Xã hội

Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo xử lý dứt điểm tiêu cực tại cửa khẩu

26/08/2022, 17:55

Trước việc tài xế, chủ xe bị giữ phương tiện và giấy tờ liên quan để ép đưa tiền tại cửa khẩu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo xử lý nghiêm.

Chủ hàng và nhà xe cũng có phần lỗi

Báo Giao thông vừa đăng bài "Có cửa khẩu số, tài xế xuất nông sản vẫn hoàn toàn phụ thuộc "nhà luật", phản ánh việc tỉnh Lạng Sơn đã triển khai cửa khẩu số nhằm minh bạch thông tin, hạn chế tiêu cực trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, song đến nay hầu hết tài xế, chủ xe đều khẳng định chưa hề biết đến cửa khẩu số là gì.

Trước đó, Báo Giao thông cũng đã liên tiếp có bài phản ánh tình trạng tái diễn "luật ngầm" nơi cửa khẩu, khi nhiều tài xế, chủ xe bức xúc việc bị các "nhà luật" chèn ép, thu tiền luật giá cao.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: Thời gian qua, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để phòng chống và hạn chế tiêu cực tại cửa khẩu. Trong đó, có việc áp dụng cửa khẩu số nhằm công khai, minh bạch thông tin liên quan.

Hiện nay, cơ bản cửa khẩu số đã đáp ứng được yêu cầu xuất, nhập khẩu. Đây là mô hình mới, chưa có tiền lệ, đang được Chính phủ giao thực hiện thí điểm tại Lạng Sơn và đang đem lại kết quả rất tốt, giúp thúc đẩy năng lực thông quan hàng hóa.

img

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu kiểm tra công tác phòng chống COVID-19 tại Cửa khẩu Tân Thanh. (Ảnh: Thái Thuần/TTXVN)

Tuy nhiên, theo ông Thiệu, chủ hàng và chủ xe vẫn giữ phương thức xuất khẩu hàng hóa cũ, tự tìm đến những đối tượng được họ gọi là “nhà luật” để xuất khẩu. Việc làm này là tự phát, không đúng quy định. Trong khi chính quyền đã có nhiều biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lái xe, doanh nghiệp vận tải nhằm công khai, minh bạch, hạn chế tiêu cực tại cửa khẩu, họ lại tự thỏa thuận, thống nhất với nhau để thực hiện khiến chính quyền và lực lượng chức năng rất khó kiểm soát.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng, trong các vụ việc tranh chấp dân sự tại cửa khẩu cũng có phần lỗi của tài xế, chủ xe và chủ hàng. Trong khi nhà nước khuyến khích họ tự thực hiện thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa, có hợp đồng ràng buộc pháp lý, được nhà nước bảo vệ quyền lợi khi xảy ra các vụ việc không mong muốn. Tuy nhiên, họ lại không thực hiện mà tự đi thỏa thuận, nhờ bên thứ 3 mà không có hợp đồng pháp lý rõ ràng nên rất khó giải quyết, xử lý khi phát sinh tranh chấp.

img

Xe vận chuyển nông sản xuất cảnh qua Trung Quốc tại cửa khẩu Tân Thanh.

Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định: Với chính sách như hiện nay, chủ xe, chủ hàng đều hoàn toàn có thể tự khai báo, tự thực hiện thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa mà không cần phải thông qua người môi giới.

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cũng khuyến cáo, những trường hợp bị cản trở, ngăn cấm, gây khó khăn tại cửa khẩu cần được tố giác, cung cấp bằng chứng xác thực để cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử lý nghiêm theo quy định.

Liên quan đến vấn đề nhiều phương tiện vận chuyển nông sản bị giữ tại Trung Quốc, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhận định: Đa phần những trường hợp này đều không có hợp đồng ràng buộc pháp lý rõ ràng, chủ yếu liên quan đến thỏa thuận dân sự giữa chủ hàng, bến bãi hai bên cửa khẩu. Các trường hợp này cũng được UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tích cực vào cuộc giải quyết thông qua các cuộc hội đàm, đề nghị cơ quan chức năng phía bạn giải quyết, bảo đảm quyền và lợi ích các bên liên quan.

