút khách du lịch trở lại địa phương.

"Cố gắng tiêm vắc xin phủ 90% mũi 1 cho TP.Quy Nhơn, khôi phục hoạt động du lịch, phủ 2 mũi vắc xin ở bán đảo Phương Mai để đón khách du lịch nội địa vào đầu tháng 11. Với khách quốc tế, tỉnh sẽ xin Thủ tướng cho phép thì mở bán đảo Phương Mai đón khách. Sau khi phủ vắc xin, tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm quy định 5K và tiếp tục mở từng bước, để trở lại cuộc sống bình thường", ông Phi Long nói.

img

Ông Long đặc biệt lưu ý đến việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong dịch, phải thực hiện linh động sáng tạo, càng sớm càng tốt, làm đúng làm đủ, chi đến tận tay người dân

Riêng nhiệm vụ phòng chống bão lũ, ông Long yêu cầu lãnh đạo các cấp, ngành phải đặc biệt quan tâm. Bởi tình hình dịch bệnh rất phức tạp, thiệt hại nhiều nhưng nếu một cơn bão đổ bộ trực tiếp vào tỉnh, chỉ cần chủ quan, lơ là trong phòng chống thì hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều, đặc biệt là thiệt hại về tính mạng con người.

"Bình Định, năm nào tỉnh này cũng có bão, bão bé thì nhân dân được nhờ, bão lớn thì nhân dân khổ, vì vậy công tác phòng chống bão lũ phải chuẩn bị chu đáo, không được chủ quan, lơ là. Đến lúc này kế hoạch không thể ở trên giấy được nữa mà phải gắn liền với thực tế. An toàn tính mạng người dân là nhiệm vụ quan trọng nhất, bão vào thì của cải, tài sản mất có thể làm lại được nhưng tính mạng con người thì không thể", ông Long chia sẻ.

Theo người đứng đầu tỉnh Bình Định, đây là giai đoạn cam go thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm cuối năm, sẽ rất khó khăn vất vả. Nhưng đây là quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, càng khó bản chất cán bộ càng bộc lộ rõ. Sẽ đánh giá được đội ngũ cán bộ, những lúc "nước sôi lửa bỏng", những lúc nhân dân cần. Là cán bộ phải làm gương, chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, tôn trọng và vì cuộc sống tốt đẹp của nhân dân.

"Cán bộ nhàn thì dân khổ, cán bộ vất vả thì dân được nhờ, đặc biệt trong phòng chống dịch, nếu muốn nhàn thì cấm hết, 1 hoặc 2 ca thì phong tỏa Chỉ thị 16 nhưng làm như vậy, người dân biết bấu víu vào ai", Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.