Tài chính

Chủ trọ trục lợi từ bán điện giá cao, EVN Hà Nội thờ ơ

28/07/2021, 07:09

Chính sách hỗ trợ của nhà nước về giá điện cho người lao động nghèo, sinh viên thuê nhà đi vào cuộc sống còn chậm và khó khăn.

Mặc dù luôn kêu khó trong việc điều tra, phát hiện sai phạm trong thu tiền giá điện nhà trọ, song ngay cả khi được cung cấp địa chỉ cụ thể, đại diện EVN Hà Nội lại cho rằng “không có người làm”!

img

Số nhà 32 ngách 43/112 đường Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm) có khoảng 20 phòng trọ, nhiều năm thu giá điện 4.000 đồng/số

Người trong cuộc làm ngơ?

Báo Giao thông số ra ngày 26/7/2021 đăng bài “Chủ trọ trục lợi bán điện giá cao, ai chịu trách nhiệm”, phản ánh nhiều chủ nhà trọ trên địa bàn TP Hà Nội đều đang thu tiền điện vượt gần gấp đôi so với quy định hiện hành.

Trước thông tin phản ánh của Báo Giao thông tại 9 điểm nhà trọ đang áp dụng giá điện cao cho người thuê trọ, phía đại diện EVN Hà Nội cho biết: “Anh em ở Hoàng Mai, Thanh Xuân (quận Hoàng Mai, quận Thanh Xuân - PV) kêu trời khi “vứt cho cả đống này, làm gì có người mà làm” nên mong muốn được đưa cho một vài địa điểm cụ thể”.

Khi PV bày tỏ, nhà nào cũng thu giá điện 4.000 đồng/số, cao gấp đôi so với giá ưu đãi dành cho người thuê trọ, vị này nhanh chóng đáp: “Không có người làm!”.

Sau khi PV đề nghị kiểm tra một loạt nhà trọ có quy mô lớn trong ngõ 562 Trần Cung và Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm) và ngỏ ý sẽ tham gia cùng đoàn nhưng EVN Hà Nội lấy lý do dịch bệnh nên từ chối (thời điểm từ 16-23/7, Hà Nội chưa thực hiện việc giãn cách theo Chỉ thị 16), thay vào đó, chỉ gửi lại biên bản làm việc từ Công ty Điện lực Bắc Từ Liêm.

Theo biên bản, 2 nhà trọ lâu năm này đều chưa thực hiện việc ký cam kết cũng như triển khai áp dụng giá điện nhà trọ cho người thuê trọ.

Tuy nhiên, PV không có cách nào để xác thực được biên bản làm việc này khi không có thông tin về người làm chứng, càng không thể truy cập vào mã số khách hàng được cung cấp để kiểm tra.

Như vậy, có hay không tình trạng “sự việc một đằng, lập biên bản một nẻo”?

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, chính sách hỗ trợ của Nhà nước về giá điện cho người lao động nghèo, sinh viên thuê nhà đi vào cuộc sống còn chậm và khó khăn.

‘Việc này trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của phần đông người dân (là chủ nhà cho thuê và người đi thuê) và sẽ có không ít người vì lợi ích sẵn sàng vi phạm pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau, làm giảm hiệu quả thực tế”, bà Lan nói.

Cả nước làm được, chỉ Hà Nội kêu khó?

img

Biên bản làm việc giữa Công ty Điện lực Bắc Từ Liêm và chủ nhà trọ, nhưng người chứng kiến lại chính là nhân viên của công ty này

Theo bà Lan, thời gian qua, Sở Công thương Hà Nội đã công khai đường dây nóng để phản ánh mọi hành vi vi phạm của chủ nhà trọ, đơn vị điện lực và cán bộ ngành điện.

Bên cạnh đó, Sở cũng đã có văn bản hướng dẫn thực hiện việc công khai các thông tin về thực hiện giá điện của các chủ cơ sở có nhà cho thuê trên địa bàn.

Theo đó, việc công khai thông tin thực hiện giá điện được thực hiện bằng hình thức yêu cầu các chủ cơ sở có nhà cho thuê phải lập sổ sách ghi chép sản lượng điện tiêu thụ theo chỉ số công tơ từng phòng trọ cho thuê, số tiền điện tính toán và thu hàng tháng của từng phòng trọ cho thuê, có chữ ký xác nhận của người thuê trọ;

Sẵn sàng cung cấp cho cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra thông tin thực hiện giá điện khi có yêu cầu...

Ngoài ra, Sở cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp bằng chứng là bản ghi âm, băng ghi hình việc thu tiền của chủ nhà cho thuê là một cơ sở để xác định việc thu tiền đó có đúng quy định hay không.

Tuy nhiên, một cán bộ Sở này bộc bạch: “Dù có quy định, nhưng không dễ gì quy trách nhiệm bởi người thuê trọ không dám báo hoặc họ chấp nhận nộp. Hoặc có báo thì họ không dám đứng ra làm chứng.

Còn nếu đi kiểm tra về quy mô phòng trọ, áp dụng giá điện nào (bậc thang hoặc 1 giá hay định mức), xuất trình hợp đồng mua bán điện và các thủ tục kèm theo thì cơ bản đều đúng”.

Dẫn giải nguyên nhân, vị cán bộ này cho biết, do việc lập chứng từ không chặt chẽ và người thuê trọ cũng chưa dám đứng lên đấu tranh cho quyền lợi của mình.

“Khó khăn lớn nhất là việc thu thập bằng chứng xác thực hành vi thu tiền điện sai quy định bởi việc thực hiện phần lớn đều bằng tiền mặt, không có người làm chứng, không có sổ sách, hóa đơn...”, vị này nói.

Được biết, từ năm 2018, Sở Công thương Hà Nội đã báo cáo hàng quý tới Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công thương về những khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm tra, xử lý nêu trên.

Qua đó, Sở cũng kiến nghị Bộ Công thương cần điều chỉnh chính sách giá điện tại các điểm cho thuê nhà để ở chỉ có một mức giá, không phân biệt số định mức và có hướng dẫn về việc thực hiện chính sách giảm giá hỗ trợ cho đối tượng trên để các cơ quan liên quan dễ dàng tính toán, kiểm tra, phát hiện, xử lý việc thu tiền điện sai quy định của chủ cơ sở có nhà cho thuê...

Tuy nhiên, chia sẻ với Báo Giao thông, một cán bộ thuộc Cục Điều tiết điện lực cho biết, từ năm 2018, Bộ Công thương đã ra thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về thực hiện giá bán điện nhà trọ.

Cuối năm đó, một văn bản hướng dẫn chi tiết cũng được ban hành, giao cho Sở Công thương các địa phương có trách nhiệm kiểm tra và xử lý.

Trước câu hỏi những vướng mắc từ địa phương đã được xử lý ra sao, vị này cho biết: “Năm nào cũng có cuộc họp giữa các Tổng công ty điện lực, Tập đoàn Điện lực và địa phương. Các Sở đều báo cáo không có vướng mắc nhiều, chỉ có Hà Nội bảo khó phạt do đặc thù nhiều nhà trọ, phức tạp...”.

PV Báo Giao thông đã liên hệ với lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) đề nghị làm rõ vấn đề trách nhiệm cũng như trả lời câu hỏi: vì sao mấy năm qua, dù chính sách không đi vào thực tiễn vẫn không có đề xuất, chỉnh sửa. Tuy nhiên, vị này cho biết không trả lời qua điện thoại mà hứa sẽ chuẩn bị và xin ý kiến lãnh đạo Bộ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.