Đồng bộ giải pháp tại cửa khẩu

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng, tình trạng ún ứ, ách tắc tại cửa khẩu hiện nay có 2 nguyên nhân chính gồm: Các cơ quan chức năng Trung Quốc siết chặt biện pháp phòng chống Covid-19 nên phương tiện và hàng hóa được kiểm soát rất chặt chẽ. Phía bạn cũng thường xuyên thay đổi, áp dụng nhiều phương thức giao nhận hàng hóa làm ảnh hưởng đến tốc độ thông quan qua cửa khẩu.

img

Sau khi nộp giấy tờ cho "nhà luật", tài xế xuất khẩu nông sản chỉ biết ngồi chờ trong nhiều ngày tại cửa khẩu Tân Thanh.

Cùng đó, hàng hóa từ nội địa lại cục bộ, chủ yếu rơi vào mùa vụ khi nông sản đổ dồn về cửa khẩu mà chưa chú trọng đến thị trường tiêu thụ khác. Trong khi đó, đa phần hàng hóa chỉ được xuất khẩu tiểu ngạch, chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện; chưa có hợp đồng mua bán... nên luôn đối mặt với rủi ro tiềm ẩn; chủ hàng, chủ xe Việt Nam chủ yếu “cầm đằng lưỡi”, chịu nhiều thiệt thòi.

Đại tá Thái Hồng Công, Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn khẳng định: Hiện, Công an tỉnh Lạng Sơn vẫn đang chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tích cực vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm tại cửa khẩu. Công an tỉnh Lạng Sơn rất mong các tài xế, chủ xe và chủ hàng tích cực hợp tác, cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan giúp lực lượng Công an sớm làm rõ, xử lý theo quy định.

Hơn nữa, do không có hợp đồng nên khi xảy ra các vụ việc tranh chấp, cơ quan chức năng và chính quyền cũng rất khó vào cuộc để bảo vệ quyền lợi cho chủ xe, chủ hàng.

Do đó, để giải quyết dứt điểm tình trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cùng vào cuộc; nếu chỉ riêng Lạng Sơn thì cũng không làm nổi. Trong đó, cần xây dựng các vùng sản xuất nông sản có quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu chính ngạch.

Đẩy mạnh khâu chế biến để không phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nhất định nào. Cùng đó, cần xúc tiến việc đàm phán, ký nghị định thư bảo vệ thực vật với Trung Quốc để rút ngắn thời gian thông quan cho nông sản. Điều này đã được Thái Lan và một số nước thực hiện, theo đó, nông sản của họ chỉ bị kiểm tra xác xuất với 30% hàng hóa khi thông quan mà không bị kiểm tra 100% như nông sản Việt.

Về phần mình, Lạng Sơn sẽ tích cực đàm phán, trao đổi với phía bạn để tháo gỡ khó khăn, thích ứng với yêu cầu phòng chống dịch từ phía bạn để đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa tại cửa khẩu.

Trao đổi với PV Báo Giao thông về việc giải quyết triệt để các đối tượng lợi dụng việc khai báo, làm thủ tục hải quan chèn ép, trục lợi tài xế và chủ xe tại cửa khẩu, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, đã yêu cầu Cục Hải quan Lạng Sơn rà soát, loại bỏ những tổ chức, cá nhân làm thủ tục hải quan vi phạm, có biểu hiện tiêu cực tại cửa khẩu.

Yêu cầu tất cả các tổ chức, cá nhân làm thủ tục xuất, nhập khẩu đều phải đăng ký kinh doanh, có hợp đồng cung cấp dịch vụ, công khai chi phí phát sinh tại 2 bên cửa khẩu để ngăn chặn việc thất thu các khoản thuế, phí theo quy định; tránh việc bị các đối tượng xấu lợi dụng tình hình để trục lợi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.