Kinh tế

Chủ tịch VCCI "vẽ đường" doanh nghiệp Việt tiếp cận tập đoàn lớn

06/12/2014, 17:01

Thiếu vắng những doanh nghiệp lớn và vừa, các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khi liên kết với các tập đoàn lớn quy mô quốc tế, nên không thể tận dụng được cơ hội thương mại từ chuỗi giá trị toàn cầu.

img

Nhiều cách tiếp cận

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) ví dụ, ngành điện tử đang thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có những dự án rất lớn của Samsung, LG, Panasonic… Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm điện tử đạt khoảng 32,2 tỷ USD và tiếp tục giữ ngôi vị số 1 trong các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, thành quả đó phần lớn thuộc về các doanh nghiệp FDI.

Nguyên nhân của thực trạng này bắt nguồn từ công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử yếu kém, các sản phẩm điện tử do doanh nghiệp Việt sản xuất đều theo thiết kế, mẫu mã nước ngoài nên giá trị gia tăng sản phẩm thấp và tính cạnh tranh không cao, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao… Do đó, để doanh nghiệp Việt Nam có thể trở thành nhà cung cấp trực tiếp cho các Tập đoàn điện tử nước ngoài lớn, sẽ đòi hỏi một quá trình dài để cải tiến sản phẩm và chức năng với nguồn vốn lớn.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc, cơ hội cho hiệu ứng lan tỏa FDI trong ngành công nghiệp điện tử không chỉ giới hạn ở phần cứng mà còn trong ngành công nghiệp dịch vụ. Vì vậy, thay vì đơn giản là tập trung vào việc cung cấp linh kiện đầu vào cho sản phẩm điện tử, doanh nghiệp Việt có thể cung cấp dịch vụ để hỗ trợ ngành công nghiệp này.

Bên cạnh đó, việc hội nhập thông qua liên doanh hoặc hợp tác với nhà cung cấp cấp I, cấp II trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện sẽ ít bị sức ép cạnh tranh hơn do yêu cầu về “địa điểm gần” từ nhà cung cấp để giảm chi phí vận chuyển – một yêu cầu rất quan trọng của nhà sản xuất sản phẩm cuối cùng. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể có cơ hội để tạo giá trị gia tăng trong phân ngành này.

Cần thêm những doanh nghiệp vừa

Theo báo cáo của VCCI, hiện trong số các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, các doanh nghiệp có quy mô lớn chỉ chiếm khoảng 2% và số doanh nghiệp vừa cũng tương ứng như vậy. Còn lại, 95-96% là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nếu tính cả các hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động trong nền kinh tế thì tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ có thể chiếm tới trên 99,9%.

Do quy mô nhỏ, nên có rất nhiều doanh nghiệp trong nước chưa đủ năng lực cạnh tranh để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài hoặc tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. “Việt Nam đang tập trung gia tăng số lượng doanh nghiệp mới nên bỏ lỡ cơ hội tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp đang hoạt động để có thể tận dụng được cơ hội của thương mại từ chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Lộc nhận định.

Do thiếu vắng những doanh nghiệp lớn và vừa có đủ khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nên chuỗi cung ứng ở Việt Nam đã bị phá vỡ và phân mảnh. Điều này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi chi phí nhân công – yếu tố chính thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam – đang tăng lên, và thị trường nội địa của Việt Nam sẽ trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

“Việt Nam cần tạo ra nhiều các doanh nghiệp quy mô vừa vừa lớn, đủ năng lực cung ứng cho các nhà đầu tư nước ngoài, xuất khẩu và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ nhằm phát triển một cộng đồng doanh nghiệp hiệu quả hình “kim tự tháp”, ông Lộc đề xuất. Những giải pháp cần thiết để có thêm những doanh nghiệp tư nhân vừa và lớn, theo ông Lộc là: Đổi mới thể chế, tạo điều kiện và cơ hội phát triển cho khu vực tư nhân; Nâng cao năng suất và quy mô cho doanh nghiệp vừa vừa nhỏ thông qua phát triển công nghiệp hỗ trợ và các cụm công nghiệp; Lựa chọn một số ngành có lợi thế cạnh tranh, xây dựng chương trình hỗ trợ để tăng cường hiệu ứng lan tỏa của các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước…

Quỳnh Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.